Chiều 3/11, phiên thảo luận của Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến về tái cơ cấu nền kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng và đầu tư công.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá, giai đoạn 5, 10 năm tới kinh tế Việt Nam sẽ phải "chuẩn bị cho chặng bay mới, có ý kiến gọi là Đổi mới lần hai". Theo ông, giai đoạn này sẽ là thời gian quyết định liệu đất nước có cất cánh, đạt được trình độ cần thiết và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không.
"Nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng", ông Nghĩa nhận định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh:Trung tâm báo chí Quốc hội.
Để chuẩn bị cho giai đoạn tới, đại biểu Nghĩa cho rằng Chính phủ phải giải quyết hàng loạt bài toán về tăng trưởng, tài chính, ngân sách, bảo vệ chủ quyền, nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền công dân cũng như huy động sức dân. Trong đó, một yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng những kế hoạch, đề án khả thi trong điều kiện "bình thường mới".
Theo ông, dịch bệnh có thể phá sản mọi dự tính, tham vọng của một nước phát triển, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vươn lên, nếu có chiến lược phù hợp. Muốn như vậy, trên mỗi phương diện, Việt Nam "không thể xây dựng kế hoạch như cũ, phương thức thực hiện cũng không thể như trước".
Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ bổ sung thêm "tự chủ" vào phương châm phát triển, bên cạnh hai yếu tố là nhanh và bền vững. Tự chủ, theo đại biểu, là đặc thù của giai đoạn mới. "Tự chủ cái gì, như thế nào sẽ còn phải bàn sâu, nhưng Việt Nam phải rà soát lại các thành phần kinh tế trong điều kiện bình thường mới". Đơn cử như du lịch, ông Nghĩa nói Nhật Bản đã đầu tư xét nghiệm Covid-19 tại sân bay cho 10.000 người, họ tiến tới mở cửa lại. Với Việt Nam, "chúng ta phải làm thế nào để khôi phục du lịch, bởi du lịch ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác".

Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Cũng nói về mục tiêu giai đoạn tới, nhưng ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bàn sâu hơn mục tiêu tăng trưởng. Theo ông, GDP chỉ tăng trung bình 6,3% trong giai đoạn 2010-2019, nên việc đặt mục tiêu 5 năm tới tăng 6,5-6,7% là thách thức.
"Có khát vọng là cần thiết, đặt mục tiêu cao giúp cả hệ thống nỗ lực hơn nhưng cũng gây sức ép cho chính sách tài khóa, tiền tệ. Điều này có thể gây ra tình trạng bất ổn vĩ mô như đã xảy ra trong quá khứ", ông Lộc nói và đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu ổn định vĩ mô làm nền tảng, bệ đỡ giai đoạn tới.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm nay, dù một số chỉ tiêu không hoàn thành do khách quan, đại biểu Lộc cho rằng kết quả đạt được vẫn rất đáng tự hào. Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 4 năm đầu nhiệm kỳ mà không phải hy sinh các chỉ tiêu khác, như tỷ giá, lạm phát, nợ công. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, thậm chí IMF dự báo quy mô vượt Singapore.
"Dù vậy, bức tranh kinh tế còn nhiều điểm mà chúng ta không thể hài lòng", ông Lộc nhận xét. Đại dịch Covid-19 là một phép thử cho thấy mạng lưới an sinh xã hội có nhiều lỗ hổng. Dù tăng 1,3 lần trong 5 năm qua, nhưng đến nay chỉ 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này, theo ông Lộc, cho thấy lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn còn cao, ảnh hưởng đến việc thiết kế các gói cứu trợ khẩn cấp vì Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu ý kiến, nợ công đến cuối năm nay có thể vượt 3,6 triệu tỷ đồng, năm sau trên 4 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi năm tới khoảng 360.000 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ nợ công đến cuối năm sau mới đạt 46,1% GDP (theo con số đánh giá lại) và 56,6% GDP (chưa đánh giá lại), nghĩa là chưa vượt trần Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng nợ công khoảng 11% trong 5 năm gần đây, đã vượt xa tăng trưởng kinh tế. Nghĩa vụ trả nợ vì thế ngày càng cao, có thể vượt ngưỡng 27% thu ngân sách.
Ông Sơn nói thực trạng trên dẫn tới rủi ro thanh khoản, lãi suất tăng cao hơn. Điều này cũng làm giảm dư địa chi đầu tư hàng năm, tiềm ẩn rủi an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia. Trong khi đó, dư địa tăng thu ngân sách năm tới gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch.
"Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn xử lý vấn đề này", ông Sơn nói.
Ngày mai 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội.
Minh Sơn - Hoàng Thùy
Xem diễn biến chính