-
10h35
Cần xem xét quy hoạch điện hạt nhân
Ông Nguyễn Bắc Việt, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đề nghị Chính phủ xem xét về quy hoạch điện hạt nhân.
"Chính phủ sớm cho ý kiến về quy hoạch vị trí dự án để tỉnh có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, đáp ứng mong muốn của nhân dân được sử dụng quyền của mình trên mảnh đất của mình, bởi 10 năm nay chưa có quy hoạch", ông Việt nói.
Đồng thời, đại biểu Việt cũng đề nghị cho tỉnh Ninh Thuận bổ sung dự án vào sơ đồ điện 8. "Chúng tôi rất mong khi Chính phủ dừng hai dự án điện hạt nhân thì tỉnh được bố trí 4.600 MW trong sơ đồ điện 8 cho các dự án thay thế", đại biểu Việt nêu ý kiến.
-
10h30
Đề nghị tăng cường quản lý thủy điện
Tranh luận với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn về vấn đề đất rừng và thủy điện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án.
"Một dòng sông có thể chịu được bao nhiêu dự án thủy điện, 3 công trình sẽ khác với 8 công trình. Những dự án đầu tiên chúng ta có thể xét duyệt khác, nhưng khi đến dự án thứ 4, 5, 6 thì phải xem xét khác", đại biểu Nghĩa nói và cho rằng, việc đơn giản hóa tiêu chuẩn xét duyệt ở bước này sẽ không thấy được vai trò quản lý của Nhà nước.
Với hiện trạng đất rừng, đại biểu đặt câu hỏi: "Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha năm 1990, lên 14,6 triệu ha rừng hiện nay. Nhưng tôi muốn hỏi là trong số đó, có bao nhiêu là rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng". Đại biểu cho biết, hai loại rừng này là hoàn toàn khác nhau, về vai trò, chức năng, năng lực bảo vệ đất.
-
10h20
Sạt lở đất ở miền Trung do tổ hợp nhiều loại hình thiên tai
Giải trình ý kiến các đại biểu về thiên tai ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần có đánh giá độc lập của cơ quan khoa học, "lúc này đưa ra kết luận còn quá sớm.
Theo ông, trong 40 năm qua, cường độ và tần suất thiên tai tăng lên 4 lần. Việt Nam nằm trong vòng bão của Tây Nam Thái Bình Dương, là một trong những nước rủi ro thiên tai cao nhất; đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan.
Để ứng phó, từ năm 2009, Việt Nam đã tiến hành chương trình nghiên cứu về lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và từ năm 2012 có chương trình điều tra biến đổi địa chất, cảnh báo sạt lở ở miền núi.
Vậy nên, kết luận những sự cố sạt lở vừa qua do thủy điện thì chưa chắc đã đúng. "Không nên suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc. Quá trình đó làm cho địa chất bị nát vụn cùng với lượng mưa lớn dẫn đến nguy cơ sạt lở", Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích.Ông Trần Hồng Hà nói các điểm xảy ra sạt lở ở miền Trung vừa qua là "tổ hợp của nhiều loại hình thiên tai", như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Số liệu cho thấy các khu vực xảy ra tai nạn sạt lở như trạm kiểm lâm 67, thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), nơi đóng quân của Đoàn 337 ở Hướng Hóa (Quảng Trị), thôn Trà Leng, Trà Vân (Quảng Nam)... đều cho thấy độ cao từ 300 - 900 m.Ông Hà cũng khẳng định, thời gian qua, nhiều nơi đã trồng rừng phủ xanh nhiều khu vực. Khi đánh giá về tác hại hay lợi ích của các hồ thủy lợi, thủy điện thì cần phải xem lại từ khâu thiết kế. Mặc dù các thủy điện miền Trung không có chức năng cắt lũ, nhưng vừa qua đã cắt giảm lũ cho vùng hạ du từ 30 - 70%. Mùa hạn, các hồ chứa ở đây cấp nước cho sản xuất.
Về các thủy điện nhỏ, ông Hà cho rằng cần phân tích, tính toán giữa tính năng với sự hài hòa tự nhiên. "Nếu tính toán được thì chúng ta sẽ xử lý hài hòa giữa duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên", ông nói.
