Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, chia sẻ: Ngâm, tắm thảo dược là phương pháp sử dụng các dược liệu chứa tinh dầu có tác dụng trừ thấp, hoạt huyết, tiêu viêm, lưu thông máu huyết tác động lên da, gân cơ để cải thiện sức khỏe. Người bệnh có thể ngâm từng bộ phận như tay hoặc chân với thau chậu nhỏ, hoặc ngâm tắm toàn cơ thể.
Có thể sử dụng thảo dược dạng khô hoặc tươi, hoặc cao thảo dược, được pha hoặc nấu với nước ấm. Vùng cơ thể được ngâm trong nước thuốc nóng ấm một khoảng thời gian nhất định và phù hợp sẽ hồi phục.
"Các bộ phận ngâm trong nước phải chịu một áp lực của nước tác động lên da, cơ, khớp. Các chuyển động của nước và của cơ thể, tạo điều kiện việc lưu thông máu được tốt hơn, nhất là hồi lưu máu về tim từ các tĩnh mạch và bạch huyết. Đặc biệt tốt cho những bệnh nhân mệt mỏi, ít vận đông hoặc bất động vì nằm lâu trên giường bệnh, suy nhược cơ thể sau nhiễm Covid", bác sĩ Vũ phân tích.
Việc ngâm tắm thảo dược toàn thân còn giúp các tuyến tiêu hóa bài tiết tốt hơn, quá trình tiêu hóa và hấp thu được tăng cường, người bệnh ăn ngon và ăn được nhiều hơn. Khi quá trình chuyển hóa trong cơ thể tăng lên sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, đòi hỏi hô hấp và tuần hoàn phải tăng cường, tốt cho tim mạch.
"Ngoài ra, nước tác động lên da, áp lực nước tác động lên các tổ chức sâu như cơ, khớp, giống như động tác xoa bóp, kích thích lên các thụ cảm thể thần kinh. Các mùi thơm của dược liệu cũng tác động lên thần kinh khứu giác làm thư dãn, êm dịu. Người bệnh có cảm giác thư thái, dễ chịu, giảm stress, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn, rất phù hợp để điều chỉnh lại cảm xúc sau nhiễm Covid", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Vũ, tùy mục đích mà có sự lựa chọn và phối hợp các vị thuốc phù hợp. Một số vị thuốc thường dùng có tính chất ấm nóng, giảm đau hoặc an thần, có hương thơm như Đại hồi, Quế chi, Thiên niên kiện, Ngải cứu, Đinh hương, Xương bồ, Màng tang....
Đối với cách ngâm tắm thảo dược bộ phận, thường sẽ ngâm chân. Hai bàn chân là nơi tập trung các huyệt đạo tác động đến hầu hết bộ phận trên cơ thể từ não bộ đến mắt, tai, mũi, tuyến yên, giáp, tụy; từ hệ thần kinh cho đến cơ quan ngũ tạng như tim, gan, mật, phổi, thận; cho đến cơ quan tiêu hóa: dạ dày, ruột, kết tràng, lá lách, bàng quang. Tác động lên các huyệt đạo sẽ kích thích hoạt động những cơ quan trên.
Cách thức là chỉ cần nấu sôi các loại thảo dược, hay làm nóng thảo dược bằng hãm nước sôi đổ nước thảo dược đã nấu, hãm vào trong khay gỗ hoặc nhựa điều chỉnh độ nóng cho phù hợp và ngâm chân trong đó khoảng 20-30 phút. Nước thuốc tác động trực tiếp lên chân, người ngâm sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, thư giãn, mệt mỏi dường như tan biến. Phương pháp này phù hợp với những người cao tuổi, người làm việc trong tư thế ít vận động (ngồi lâu, đứng nhiều), người bị bệnh viêm khớp dạng thấp, tăng huyết áp... cải thiện các triệu chưng khó chịu do Covid-19 gây nên.
Ngâm chân thảo dược cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để lựa chọn vị thuốc, bài thuốc phù hợp, không nên tự ý ngâm. Vị thuốc phải đảm bảo chất lượng, không bị ẩm mốc, biến chất. Mua thuốc tại nơi uy tín. Nhiệt độ thích hợp để ngâm chân an toàn là khoảng 35-50 độ C, ngâm trong 15-20 phút, ngày ngâm 1-2 lần.
"Không nên đặt chân vào nước ngay mà để cách xa mặt nước một khoảng xông hơi trước rồi từ từ hạ chân xuống. Ngâm trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon. Để đảm bảo an toàn, sau khi ngâm chân xong mọi người cũng lưu ý lau khô luôn chân, ủ ấm chân vào chăn để tránh lạnh", bác sĩ lưu ý.
Đối với người bệnh muốn ngâm tắm thảo dược toàn thân phải có chỉ định của bác sĩ và được thăm khám, kiểm tra sinh hiệu để đánh giá tư vấn sức khỏe.
Nhiệt độ chậu ngâm tắm từ 40 đến 50 độ C tùy từng thể trạng bệnh nhân và chỉ định điều trị phù hợp. Thảo dược phải được nấu trước và hòa tan đều với nước trước khi tiếp xúc với cơ thể. Kiểm tra nhiệt độ của nước ngâm tắm xem độ nóng đề điều chỉnh. Sau đó người được chỉ định phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi ngâm tắm bằng thảo dược. Ngâm tắm vào nước thảo dược nóng 15-20 phút, sau đó lau khô bằng khăn.
"Ngâm tắm toàn thân hay ngâm tắm cục bộ đều có tác dụng cải thiện triệu chứng mệt mỏi, đau cơ, làm ra mồ hôi giải độc, tăng cường lưu thông khí huyết, giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống tâm thể. Tuy nhiên cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý ngâm tắm, đặc biệt là sử dụng các vị thuốc lạ vì nguy cơ kích ứng và các tác dụng phụ không mong muốn", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Lê Cầm