Một số người cho rằng việc để cầu thủ đi nước ngoài sẽ "học tập" được cái hay cái tốt của họ. Nhưng chúng ta học được gì từ những chuyến đi đó? Nền bóng đá của họ là nền bóng đá kinh doanh, làm hài lòng người hâm mộ (là người xem bóng đá bất kể là xem trực tiếp tại sân hay xem qua TV). Với những nền bóng đá có mục tiêu làm hài lòng khán giả thì khi có người tài trợ xuất ngoại như thế, với mỗi cầu thủ là một cơ hội hiếm có.
Tham vọng của người xem bóng đá càng cao, người chơi bóng đá càng phải cố gắng nhiều hơn cũng như đòi hỏi người xem phải trả tiền nhiều hơn. Cái vòng xoáy ấy cứ tăng dần lên đến mức gần đây xã hội phương Tây cũng phải đặt câu hỏi: chỉ là bóng đá mà thôi, có cần phải bỏ hàng núi tiền như thế chỉ để mua bán chuyển nhượng những cầu thủ "có tiềm năng"?
Còn bóng đá Việt Nam lại là nền bóng đá làm hài lòng ông bầu chứ không quan tâm nhiều đến ý muốn của người xem. Tôi cho rằng, Công Phượng đi Bỉ phần nhiều không phải vì chuyên môn của tiền đạo này mà vì lý do thương mại. Dù đem cả đội tuyển ở các lứa tuổi U cho xuất ngoại, "du học" dài hạn cũng vẫn vậy. Cầu thủ có thể học được kỹ thuật, chiến thuật, nhưng vẫn sẽ không thể đạt đến đẳng cấp đó vì nó gắn liền với phong cách, văn hóa.
Ngay cả khi cầu thủ Việt học được cái hay ở nước ngoài đi nữa thì về nước có áp dụng được gì không? Điều kiện hoàn cảnh nào ở Việt Nam cho phép hoặc tạo điều kiện để cầu thủ áp dụng những kiến thức ở nước ngoài?
>> Bài viết cùng tác giả:
>> HLV Park thay đổi tư duy 'một đội hình, một bài chiến thuật'
>> Tuyển thủ quốc gia đi Tây dự bị - 'bóng đá xây nhà từ nóc'
>> 'Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới'
Mục tiêu của tuyển quốc gia là thành tích thi đấu. Mục tiêu của CLB là tồn tại trong giải thi đấu. Ở châu Âu, người ta tranh giành nhau chức vô địch (và cúp Liên đoàn) để giành hai suất tham dự C1, C2. Còn các CLB Việt Nam thì né "như né ôn dịch". Vô địch để làm gì khi mà tham gia C1, C2 châu Á chỉ như một bổn phận với quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á, rồi lại "tự nguyện" bị loại ngay từ vòng bảng. Tiền vé máy bay, ăn ở, thuê sân bãi trên đất khách tốn một khoản không nhỏ cho ông bầu trong khi chẳng thu được cái gì để bù vào, khiến cho việc đi dự cúp C1, C2 của các CLB Việt Nam trở thành gánh nặng.
Bởi vậy, sôi động nhất tại V-League lại là cuộc chiến trụ hạng chứ không phải là ai giành được chức vô địch. Tại V-League, CLB dành được hạng Nhì mới là CLB thật sự "vô địch" cả về chiến thuật và chiến lược. Đấy gọi là văn hóa bóng đá Việt Nam. Trận tranh vô địch năm nọ, tôi tận mắt chứng kiến hai đội bóng vốn rất mạnh về hàng thủ đã miệt mài tấn công không mệt mỏi (nhưng cố tình không ghi bàn) và hoàn toàn để hở tuyến dưới (mời đối phương ghi điểm). Từ đó, tôi không còn đến sân để xem bóng đá nữa.
Như vậy, với "văn hóa" bóng đá ấy, cho cầu thủ "Tây du" thì có thể học được gì? Hình như ở Tây không có thứ văn hóa "hạng Nhì" ấy. Học được cái văn hóa "hạng Nhất" của họ rồi có áp dụng được ở Việt Nam không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.