Sau vụ việc "bệnh nhân 1342" (tiếp viên hàng không Vietnam Airlines) để Covid-19 lây ra cộng đồng, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những hiểm họa khi áp dụng biện pháp cách ly tại nhà:
Từ khi có dịch, tôi đã thấy cách ly tại nhà không hiệu quả vì khó kiểm soát. Trước giờ rất may vì trong số đó không có ai bị nhiễm, nếu không hậu quả khó lường vì không có ai giám sát họ cùng người trong gia đình cùng căn hộ sinh sống. Nếu một ai mắc bệnh thì lây lan cộng đồng là tất yếu.
Đã đến lúc nên lập các khu cách ly tập trung do quân đội trực tiếp quản lý, vì dịch bệnh còn kéo dài rất lâu. Nếu cứ để người dân cách ly tại nhà, tại cơ sở như thế này thì chỉ cần một người thiếu ý thức sẽ làm cho cả vạn người bị ảnh hưởng
Không nên áp dụng một tiêu chuẩn cách ly riêng đối với tiếp viên. Đề nghị phải có quy định cách ly tập trung, khu sinh hoạt chung đối với tiếp viên chuyến bay quốc tế, chỉ được ra ngoài cộng đồng sau khi đã hoàn tất cách ly 14 ngày. Các bệnh viện nghiêm túc thực hiện quy định chỉ có một người chăm bệnh, không tổ chức thăm nom.
Nếu chỉ dựa vào tính tự giác trong trường hợp hiểm hoạ quá lớn của đại dịch thì không ổn, vì tính tự giác của mọi người là không giống nhau. Thế giới quan của mỗi người, nhận thức của mỗi người là khác nhau. Đối với tổ bay về từ các nước có dịch bệnh thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Nếu chỉ cách ly tập trung bốn, năm ngày rồi cho về tự cách ly thì nguy quá.
Theo tôi, với những trường hợp đoàn bay từ ổ dịch trở về (trong trường hợp này đi từ Rumani), mọi người từ hành khách đến bộ phận phục vụ trên máy bay đều phải được cách ly nghiêm ngặt. Còn đoàn bay từ những nước sạch Covid-19 mới có thể cách ly ở cơ quan chủ quản. Như thế mới giảm thiểu hậu quả do Covid -19 gây ra.
>> Có thể phạt nặng tiếp viên hàng không gây lây nhiễm?
Trong khi đó, nhiều ý kiến khách cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ giám sát người cách ly tại nhà để tránh lây lan Covid-19 ra cộng đồng:
Cơ quan kiểm soát dịch bệnh có thể nghiên cứu thiết bị GPS định vị bán rất phổ biến trên thị trường. Cần thiết bắt buộc những người bị cách ly phải đeo thiết bị này vào. Bên cạnh đó, cần có thêm chế tài nghiêm khắc thì chúng ta mới vượt qua những khó khăn thử thách trong thời gian dịch bệnh.
Nếu cách ly tại nhà người ta không tự giác và ý thức, thì nên đeo vòng nhận diện cho họ để người khác biết mà cách ly với họ. Đừng nói phân biệt đối xử ở đây, đeo cái vòng chỉ là là biện pháp tạm thời nhắc nhở ý thức, nhắc nhở cách ly, giữ khoảng cách. Khi xác định hết bệnh thì có thể bỏ vòng.
Ở Đài Loan và Hàn Quốc, họ giám sát bằng mạng di động, chỉ cần ra khỏi nhà hoặc tắt sóng điện thoại hoặc di chuyển khỏi vị trí chỗ ở là lập tức cảnh báo đến cảnh sát giám sát ngay. Sau đó còn có người gọi điện thoại đến kiểm tra. Sao Việt Nam chúng ta không làm như vậy?
Hãy áp dụng như ở Singapore, người cách ly tại nhà được đeo một thiết bị định vị và điện thoại yêu cầu bật 24/24. Khi ai đó ra khỏi phạm vi cho phép nó sẽ báo về trung tâm, từ đó trung tâm gọi cho người cách ly, yêu cầu quay lại vị trí của mình. Nếu không tuân thủ hoặc không bắt máy điện thoại sẽ có chế tài xử lý người cách ly.
>> Bạn nghĩ gì về quy định cách ly tại nhà hiện nay? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.