Theo bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, mèo là động vật quen thuộc với con người. Tuy nhiên, vết cào, cắn hoặc liếm vào vết thương hở của mèo có thể gây ra một số bệnh truyền nhiễm cho người tiếp xúc, như sau:
Sốt mèo cào
Sốt mèo cào do vi khuẩn Bartonella henselae (B. henselae) gây ra. Vi khuẩn này lây truyền từ bọ chét sang mèo, thường là mèo con, sau đó xâm nhập cơ thể người thông qua vết cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Triệu chứng của bệnh gồm sưng hạch bạch huyết, u cục nổi sẩn trên da và sốt.
Bệnh có thể gây biến chứng như viêm nội tâm mạc; gan lách to dẫn đến đau bụng, buồn nôn; viêm kết mạc và viêm thần kinh võng mạc; bệnh lý não bao gồm lú lẫn, đau đầu dữ dội và co giật. Người bị suy giảm hệ miễn dịch như mắc HIV hoặc các bệnh lý mạn tính có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ ba trường hợp nhập viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí (Quảng Ninh) hôm 2/12 với vết thương nhiễm trùng sưng đỏ, tiết dịch do mèo cào, cắn.
Uốn ván
Bào tử của vi khuẩn uốn ván có ở khắp mọi nơi trong môi trường như đất, bụi bẩn, cống rãnh, phân người, phân súc vật. Miệng và móng vuốt của mèo có thể dính vi khuẩn và lây cho người qua vết cào, cắn. Đồng thời, các vết thương hở do mèo gây ra cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bên ngoài môi trường xâm nhập.
Tỷ lệ tử vong của bệnh uốn ván khoảng 25-90%. Nếu trẻ sơ sinh mắc uốn ván, tỷ lệ này lên đến 95%. Tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn, mang lại hiệu quả cao.
Dại
Bệnh dại do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật bị bệnh sang người qua vết cắn, cào, liếm... Những năm gần đây, số ca bệnh dại do mèo cào cắn chiếm khoảng 10%, trong khi trước đây chủ yếu do chó cắn. Theo thống kê của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022, trung bình một năm có hơn 500.000 người bị động vật cắn, chó xếp hàng đầu với 84%, mèo xếp sau với 14%.
Nghiên cứu của de Lima và cộng sự năm 2023 chỉ ra độc tính virus dại của mèo cao hơn chó đồng thời tỷ lệ lây nhiễm bệnh dại ở mèo cao gấp 10 lần so với chó. Mèo hay có thói quen liếm móng vuốt, do đó vết cào của mèo cũng có nguy cơ lây bệnh dại cao.
Tụ huyết trùng
Pasteurella multocida là vi khuẩn thường được tìm thấy trong miệng của mèo và có thể gây nhiễm trùng cho người sau khi bị cắn hoặc cào. Những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng huyết và viêm phúc mạc do vi khuẩn này.
Cách phòng bệnh
Để phòng các bệnh do mèo cào, cắn, người dân cần nắm vững quy trình xử lý đúng khi có vết thương. Các bước gồm: rửa dưới vòi nước sạch và xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70° hoặc cồn iốt, không băng kín vết thương và đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine dại, uốn ván.
Với dại, phác đồ gồm 5 mũi trong vòng một tháng cho người chưa tiêm vaccine gần đây, các lần bị thương sau chỉ cần hai mũi. Việt Nam đang có hai loại vaccine dại thế hệ mới gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), không gây hại thần kinh cho người sử dụng.
Ngoài ra, vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi bị phơi nhiễm với phác đồ gồm ba mũi, tiêm thêm hai mũi mỗi lần bị động vật cào, cắn và không cần sử dụng huyết thanh.
Vaccine uốn ván cần tiêm nhắc 10 năm/một mũi. Người không rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm 3 mũi trong 7 tháng.
Bên cạnh tiêm phòng, mọi người nên kết hợp các biện pháp sau để tăng hiệu quả phòng bệnh: rửa tay sau khi chơi đùa, bế hoặc vuốt ve mèo; giữ mèo trong nhà để giúp giảm nguy cơ bị bọ chét cắn; không vuốt ve hoặc nhặt mèo hoặc mèo con đi lạc; tránh để mèo liếm vết xước hoặc vết thương.
Người dân nhập viện ngay nếu những vết xước không lành hoặc có vùng đỏ xung quanh và lan rộng hơn trong hơn hai ngày, sốt kéo dài trong nhiều ngày, hạch bạch huyết sưng và đau, đau cơ xương hoặc khớp.
Gia Nghi
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.