Về chuyển đổi mục đích rừng, ông Hà nói nếu không thực hiện thì với dân số 100 triệu, Việt Nam không có không gian để phát triển. Tuy nhiên, phải xác định các khu vực cần giữ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
"Hiện chúng ta đang khủng hoảng trong tư duy lựa chọn các mô hình phát triển, đó là dựa vào khai thác tự nhiên hay trái với tự nhiên. Sự phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi", ông Hà phát biểu và kêu gọi các đại biểu ủng hộ, bấm nút thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
-
9h15
'Cần đánh giá khách quan về thủy điện'
Tham gia tranh luận về chủ đề lợi ích và tác hại của thủy điện nhỏ, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung đặt ra vấn đề phải có quan điểm lịch sử về thủy điện.
Ông dẫn chứng, khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy. Bởi đây là con sông hùng vĩ, hung dữ trải qua bao đời. Sau đó, Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng, lúc đầu nhằm mục đích trị thủy rồi mới đến phát điện.
"Vì mục đích trị thủy đầu tiên nên thủy điện sông Đà được sử dụng chủ yếu để điều tiết lũ, giúp Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử. Năm 1971, chúng ta phải phá đê Chương Mỹ để cứu Hà Nội, nhưng từ khi có thủy điện sông Đà thì lũ được điều tiết tốt", ông Vân nói.
Tuy nhiên, ông Vân cho rằng, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của các nhà đầu tư. "Nói về thủy điện thì các nhà chuyên mộn phải nghĩ đến thủy công, điều tiết dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng một số chủ đầu tư lạm dụng quy trình ấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý", ông nói và nêu quan điểm khi đánh giá cần khách quan, nhiều chiều, cần xét đến cả vai trò tích cực của thủy điện với cộng đồng. "Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện", ông nói. -
9h00
'Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ thủy điện nhỏ hết khấu hao'
Tiếp tục giải đáp ý kiến đại biểu về thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và xử lý như thế nào khi hết khấu hao, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói "chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý".
Báo cáo về kinh tế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá hiệu quả dự án và tác động tiêu cực. Đối với các dự án thủy điện thì đã có tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét.
Về các thủy điện nhỏ hết khấu hao, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tương tự, với điện mặt trời, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn. "Trên thực tế chỉ 3% từ các tấm pin này chứa những chất có thể ảnh hưởng đến môi trường", ông Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án rất quan trọng, giúp cấp có thẩm quyền thông qua dự án hay không. Vì vậy, các báo cáo này đều phải đăng công khai trên trang điện tử và mọi người có cơ sở để đánh giá.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Dương trung Quốc tiếp tục nêu ý kiến "vấn đề tôi muốn nói là cảnh báo câu chuyện của mấy chục năm nữa, chứ không phải hôm nay, bởi nếu không nhìn ra trước sẽ để lại di họa cho con cháu".
"Như cách Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là khi thủy điện nhỏ hết khấu hao thì chủ đầu tư xử lý. Nhưng mà nói đơn giản nhất là hiện nay nhiều dự án lấy đất của dân không đền bù cho họ thỏa đáng, vậy mấy chục năm sau lấy cơ chế nào ràng buộc họ phải tháo dỡ. Chúng ta có thể làm gì được họ bởi yếu tố lợi ích nhóm không phải chỉ ở hôm nay, mà sẽ bị lợi dụng để lại hậu quả cho con cháu", ông Quốc tranh luận.
Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại các thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông Dương trung Quốc cho rằng, khi xét về lợi hay hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn câu chuyện hôm nay, nhưng khoảng 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm này là vấn đề cần quan tâm.
"Khi đó nguồn lực nào để quản lý các công trình này. Ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải nhìn thấy kết cục đó. Chắc chắn nó là di sản mà thế hệ con cháu phải xử lý", ông nói.
Tương tự, các dự án điện năng lượng mặt trời hiện nay khi không còn sử dụng nữa thì hàng nghìn ha rác thải sẽ được xử lý như thế nào?
-
8h35
Đề nghị đầu tư Metro số 5 ở Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến, tăng trưởng kinh tế sẽ là mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD vào năm 2045. Tuy nhiên, với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,5 đến 6,7% mỗi năm như hiện nay, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người mới đạt 7.000 đến 8.000 USD; đến 2045, GDP bình quân đạt khoảng 20.000 đến 25.000 USD, khoảng cách với Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn còn xa.
