Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, từng công tác tại khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, trẻ dễ bị mệt mỏi và căng thẳng thị giác sau các chương trình học trực tuyến kéo dài hàng ngày. Nguyên nhân là tư thế ngồi chưa chuẩn xác hoặc vị trí đặt màn hình không phù hợp, thời gian nghỉ ngơi chưa hợp lý, cần khắc phục để giữ gìn đôi mắt và sức khỏe của trẻ.
Ngồi đúng tư thế
Trong khi học, trẻ có thể ngồi các tư thế sai lệch như: Đầu và thân trên cong về phía trước hoặc nghiêng sang một bên... Từ đó, trẻ bị khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình học tập, làm việc, gây đau nhức ở cổ và vai, mỏi mắt, kích ứng mắt, mờ mắt, khô mắt và nhức đầu. Nếu quá trình đó kéo dài có khả năng dẫn đến các chấn thương cơ xương liên quan đến tư thế làm việc không hợp lý.
Vì vậy, phụ huynh cần chú ý tư thế ngồi học của trẻ. Trẻ nên được ngồi ghế và bàn học có thể điều chỉnh độ cao, ghế tựa lưng. Đầu và lưng cần thẳng, không nghiêng hoặc cúi, vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi khoảng 90-130 độ, phần thân trên và đùi tạo một góc mở 90-120 độ, tốt nhất là 100-110 độ vì tư thế này giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và giảm ảnh hưởng bất lợi với cột sống.
Đặt màn hình đúng vị trí
Trẻ có thể khó chịu do màn hình đặt quá cao hoặc quá thấp khiến cho cằm hướng lên trên hoặc phải cúi xuống. Vì vậy, cha mẹ cũng cần chú ý đặt màn hình đúng tầm mắt của trẻ để đảm bảo sức khỏe và hiệu quả học tập.
Theo Trung tâm An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Canada (CCOHS), tiêu chí chiều cao màn hình phù hợp là cạnh trên của màn hình ngang hoặc thấp hơn đường mắt nhìn thẳng, góc tạo ra khi mắt nhìn thẳng và đường thẳng từ mắt trung tâm màn hình khoảng 15 độ, góc tạo bởi cạnh dưới của màn hình máy tính với đường mắt nhìn thẳng khoảng 30 độ. Khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính 40-74 cm, có thể ước lượng bằng chiều dài của một cánh tay người lớn.
Nghỉ ngơi hợp lý
Mặc dù có tư thế ngồi đúng và vị trí màn hình phù hợp, trẻ vẫn có thể bị ảnh hưởng sức khỏe do thường xuyên ngồi quá lâu. Trong điều kiện bình thường, tần suất chớp mắt trung bình khoảng 15-20 lần một phút, sau đó giảm xuống còn 5-7 lần/phút khi làm việc với màn hình máy tính và các thiết bị điện tử, dẫn tới khô mắt. Do đó, trẻ em và những người thường xuyên phải làm việc với máy tính cần tập thói quen nghỉ ngơi sau một thời gian học tập, làm việc.
Hiệp hội Thị lực Mỹ (American Optometric Association) và Học viện Nhãn khoa Mỹ (American Academy of Ophthalmology) khuyến cáo quy tắc 20-20-20. Tức là, cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một vật gì đó cách mắt 20 feet (khoảng 6 mét) trong thời gian 20 giây và thường xuyên chớp mắt với tần suất trung bình vào khoảng 15-20 lần một phút.
Trong quá trình học online, giáo viên nên thiết lập khoảng thời gian mỗi 20 phút một lần để các học sinh trong lớp học rời mắt khỏi màn hình máy tính, nhìn ra vào điểm cách tầm mắt khoảng 6 mét trong thời gian 20 giây. Giáo viên nên nhắc nhở học sinh thường xuyên chủ động chớp mắt khi học với máy tính để tránh triệu chứng khô mắt, mỏi mắt.
Ngoài ra, trẻ cũng không nên học liên tục với máy tính quá lâu, hãy nhắc trẻ đứng dậy và nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút, có thể tập một vài động tác thể dục hoặc đi bộ để thư giãn cơ thể. Trẻ em và người lớn cũng cần nghỉ ngơi ít nhất 5 phút sau nửa giờ làm việc.
Điều kiện ánh sáng
Khi học trong môi trường thiếu sáng, mắt của trẻ phải điều tiết nhiều, nhanh mệt mỏi, dễ bị rối loạn về thị giác. Nếu đèn quá sáng, trẻ sẽ khó sử dụng màn hình để học do bị ánh sáng che lấp, gây lóa. Nên điều chỉnh độ sáng và độ tương phản màn hình sao cho font chữ, hình ảnh trên màn hình dễ nhìn nhất. Không nên chỉnh độ sáng màn hình quá cao, dẫn đến chói mắt và nhức mắt khi học. Ánh sáng đèn khi học online cũng không nên quá sáng, tối đa 750 lux.
Bổ sung dinh dưỡng
Nên bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E và các yếu tố vi lượng như kẽm sẽ giúp cho mắt thêm sáng. Ví dụ, vitamin A trong các loại rau, quả màu đỏ như cà rốt, cà chua; vitamin C có nhiều trong cam, chanh, ổi; vitamin B trong thịt gà, cá hồi, trứng, sữa, đậu, súp lơ...
Chi Lê