Nhiều người đề cập đến chuyện các liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) phải có doanh nhân để đủ tiền chi tiêu. Theo tôi biết trên thế giới không có LĐBĐ nào thiếu tiền cả, trừ phi bóng đá không phải là môn thể thao vua của đất nước họ. Nhất là các LĐBĐ ở các nước châu Âu. Họ chỉ sợ xài tiền không đúng mục đích, không mang lại hiệu quả mong muốn và bị công chúng chỉ trích chứ không sợ thiếu tiền.
Liên đoàn bóng đá nhiều tiền nhiều của nhất, chính là FIFA. Vậy tiền ở đâu mà họ có? Mọi hoạt động kinh doanh có liên quan đến bóng đá, bên thu tiền phải trích phần trăm cho Liên đoàn. Đổi lại, Liên đoàn cũng sẽ ban hành chính sách sao cho giá trị của số tiền ấy ngày càng lớn (nhưng mức phần trăm vẫn không đổi). Ví dụ như tiền vé. Nếu chỉ có vài trăm người mua vé vào xem. làm sao có thu nhập? Như vậy, làm sao để kéo khán giả đến sân là chuyện của Liên đoàn.
Khán giả đòi hỏi khán đài phải sạch sẽ, có ghế riêng (có chỗ dựa và bọc nệm càng tốt), phía trên hai đầu khán đài phải có màn hình lớn để quay chậm lại các pha phạm lỗi, các pha sút hoặc bắt cầu môn đẹp mắt, đèn chiếu sáng các trận đấu đêm phải sáng và không chói, mặt sân phải sạch và bằng phẳng đúng chuẩn, khán đài phải an ninh không được để xảy ra xô xát... Liên đoàn phải bỏ tiền ra trang bị những thứ đó? Không. Họ ban hành các quy định buộc các CLB phải trang bị những thứ đó, ai vi phạm phải chịu nộp phạt hoặc xuống hạng. Lẽ tất nhiên sẽ có những CLB nghèo không đủ tiền để mua sắm thì giá vé của họ cũng phải thấp tương ứng.
>> Tiền lương cho thấy mức độ tôn trọng của VFF với HLV Park Hang-seo
Ở Việt Nam, CLB là của tư nhân, sân là của Nhà nước thì làm sao trang bị? Người ta đầu tư xây sân để kiếm lời chứ chẳng ai cho không ai cái gì. Người ta mua CLB, chỉ đạo cho CLB đoạt cúp vô địch các giải trong và ngoài nước vài mùa liên tiếp hy vọng giá cổ phiếu của nó tăng mạnh mà bán lại CLB với giá cao hơn hoặc thu lợi tức lớn hơn chứ chẳng ai bỏ tiền túi ra nuôi CLB cả. Nhà nước sở hữu sân bóng (trừ sân vận động quốc gia), nhưng tiền ngân sách eo hẹp thì làm sao chi? Chi rồi biết chừng nào thu hồi vốn?
Có lẽ không có LĐBĐ nào cần tiền ngân sách Nhà nước như VFF. Bởi vì được Nhà nước bao cấp nên không việc gì phải đau đầu nghĩ ra đủ cách để kiếm tiền. VFF lẽ ra phải là "con gà đẻ trứng vàng", hàng năm đóng một khoản thuế cực khủng cho Nhà nước thì nay vẫn phải ngửa tay xin tiền ngân sách.
LĐBĐ là tổ chức nghề nghiệp không phải là tổ chức Nhà nước. Chức năng của nó là "quy hoạch" các hoạt động liên quan đến bóng đá sao cho ngay ngắn, có trật tự. Còn thành tích gì đó là chuyện của CLB (tự thân có thành tích hoặc cử người tham gia các đội tuyển quốc gia nếu được gọi), của cơ quan Nhà nước phụ trách thể thao nói chung trong đó có bóng đá (thành lập các đội tuyển thể thao, tổ chức các giải quốc tế).
Chức năng của VFF là không rõ ràng. Không ai xác định được VFF đại diện cho ai. Mọi Liên đoàn ở mọi bộ môn thể thao của các nước đều đặt lợi nhuận lên trên. Nói trắng ra, những Liên đoàn này là những tổ chức kinh doanh không hơn không kém. Chính vì vậy, cho dù bóng đá có là môn thể thao vua ở nước họ, các bộ môn thể thao khác cũng có thành tích không hề thua kém.
>> Tư duy VFF quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam
Nếu Liên đoàn muốn kiếm tiền thì phải đào tạo, huấn luyện VĐV từ cơ bản đến nâng cao, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Để có thể huấn luyện người khác, những người đứng đầu Liên đoàn phải có kiến thức và kinh nghiệm tương ứng với cấp độ hành nghề. Ở cấp độ vĩ mô, họ phải nghĩ ra các giải thi đấu và tổ chức sao cho khán giả - những người bỏ tiền ra xem thấy kết quả của sự huấn luyện đào tạo ấy và cảm thấy hài lòng. Như vậy, chẳng những sống được với nghề mà còn làm giàu bằng nghề ấy. Tóm lại, Liên đoàn phải làm ra sản phẩm và bán được sản phẩm ấy.
VFF đã làm ra được sản phẩm nào? Có cảm giác như VFF chỉ tồn tại để cho có và những hoạt động của Liên đoàn chỉ mang tính đối phó hơn là sáng tạo. Lẽ ra, nếu Nhà nước chưa có quy định cụ thể, VFF phải đề xuất, phải giải trình, phải phân tích thiệt hơn và phải chịu trách nhiệm, phải từ chức nếu "nói được mà làm không được". Không làm gì cũng đồng nghĩa với không phải chịu trách nhiệm. Không phải chịu trách nhiệm gì mà vẫn thu tiền của khán giả liệu có công bằng?
Bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung bao năm vẫn không tiến ra châu lục và thế giới được, lỗi không phải nằm hoàn toàn ở LĐBĐ và các Liên đoàn thể thao khác. Lỗi nằm ở những người tổ chức và chịu trách nhiệm quản lý các Liên đoàn này. Họ chỉ cần "thành tích cao" mà không quan tâm đến nền tảng cơ sở của cái "thành tích" ấy.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 2 triệu USD thuê HLV Park để 'học' chứ không chỉ mua thành tích
>> 'Nhiều khán giả Việt dễ dãi vì lười suy nghĩ, không biết cách phê bình'
Họ bỏ hàng núi tiền ra cho các đội tuyển tập huấn dài ngày ở nước ngoài, cũng giống như đào tạo "gà chọi" cho các đội tuyển Olympic Toán, Lý, Hóa. Vận động viên làm sao có thể hình to cao được khi chiều cao trung bình của đàn ông Việt Nam 20 năm không tăng lên được 1 cm. Đào tạo vận động viên thể thao ở Việt Nam vẫn nặng tính chất "năng khiếu" hơn là "kiên trì khổ luyện".
Những ngôi sao thấp bé nhẹ cân của các nước phải tập luyện gấp đôi gấp ba lần người bình thường. Chính vì thế mà họ trở thành những ngôi sao đích thực được fan hâm mộ toàn thế giới tán thưởng. Ở độ tuổi ngoài 30, sắp giải nghệ cũng là lúc họ chói sáng nhất. Còn ta, chỉ vừa qua khỏi lứa trẻ là đã muốn bị đào thải rồi. Thể thao Việt Nam là thể thao của lứa tuổi U, của lối tư duy "ăn xổi", mà nói thẳng ra là "vắt chanh bỏ vỏ".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.