"Trước kia, tôi đi làm lương 30 triệu đồng cho một công ty công nghệ mà ngày nào cũng không thấy vui, không thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng, để có được hạnh phúc lâu dài thì mình phải làm cái có thể đầu tư cho mình, chứ không phải đi xây dựng ước mơ của người khác. Tiền đúng là nền tảng để tôi có thể làm điều đó, nhưng những ai thiếu tiền thì dễ đi vào cái vòng luẩn quẩn làm cả tuần cho người ta".
Đó là chia sẻ của độc giả Sang Hendrix xung quanh xu hướng "Người trẻ bỏ lương cao, chọn 'lương tinh thần'". Từ chối những công việc lương cao nhưng áp lực cạnh tranh, nhiều người chọn gắn bó với các công việc đáp ứng cho họ nhu cầu cảm xúc, hay còn gọi là công việc có mức lương tinh thần hấp dẫn (được công nhận, động viên, thoải mái và tôn trọng) thay vì lương cao nhưng thiếu tính liên kết. Ba yếu tố người lao động trẻ đề cao nhất là môi trường (năng động, vui vẻ), đồng nghiệp (dễ chịu, thân thiện) và công việc (cân bằng được với cuộc sống).
Ủng hộ quan điểm lựa chọn công việc đề cao yếu tố cảm xúc, bạn đọc Lam Thanh Tung bình luận: "Tôi thấy thời đại này có nhiều áp lực vô hình trong công việc gấp mấy lần thời xưa. Đơn giản, hồi trước bạn đi làm theo ca từ 8-17h, sau đó sếp cũng không liên lạc với nhân viên. Nhân viên có thể dành thời gian đó cho gia đình. Bây giờ nhiều lúc, ngoài giờ làm việc nhưng sếp vẫn nhắn vào nhóm hay quản lý trực tiếp gửi một bản kế hoạch vào buổi tối nên ít nhiều khiến người ta bị áp lực. Việc đó cũng vô hình chung tạo ra sự mất cân bằng cho người lao động".
"Xã hội bây giờ đang quên mất một điều rằng mục tiêu cuối cùng của con người là tối đa hóa lợi ích lâu dài, chứ không phải lợi nhuận. Kiếm tiền chỉ để bạn hạnh phúc hơn, chứ phần lớn mọi người bây giờ đang khổ sở vì tiền bạc mà đâu có biết rằng bao nhiêu công sức bỏ ra cũng chỉ để mua những thứ mình muốn, không phải cái mình cần. Rồi người ta lừa dối nhau, hoặc phá hủy môi trường sống. Đến khi kiếm được tiền, họ lại nghĩ mình giỏi", độc giả Cuongnguyenk nói thêm.
>> Tuổi trẻ 'bán mạng' kiếm tiền là sai lầm lớn nhất đời tôi
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Quangdp lại chỉ ra những sai lầm khi người trẻ lựa chọn công việc chỉ dựa vào cảm xúc: "Tôi tôn trọng quyết định làm việc của giới trẻ, nhưng không thể hiểu nổi họ sẽ sống ra sao với mức lương chỉ 5 triệu đồng một tháng? Cá nhân tôi thấy môi trường làm việc thuận lợi tới đâu thì áp lực công việc, áp lực ứng xử cũng sẽ luôn có. Nếu bạn chỉ vì làm việc mà mình thấy vui, tồi chấp nhận lương thấp, sống tằn tiện thì thực sự tôi không làm được ".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Kim Đại Vệ nhấn mạnh: "Tôi chỉ biết cười trừ khi nhiều người còn trẻ, còn khỏe mà không gắng sức kiếm tiền. Đến khi sau này già đi, hoặc có chuyện cần đến tiền, lúc đó mới thấy bất lực. Lúc đó, bạn có tỉnh ngộ, muốn cày lại cũng chỉ lực bất tòng tâm, không có sức, cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc nữa. Lương 5 triệu đồng thì hạnh phúc đến đâu cũng không biết sống sao?".
"Đúng là tiền chưa chắc đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng không có tiền thì bất hạnh ngay và luôn. Ai chẳng muốn kiếm tiền vừa đủ mà vẫn có thời gian để hưởng thụ. Nhưng thực tế trên đời không bao giờ có điều đó cả. Đến các tỷ phú, chủ tịch các siêu tập đoàn vẫn phải thức khuya, dậy sớm vì công việc. Chỉ những người lười mà dễ dãi hơn với mỹ từ 'an phận' mới buông xuôi. Và khi có chuyện cần đến tiền, thì họ mới bắt đầu than thở", bạn đọc Tuan kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Những người tin 'tiền mua được hạnh phúc'
- Tôi trả giá đắt vì 'bán mạng' kiếm tiền mua nhà trước tuổi 30
- Bài học làm giàu của gia đình học hết lớp 5
- Tôi hối hận vì tiết kiệm mù quáng suốt thời tuổi trẻ
- Sống tiết kiệm thay vì chạy đua kiếm tiền
- Bỏ quên con cái vì chạy đua kiếm tiền mua nhà