Người nhập cư rời đi là quy luật cung cầu tự nhiên khi mà TP HCM không còn là 'miền đất hứa' đối với người lao động phổ thông tỉnh lẻ nữa. Bản thân tôi là một người sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của Thái Bình. Năm 2000, khi đang học năm cuối cấp ba, nhiều bạn bè của tôi bỏ ngang để vào niềm Nam lập nghiệp. Có người làm cho công ty, có người làm công nhân, làm thuê làm mướn với hy vọng đổi đời.
Với họ lúc đó, Sài Gòn giống như một miền đất hứa, là niềm mơ ước và khao khát của bao gia đình tỉnh lẻ. Nhiều người trong số bạn bè của tôi vẫn gửi tiền về hàng tháng để phụ gia đình. Những năm tháng khó khăn, đồng tiền có giá trị, nơi tôi sinh ra lại vốn không có việc làm, nên việc các bạn tha hương rồi gửi những đồng tiền giá trị đó về lại càng thêm trân quý. Điều đó càng thôi thúc những lứa trẻ ra đi tìm kiếm cơ hội.
Rồi theo tháng năm, khi kinh tế cả nước đều phát triển, chi phí sinh hoạt ở TP HCM lại tăng cao trong khi thu nhập của người lao động lại không tăng tương xứng, dẫn đến việc kiếm sống, tiết kiệm và bám trụ lại TP HCM trở nên vô cùng khó khăn. Cùng lúc đó, các tỉnh thành khác cũng đã phát triển rất mạnh mẽ, nhà máy, xí nghiệp mọc lên khắp nơi, ngành nghề phụ trợ đi theo mang đến nguồn thu nhập và cơ hội việc làm tốt dần lên.
>> Tôi về quê nhưng sống sướng hơn bám trụ ở thành phố
Hiện tại, ở quê tôi, làm công nhân may, giày da... cũng cho mức thu nhập (cộng cả làm thêm) trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở quê lại rất rẻ, đất đai, nhà cửa sẵn có nên con người cũng không phải chịu quá nhiều áp lực như trên thành phố.
Trong khi đó, nhìn sang các lao động phổ thông trong nhà máy, xí nghiệp, hay công nhân ở TP HCM như bạn bè tôi, mức thu nhập của họ cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Còn chi phí sinh hoạt trên thành phố đương nhiên khác hẳn với ở quê. Do đó, ngày càng có nhiều người nhập cư khó bám trụ lại được. Việc dịch chuyển dân số cơ học vì thế cũng là điều tất yếu.
Tôi cho rằng, việc người nhập cư rời đi cũng tốt cho TP HCM. Đây là cơ hội để thành phố điểu chỉnh lại chính sách trong giai đoạn mới sao cho phù hợp và thích ứng tốt hơn. Đồng thời, đó cũng là cú hích giúp các tỉnh còn lại phát triển hài hòa và đồng đều hơn. Các cụ xưa có câu "đất lành chim đậu", TP HCM nên đổi và thích ứng rồi mọi thứ lại tốt lên. Tôi tin vào điều đó.
Hai năm qua, tỷ lệ tăng dân số cơ học ở thành phố giảm, trong đó năm 2023 tỷ lệ tăng dân số là 0,68% - lần đầu tiên thấp hơn tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (0,74%), tức người nhập cư TP HCM xu hướng giảm. Theo kịch bản tăng trưởng, giai đoạn 2025-2030, nếu TP HCM muốn tăng trưởng hơn 8% mỗi năm thì số lao động tương ứng 6-7 triệu người, trong khi hiện nay chỉ khoảng 5 triệu người. Điều đó đặt ra thách thức cho thành phố trong việc giải quyết vấn đề lao động nhập cư.
- 40 tuổi bỏ phố về quê vì chán ngấy ngồi văn phòng
- Bám trụ nhà Hà Nội 36 m2 thay vì về quê đất 10 hecta
- 'Bỏ việc lương 120 triệu để về quê với tài sản 18 tỷ đồng'
- 'Sống lay lắt nhưng không dám về quê ở tuổi 40'
- Bỏ việc Sài Gòn để không phải khổ mỗi lần về quê ăn Tết
- U30 có hai ngoại ngữ nên bỏ phố về quê lập nghiệp?