Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đăng đàn giải trình ý kiến đại biểu về hoạt động thủy điện, trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 4/11.
Ông nói thủy điện là vấn đề được quan tâm đặc biệt những năm gần đây, đặt trong hàng loạt sự giám sát. Cả nước hiện có 429 đập thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước 56 tỷ m3, công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37% công suất điện hiện nay.
"Chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng sơ cấp đã gần hết, thủy điện vì thế là nguồn năng lượng rất quan trọng", ông Tuấn Anh nói. Ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa còn có tác dụng tích nước, tùy công suất có thể cắt giảm, điều tiết lũ. Vì thế, việc quản lý, khai thác nguồn năng lượng này như thế nào là nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2016 đã phối hợp bộ ngành liên quan, các địa phương không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào, dù lớn hay nhỏ, sử dụng đất rừng tự nhiên. Tỷ lệ chiếm dụng đất từ các dự án được bổ sung quy hoạch cũng giảm, chỉ có 1,9 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng trồng, rừng nghèo cho 1MW điện, thấp hơn mức chiếm dụng 10 ha đất cho 1MW theo quy định.
"Điều đó chứng tỏ chúng ta đã thực thi chính sách chặt chẽ, nghiêm túc", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, cũng như đời sống dân sinh, song ông Tuấn Anh nêu rõ đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức khai thác của con người. Giai đoạn trước, nhiều thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn, chức năng của rừng. Vì vậy, từ lâu, thủy điện đã được quan tâm đặc biệt.
Giai đoạn 2016, Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang, đồng thời loại bỏ 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện khỏi quy hoạch phát triển.
Liên quan tới công tác vận hành, lãnh đạo ngành công thương nói Việt Nam đã có hàng loạt công cụ pháp lý, từ luật do Quốc hội ban hành cho tới các văn bản hướng dẫn, giám sát để điều chỉnh hoạt động thủy điện.
Các địa phương cũng có hệ thống quan trắc, giám sát, đo lường vận hành. Nguyên tắc là lượng nước xả về hạ du không vượt quá lưu lượng nước về đập. Các chủ đập phải có kế hoạch, báo cáo địa phương việc điều tiết, quy trình vận hành, đảm bảo vấn đề xả lũ, an toàn tình mạng cho nhân dân.
![202011041502424350-Bo-truong-B-7239-5800](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/04/202011041502424350-Bo-truong-B-7239-5800-1604485732.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D314HXLaOL5iLUCvFmgHnQ)
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Bộ trưởng Công Thương thống nhất với ý kiến các đại biểu đã nêu về vấn đề giám sát việc xả lũ. Dù trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý đầy đủ, nhưng không tránh được trường hợp vi phạm. Như năm 2016, Thủy điện Hố Hô xả lũ vượt quá mức nước về hồ, gây lụt hạ du. Các cơ quan chức năng đã xử lý, thu giấy phép hoạt động, phạt hành chính, trước khi cho phép hoạt động trở lại.
Riêng câu chuyện thủy điện ảnh hưởng tới lũ bão, sạt lở, thậm chí là động đất, Bộ trưởng cho biết đã tham gia cùng đoàn công tác hai lần tại Quảng Bình, Quảng Trị, hay đợt công tác mới tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trước mắt, theo ông, phải khẳng định sạt lở đất gắn chặt với yếu tố thời tiết dị thường. Lượng mưa ở các tỉnh này vừa qua rất lớn, thời gian lưu bão của cơn bão Molave tới 6 tiếng (ngày 28/10), tác động nhiều đến địa chất, thổ nhưỡng, gây ra sụt lở nghiêm trọng.
"Không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật là những vấn đề do tác động của con người, từ các dự án như thủy điện. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố cực đoan của thời tiết, chúng tôi cho rằng phải xác định việc đối phó với thiên tai bão lũ trong tình hình hiện nay là câu chuyện mới", ông Tuấn Anh nhận xét và cho rằng, giải pháp phải đặt vào công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn, đặc biệt là lập bản đồ khu vực sụt lún, nguy cơ diễn biến cực đoan. Riêng với thủy điện cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý.
"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến các đại biểu. Tới đây, Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu cụ thể, đánh giá các mặt còn hạn chế, từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong việc phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
![202011041714177631-Du-o-ng-Tru-3460-2162](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/11/04/202011041714177631-Du-o-ng-Tru-3460-2162-1604485732.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cIJ1Ozow0K3_BaHOfPsz7A)
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Góp ý với Bộ trưởng, đại biểu Dương trung Quốc cho rằng, khi xét về lợi hay hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn câu chuyện hôm nay, nhưng khoảng 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm này là vấn đề cần quan tâm.
"Khi đó nguồn lực nào để quản lý các công trình này. Ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải nhìn thấy kết cục đó. Chắc chắn nó là di sản mà thế hệ con cháu phải xử lý", ông nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Thị Dung đánh giá, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách chưa có "rào cản" thích hợp để loại ra các dự án kém hiệu quả, rủi ro cao, có thể phá vỡ sinh kế, làm mất rừng
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, đề cập chung đến vấn đề khai thác tài nguyên, khoáng sản. Những năm qua lĩnh vực này mang lại nguồn thu nhất định cho Nhà nước thông qua nộp thuế; năm 2019 thu thuế từ tài nguyên hơn 36.700 tỷ, năm 2020 ước đạt hơn 22.500 tỷ. Nhưng, theo bà, đây cũng là sắc thuế thất thu lớn nhất, do chưa kiểm soát được sản lượng khai thác, trong khi lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư không nhỏ.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững. Nó làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng...
Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế rừng tự nhiên là rất khó, do rừng rự nhiên có những đặc đểm mà rừng trồng không bao giờ có được, đó là khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, giữ được một ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10 ha rừng.
Vì vậy, bà Mai đề nghị cơ quan chức năng cần phân bổ nguồn lực tương ứng để bảo vệ, phát triển rừng. "Trong thiên tai càng thấy được tình người, sự quyết liệt của Chính phủ, sự hi sinh của lực lượng quân đội, công an, nhưng qua đó cũng thấy được lỗ hổng trong công tác quản lý, bởi hành vi tàn phá thiên nhiên chưa được ngăn chặn", bà Mai nói.
Theo Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến, Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ yếu tố tự nhiên để tìm nguyên nhân và giải pháp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo ông, hiện tại kết luận nguyên nhân gây ra thiên tai miền Trung vẫn là sớm và chưa có sức thuyết phục, bởi độ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, không phải thấp.
"Nhưng mưa dồn dập với lưu lượng lớn, miền Trung lại dốc lớn thì ngăn cản dòng chảy không phải dễ dàng. Lúc này theo chúng tôi, việc cứu giúp đồng bào ổn định cuộc sống là quan trọng nhất, mọi vấn đề khác giải quyết dần", ông Chiến nói.
Sau hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, nghị trường ghi nhận 79 đại biểu đăng đàn, 8 đại biểu tranh luận, Phó thủ tướng cùng 5 Bộ trường tham gia phát biểu. Ngày mai 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội.
Minh Sơn - Hoàng Thùy - Viết Tuân
Xem diễn biến chính