(Bài viết Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm của VnExpress.net)
Bạn Khanh nói đạo đức là lối cư xử giữa ta và mọi người xung quanh và bạn chỉ nhận thức được khi bạn đi du học ở Úc. Thế thì, học trường quốc tế là học sinh sẽ có nhận thức ngay về cái nền tảng đạo đức ấy mà không cần phải đi du học ở đâu. Tức là, học trường quốc tế là học xong hành luôn. Còn học trường khác thì học xong để đó chừng nào có cơ hội thì đem ra hành, hoặc là cả đời chẳng có cơ hội nào để hành.
Học trường quốc tế là học lối tư duy thực dụng, phong cách ứng xử tinh tế, xã giao trước học vấn sau tương ứng với "tiên học Lễ, hậu học Văn" của phương Đông. Tiếng Anh trong trường quốc tế là tiếng Anh theo tình huống, ngữ cảnh trước dùng để giao tiếp, sau dùng làm công cụ học tập. Nó khác hẳn với tiếng Anh mà ta học ở các trung tâm ngoại ngữ.
Ở trung tâm ngoại ngữ, chúng ta học tiếng Anh theo bài. Bài học xong rồi cũng chẳng biết vận dụng vào chỗ nào. Còn tiếng Anh trong trường quốc tế, học đến đâu dùng luôn đến đó, cụ thể là để học sinh giao tiếp với nhau, nghe và hỏi thầy cô ở các bài học về văn hóa, kiến thức học vấn.
Học sinh học trường quốc tế xong về nhà vẫn nói tiếng Việt. Còn học sinh không học trường quốc tế về nhà mà không ôn luyện tiếng Anh thì quên sạch. Tóm lại, trường quốc tế là môi trường để học sinh học và vận dụng tiếng Anh luôn. Còn học ở trung tâm ngoại ngữ mà muốn vận dụng thì chỉ có thể tìm cách nói chuyện với khách du lịch ngoại quốc hay là đi Tây nói chuyện với người bản xứ.
Tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ là tiếng Anh nặng về giao tiếp, xã giao không phải là loại tiếng Anh dùng làm công cụ học tập tri thức. Ví dụ, cùng một đề Toán, nếu viết bằng tiếng Việt, bạn sẽ hiểu và giải rất nhanh. Nhưng viết bằng tiếng Anh đọc hiểu thôi đã là vấn đề nói chi giải. Đó là chưa nói đến các môn học khác. Hiểu sai một ly là đi một dặm đấy. Học sinh trường quốc tế là được trang bị cái loại tiếng Anh ấy.
Do vậy, học sinh trường quốc tế tốt nghiệp phổ thông xong vác ba lô đi du học luôn mà không gặp phải bất cứ rào cản nào về ngôn ngữ. Còn học sinh không học trường quốc tế, mặc dù vẫn nói tiếng Anh lưu loát nhưng lên giảng đường nghe giáo sư giảng như vịt nghe sấm, theo kịp được chương trình đã là rất giỏi rồi không dám nói vượt trội hơn ai khác. Giáo sư của họ là giảng thao thao từ đầu đến cuối giờ học, chỉ chừa 1 ít thời gian cuối giờ để sinh viên hỏi cái mà họ không hiểu. Dù bạn có đạt điểm thi IELTS đến 7 – 8 điểm, bạn vẫn rất chật vật khi nghe giảng.
Học sinh trường quốc tế không gặp phải tình huống này. Tóm lại, tiếng Anh mà ta học ở các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài thường chỉ dùng trong giao tiếp xã giao, đi định cư và xin việc. Còn để học tập tri thức thì không đủ đâu. Bạn học ở trường phổ thông bình thường xong ra lại tiếp tục bỏ thêm thời gian học loại tiếng Anh mà trường quốc tế vẫn dạy, tốn gấp đôi thời gian. Đó là nói bạn học đúng cách chứ còn học sai cách thì 10 năm cũng chả đi đến đâu.
Nếu thi IELTS đạt 6.5 điểm (đủ tư cách du học) thì nên du học càng sớm càng tốt, để lâu "cứt trâu thành bùn" – không phải là quên tiếng Anh mà là quên các thuật ngữ, từ vựng nâng cao vì không có dịp dùng đến.
Hiện nay, xuất hiện rất nhiều trường học mang danh "quốc tế" nhưng bản chất chỉ là trường tư thục có tăng cường tiếng Anh. Trường quốc tế đúng chuẩn phải là trường có liên thông với ít nhất một đại học nào đó ở nước ngoài. Điểm thi tốt nghiệp phổ thông ở các trường quốc tế này cũng là điểm xét tuyển vào những đại học đó. Đó mới là trường quốc tế thật.
Ai có điều kiện nên tìm hiểu kỹ, tránh tiền mất tật mang. Còn ai muốn con thi vào top 20 đại học hàng đầu thế giới thì nên cho con đi du học trễ nhất là từ lớp 11 ở những trường phổ thông có liên thông với các đại học đó. Để biết những trường đó là trường nào, bạn nên đọc các tờ rơi quảng cáo các tour du lịch giáo dục dành cho học sinh (thường được phát ở các trung tâm ngoại ngữ). Học phí học những trường này khá cao, 17 – 25 nghìn đô/năm, chưa kể sinh hoạt phí (chắc cũng tốn ngần ấy).
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lâm