Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 tuyên bố biến chủng B.1.1.529, được phát hiện tại khu vực phía nam châu Phi từ giữa tháng 11, thuộc nhóm biến chủng "đáng lo ngại" và được đặt tên là Omicron. "Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến chủng này cao hơn các biến chủng khác", WHO cho biết.
Hình minh họa được các nhà khoa học tại Bệnh viện Bambino Gesu, Italy công bố ngày 27/11 cho thấy Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.
Phần lớn đột biến của Omicron nằm trên protein gai, công cụ giúp virus bám dính và xâm nhập vào tế bào của người, dẫn đến nguy cơ nó có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch và lây lan nhanh hơn. Biến chủng này được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm hàng ngày tại Nam Phi tăng 12 lần trong chưa đầy một tháng.
Biến chủng nCoV đang chiếm ưu thế trên toàn cầu hiện nay là Delta, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ và gây ra làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc ở nước này, với số ca nhiễm hàng ngày từng lên tới hơn 400.000. Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã hạ nhiệt, với khoảng 1/3 dân số được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, vaccine giờ đây vẫn xa vời đối với đông đảo người dân các nước đang phát triển trên thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data, dự án thuộc Đại học Oxford của Anh, mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 42%.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt 1,2%.
Nhiều quan chức y tế cho biết thế giới có nguy cơ bị kéo vào một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, trong đó các biến chủng mới đáng lo ngại trỗi dậy ở những nơi chưa được tiêm vaccine, thúc đẩy các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đặt hàng liều tăng cường, khiến "cơn khát vaccine" ở những nước nghèo thêm trầm trọng.
"Chúng tôi đang hướng đến tình huống các nước thu nhập cao sẽ tiếp tục nhận được những liều vaccine tăng cường thường xuyên, trong khi người dân tại các nước thu nhập thấp thậm chí chưa được tiêm liều đầu tiên", Alexandra Phelan, chuyên gia tại Đại học Georgetown của Mỹ, cho biết.
Trong hầu hết năm nay, châu Phi gần như bị gạt sang một bên trong chiến dịch tiêm chủng đại trà quy mô toàn cầu. Covax, cơ chế phân phối của WHO nhằm thúc đẩy bình đẳng tiêm chủng và đưa vaccine đến các quốc gia thu nhập thấp, tới nay mới chuyển được 544 triệu liều, tương đương 1/3 kế hoạch đề ra.
Các lệnh cấm xuất khẩu vaccine, quá trình sản xuất bị đình trệ và cuộc càn quét của biến chủng Delta khắp Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Loạt trở ngại đang dần được gỡ bỏ. Covax dự kiến cung cấp ít nhất 400 triệu liều vaccine vào tháng tới. Các hãng dược phẩm trên toàn cầu cũng đang trên đà sản xuất tổng cộng 12 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, theo Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế.
Con số này lớn hơn 11 tỷ liều mà WHO cho rằng cần thiết để tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này nhiều khả năng sẽ được chuyển tới các quốc gia giàu có để phục vụ chiến dịch tiêm liều tăng cường. Các nước nghèo hơn vẫn chưa xác định rõ thời điểm vaccine của họ dự kiến được chuyển đến.
Ngay cả khi giải quyết được vấn đề nguồn cung cho các nước nghèo, giới chức y tế vẫn sẽ gặp phải nhiều thách thức khác. Người dân tại những nơi báo cáo ít ca nhiễm, có thể bởi tỷ lệ xét nghiệm thấp, không có nhiều động lực đi tiêm. Bên cạnh đó, tâm lý ngần ngại vaccine tại những khu vực mang tư tưởng bảo thủ sâu sắc của châu Phi, như miền bắc Nigeria, khiến khó khăn với giới chức y tế thêm chồng chất.
"Rất nhiều vaccine đang được đưa tới, nhưng chiến dịch tiêm chủng vẫn đối mặt nhiều thách thức", nhà virus học người Cameroon John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho biết.
Các chính phủ ở châu Phi vẫn chưa tìm được ngân sách cho chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm bớt tâm lý ngần ngại vaccine. Ngoài ra, sau một năm chờ đợi vaccine, những lô vaccine lớn được chuyển đến trong thời gian ngắn, khi các nước ở khu vực vẫn chưa kịp thiết lập hệ thống điểm tiêm chủng.
Bảo quản vaccine đúng cách cũng là vấn đề đau đầu đối với những nước có nguồn điện không ổn định. Một số quốc gia châu Phi thậm chí đề nghị Covax dời lịch giao vaccine sang năm sau để họ có thời gian thiết lập cơ sở hạ tầng tiêm chủng, vốn rất tốn kém.
Giữa lúc đó, biến chủng Omicron trỗi dậy và lây lan tại một số nước phía nam châu Phi từ giữa tháng 11. Chỉ hai tuần sau, biến chủng này bắt đầu lây lan xuyên lục địa, xuất hiện ở châu Á, châu Âu, khiến một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại với khu vực.
Để thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các khu vực trên thế giới, tạo điều kiện tiếp cận vaccine dễ dàng hơn cho những nước nghèo, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 tuyên bố ủng hộ dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bản quyền đối với vaccine Covid-19.
"Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, những bất thường của Covid-19 đòi hỏi các biện pháp đặc biệt", Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai lúc đó cho hay. Tuy nhiên, các ông lớn vaccine toàn cầu không có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẽ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine của mình để giúp nó được sản xuất tại nhiều khu vực hơn.
Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron một lần nữa "cho thấy tầm quan trọng của từ bỏ bản quyền vaccine một cách nhanh chóng", Tổng thống Biden tuyên bố hôm 26/11. "Đối với cộng đồng quốc tế, biến chủng mới thể hiện rõ hơn bao giờ hết lý do đại dịch không kết thúc cho tới khi chúng ta tiêm chủng toàn cầu".
Ánh Ngọc (Theo WSJ)