Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần báo cáo Chính phủ về các vấn đề bất cập của 4 trạm thu phí BOT đang gặp vướng mắc.
Theo đó, hai trạm BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên và trạm T2 ở Cần Thơ sau khi bị người dân phản đối về vị trí đã tạm dừng thu phí. Bộ Giao thông Vận tải đã giải thích cho người dân trong khu vực, đồng thời có chính sách miễn giảm phí với người sống gần trạm. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa đồng thuận nên Bộ Giao thông Vận tải chưa quyết định thu phí trở lại.
Với trạm BOT Bỉm Sơn thu phí hoàn vốn cho hai tuyến tránh Thanh Hóa và trạm La Sơn - Túy Loan thu phí hoàn vốn cho hầm Đèo Cả, theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo dừng thu phí.
Đánh giá 4 dự án không được thu phí trong thời gian dài gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư của các doanh nghiệp dự án và không phải thu phí tại các trạm này.
"Từ tháng 5 đến nay, các dự án BOT này vẫn chưa có hướng giải quyết nên nội dung báo cáo kiến nghị Quốc hội lần này của Bộ Giao thông Vận tải không có gì thay đổi", đại diện Bộ nói và cho biết, vì kiến nghị liên quan vốn ngân sách nên Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Quốc hội quyết định về nội dung này.
Ngoài 4 dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập, Bộ Giao thông Vận tải còn kiến nghị Chính phủ hai phương án gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019. Phương án một, cho phép doanh nghiệp được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Thời điểm tăng sẽ được Bộ lựa chọn phù hợp để hạn chế ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án hai, giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022. Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, doanh thu các dự án BOT đang rất thấp so với phương án tài chính. 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.
Về phía các doanh nghiệp BOT, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, trạm BOT Thái Nguyên sau hơn 3 năm phải dừng thu phí đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị mong muốn được thu phí trở lại để hoàn vốn dự án. Nếu không được thu phí thì nhà đầu tư đề nghị nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3.
Đại diện Công ty CP tập đoàn Đèo Cả cũng bày tỏ mong muốn được thu phí dự án La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân. Hiện nay các dự án hầm đã hoàn thành song nhà đầu tư chưa được thanh toán 1.180 tỷ đồng mà nhà nước cam kết hỗ trợ và chưa được thu phí dự án La Sơn - Túy Loan theo cam kết trước đây. Nếu không thu phí tuyến cao tốc này, nhà nước cần hỗ trợ 2.350 tỷ đồng cho nhà đầu tư.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng các dự án BOT hiện nay không hiệu quả vì doanh thu khá thấp nên việc nhà nước mua lại dự án sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, kích thích doanh nghiệp tiếp tục tham gia đầu tư các công trình đường bộ. Mô hình BTO (Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) hiện nay cũng phổ biến, nhà nước có thể mua lại các dự án mà nhà đầu tư chuyển giao, xóa đi các khuyến tật của dự án BOT trước đây.
"Chính phủ cần cân đối nguồn tiền, ưu tiên giải quyết các dự án gặp nhiều vướng mắc", ông Chủng nói.
4 dự án BOT được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị giải quyết có bất cập là cải tạo nâng cấp các tuyến đường độc đạo hoặc trạm thu phí đặt tại vị trí ngoài dự án. Theo đó, trạm thu phí trên quốc lộ 3 bị do người dân phản đối vì thu phí hoàn vốn cho tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100). Trạm thu phí T2 (Cần Thơ) hoàn vốn cho quốc lộ 91B nhưng không nằm ở quốc lộ này mà cách đó 35 km, trên quốc lộ 91 ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ, giáp An Giang.
Trạm Bỉm Sơn thu phí cho tuyến tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa song nằm trên quốc lộ 1. Tương tự như trạm cao tốc La Sơn - Túy Loan dự kiến thu phí hoàn vốn cho hầm Đèo Cả.