Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, quá trình lão hóa có thể khiến tế bào mất khả năng sửa chữa các tổn thương, từ đó hình thành các tế bào bất thường. Những bệnh mạn tính như tiểu đường, viêm gan, xơ gan, viêm dạ dày, polyp đại tràng... cùng lối sống không lành mạnh, cũng làm tăng khả năng mắc ung thư. Theo bác sĩ Ngọc, áp dụng các biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ mắc ung thư.
Tiêm vaccine đầy đủ
Một số bệnh ung thư tại gan và bộ phận sinh dục, đầu, cổ do virus viêm gan B và HPV gây ra, đây là hai tác nhân bệnh có thể phòng ngừa nhờ vaccine.
Trong đó, Viện Y khoa Quốc gia Mỹ ước tính HPV gây ra khoảng 630.000 ca ung thư ở nam và nữ giới tại quốc gia này năm 2023. Ở nữ giới, mức độ lưu hành HPV tập trung ở nhóm 35-39 và 45-49 tuổi. Họ sinh hoạt tình dục nhiều năm, có khả năng lây nhiễm cao hơn nhóm trẻ tuổi nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Virus cũng tấn công mạnh ở nhóm thường xuyên bị căng thẳng, suy nhược, miễn dịch kém.
Còn viêm gan B khiến tế bào gan viêm và hoại tử, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng vị trí hàng đầu trong các loại ung thư với trên 25.000 ca mắc mới và tử vong mỗi năm. Bệnh nhân viêm gan B có xác suất ung thư gan cao gấp 200 lần người bình thường.
Hiện, vaccine HPV được mở rộng độ tuổi tiêm chủng đến 45 tuổi, hiệu quả phòng bệnh lên tới hơn 90%. Người trung niên cần tiêm phác đồ ba mũi trong 6 tháng.
Đối với viêm gan B, người trung niên cần tiêm chủng đủ 3 liều, đúng lịch, hiệu quả bảo vệ lên đến 98% và có thể kéo dài nhiều năm. Lưu ý cần xét nghiệm viêm gan B trước tiêm.
Ngoài ra, bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo người dân tiêm chủng một số vaccine bảo vệ hệ hô hấp như cúm, phế cầu khuẩn, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Các vaccine này giúp phòng những tác nhân gây tổn thương phổi, giảm khả năng ung thư phổi.
Tầm soát và khám sức khỏe định kỳ
Hiện nay, nhiều loại ung thư được phát hiện và điều trị ở giai đoạn rất sớm, từ đó tăng khả năng sống sót. Bên cạnh đó, tầm soát, phát hiện sớm cũng giúp mọi người chủ động phòng chống ung thư, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Người dân cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, tầm soát bằng chụp X-quang tuyến vú, X-quang phổi, nội soi tầm soát đại trực tràng, tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ... Chủ động tầm soát phát hiện sớm bệnh giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn, với chi phí thấp hơn.
Lối sống lành mạnh
Chế độ ăn uống, tập thể dục, thường xuyên căng thẳng hay môi trường ô nhiễm đều tác động tới sự tăng trưởng và tiến triển của bệnh ung thư. Nếu một người có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu vận động, stress mạn tính... có nguy cơ ung thư cao hơn so với người bình thường.
Người trung niên nên đặt mục tiêu dành 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày trong tuần. Bài tập thể dục vừa phải như đi bộ nhanh hai giờ một tuần hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư vú. Tập luyện thường xuyên còn giúp đốt cháy chất béo.
Theo Guardians, chỉ 30 phút tập luyện cường độ để tăng cơ bắp có thể giảm nguy cơ tử vong do ung thư, bệnh tim và tiểu đường. Việc duy trì mức độ thể dục cardio (chạy bộ, nhảy...) tốt khi còn trẻ có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư sau này đến 42%.
Bỏ thuốc lá, rượu bia
Mỗi điếu thuốc lá chứa 250 hóa chất độc hại, gần 70 trong số đó gây ung thư. Khói thuốc lá là tác nhân ung thư phổi và liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác gồm dạ dày, bàng quang, thận, miệng, cổ họng. Uống nhiều rượu tăng khả năng mắc ung thư miệng, vú, gan, thực quản và những bệnh khác. Người uống càng uống nhiều rượu bia, nguy cơ ung thư càng cao.
Không hút thuốc, hạn chế rượu bia giúp phòng ngừa ung thư và góp phần nâng cao hệ thống miễn dịch, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Trong đó, béo phì là yếu tố thúc đẩy phát triển nhiều bệnh lý, bao gồm ung thư. Các tế bào mỡ giải phóng chất kích thích tế bào ung thư phát triển ở tuyến tụy, thực quản, đại tràng, túi mật.
Do đó, bác sĩ Ngọc khuyến cáo người trung niên nên sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, giữ cân nặng phù hợp. Chế độ ăn nên bổ sung trái cây và rau củ có tác dụng phòng ung thư, giàu chất xơ và ít béo, như: rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, cải xoong.
Tránh tia UV và hóa chất
Ung thư da có thể phòng ngừa bằng cách: tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào thời gian cao điểm 10-16h; dùng kính râm và mũ rộng vành, mặc quần áo che phủ càng nhiều da khi ra ngoài trời. Người lớn nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, thoa thường xuyên sau mỗi 2-3 giờ để tăng hiệu quả.
Ngoài ra, người dân nên tránh các vùng ô nhiễm không khí, chứa nhiều amiăng, radon, benzen - những chất gây ung thư, dễ làm tổn thương DNA trong tế bào nếu tiếp xúc thường xuyên. Bên cạnh đó, tránh hóa chất có nhiều trong thuốc diệt cỏ, quá trình sản xuất nhựa và một số sản phẩm gia dụng...
Mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài. Người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại cần mặc quần áo bảo hộ chuyên dụng.
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.