Theo kinh nghiệm phát triển của "những con rồng châu Á", Việt Nam cần có những giai đoạn tăng trưởng nhanh, có thể trên 10%, mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Vì thế, đại biểu đề nghị trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 đến 2030 cần tập trung nguồn lực vào tăng trưởng. Trong đó, một giải pháp là phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế. Đại biểu đồng tình với đề nghị xây dựng tuyến Metro số 5 tại Hà Nội (Văn Cao - Hòa Lạc), làm cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt.
"Chúng ta có thể kêu gọi tập đoàn nước ngoài tham gia, thậm chí là mua lại công nghệ phát triển để trở thành người chủ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp đường sắt. Cũng cần nghĩ rằng, những tập đoàn kinh tế tư nhân, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể thực hiện mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Cường nói.
Xem thêm: Hà Nội dự kiến huy động 5 nguồn vốn để xây dựng metro
-
8h20
Đề nghị phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, các báo cáo Chính Phủ đề ra định hướng hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lại không được thực hiện một cách quyết liệt, mà chủ yếu phụ thuộc vào số lượng sinh viên tốt nghiệp.
Như ngành sư phạm, tính đến 10/2019, cả nước thiếu 45.000 giáo viên mầm non, hơn 18.000 giáo viên tiểu học, hơn 11.000 giáo viên THCS và hơn 10.000 giáo viên THPT. Cùng với sự ra đời nhiều trường tư, trường công rơi vào tình trạng không đủ giáo viên giảng dạy. Các cấp chính quyền chưa chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu thiếu hụt, mà chỉ chờ số lượng sinh viên ít ỏi của ngành sư phạm ra trường.
"Chính phủ đã ban hành Nghị định hỗ trợ 3,63 triệu đồng mỗi tháng cho sinh viên ngành sư phạm, nhưng chính sách mới liệu có giải quyết tận gốc vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao?", đại biểu Thơ băn khoăn. Ở các ngành khác, sinh viên đăng ký ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên năng lực, sở thích, khả năng gia đình hay dự đoán thị trường lao động. Điều này khiến lượng sinh viên đăng ký vào các ngành học như đồ thị hình Sin, gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn đến quy hoạch nguồn nhân lực, trên tinh thần Chính phủ chỉ đạo, có chính sách lộ trình thu hút nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp hiệu quả, đúng hướng. Cần có tính toán, dự báo trước những ngành sẽ thiếu hụt để có sự định hướng chính xác hơn.
-
8h15
Đề nghị sử dụng hiệu quả hơn quỹ phòng chống thiên tai
Ông Nguyễn Lâm Thành. Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nói những năm gần đây, thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, hình thành trạng thái mới về khí hậu trên toàn cầu. Đầu năm nay, hạn hán xâm nhập mặn tại miền Tây và vừa qua bão lũ ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
Cả xã hội đã dốc sức cứu giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ông Thành đề nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách đồng bộ hơn, như xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, cải tạo nhà ở cho người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ, vùng xả lũ của công trình thủy lợi, thủy điện; bố trí di dời dân cư ở những nơi có nguy cơ cao sạt lở đất.
Theo ông, người dân vùng núi cao cần được cấp bù gạo; rừng cần được nâng cao chất lượng; quỹ phòng chống thiên tai phải được huy động và sử dụng hiệu quả hơn, bởi từ khi ra đời đến nay, nhiều địa phương sử dụng quỹ này chưa hiệu quả.
-
8h00
Hôm nay Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận), Bản Mồng (Nghệ An).
Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu.
Trong các phiên thảo luận hai ngày qua, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan tâm về lũ lụt ở miền Trung, phát triển thủy điện nhỏ làm ảnh hưởng đến môi trường; sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 có sai sót; chính sách kinh tế giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo; các rủi ro tiềm ẩn liên quan tốc độ tăng nợ công, khả năng trả nợ, cân đối thu - chi ngân sách... Một số thành viên Chính phủ đã giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Công Thương: 'Tiếp tục siết chặt quản lý thủy điện'
'Việt Nam cần lên kế hoạch phát triển trong điều kiện bình thường mới'
Đại biểu: 'Người dân bất ngờ khi thủy điện xả lũ đúng quy trình'