Ngày 12/5, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ hai phương án gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19.
Phương án một là cho phép doanh nghiệp được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Thời điểm tăng sẽ được Bộ lựa chọn phù hợp để hạn chế ảnh hưởng chi phí vận tải.
Phương án hai giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022. Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí.
Ngoài tăng phí, Bộ Giao thông Vận tải còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn nợ với các dự án BOT và giảm lãi vay trong thời gian dịch Covid-19.
Các kiến nghị này trong bối cảnh do doanh thu các dự án BOT khá thấp. Theo Bộ Giao thông Vận tải, 58 trong số 60 dự án có doanh thu thấp hơn dự báo, trong đó 17 dự án chưa đạt 50%.
Một phần nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp BOT đã giảm phí cho nhiều phương tiện của người dân gần trạm thu phí và giảm phí cho các phương tiện lưu thông qua trạm từ năm 2016. Ngoài ra, lưu lượng xe qua một số tuyến đường gần đây cũng thấp hơn dự báo. Không chỉ vậy, Covid-19 càng khiến lưu lượng phương tiện giảm sâu nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Chẳng hạn, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trước kia có trên 60.000 lượt xe mỗi ngày đêm, trong tháng 3 chỉ còn trên 20.000 lượt. Tháng 4, lưu lượng còn sụt giảm thêm nữa, doanh thu chỉ đạt 1,05 tỷ đồng mỗi ngày, bằng một nửa so với tháng 3.
Các doanh nghiệp BOT đang kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất vay 2-3%/năm so với lãi suất hiện nay hoặc Nhà nước xem xét trưng mua dự án chưa thu phí hoặc không đảm bảo an ninh trật tự.