"Tôi đang thuê trọ ở phố huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thú thật, sống ở đây, việc học hành của con tôi không tốt bằng ở quê. Cơ sở vật chất của trường không thật sự tốt, giáo viên cũng không có đủ, nên hiện tại chủ nhiệm lớp con tôi đang là một thầy giáo 64 tuổi (dạy hợp đồng).
Trong khi đó, con tôi đang học chương trình giáo dục đổi mới nên việc dạy và học càng gặp rất nhiều vấn đề. Trái ngược, ở quê tôi, cả xã mỗi khối chỉ có hai lớp, mỗi lớp chỉ có sĩ số khoảng 30 học sinh, nên giáo viên cũng đỡ mệt mỏi, căng thẳng hơn.
Về đi lại, nếu ở quê, con tôi có thể tự đi xe đạp đến trường mỗi ngày do đường ít xe cộ. Như vậy, con tôi vừa có điều kiện để vận động, vừa tự lập được chuyện giờ giấc thay vì phụ thuộc vào bố mẹ, tốt cho con sau này.
Còn ở nơi phố huyện đang trọ hiện nay, tôi không dám để con tự ý chạy xe ra đường lớn, bởi quá nhiều xe cộ, đặc biệt là container, vô cùng nguy hiểm. Vậy là, không còn cách nào khác, tôi phải thuê xe đưa rước con mỗi ngày và cho con tiền ăn trưa gần trường (do trường chưa có bán trú) để không phải đi lại, tốn kém cũng gần hai triệu đồng một tháng.
Nhưng để con về quê học tập thì con tôi cũng không chịu. Mà về quê, bản thân tôi cũng thực sự không biết làm gì để kiếm sống? Tôi năm nay cũng 40 tuổi rồi, nếu giờ nghỉ việc trên này thì về quê không có việc, còn nếu muốn quay lại huyện cũng rất khó xin việc vì không nơi nào muốn tuyển nhân viên lớn tuổi.
Thú thật, tôi thấy rất thương con khi tuổi thơ bị nhiều thiệt thòi: không có sân chơi, không biết tập văn nghệ thiếu nhi dịp trung thu vui cỡ nào, không biết lễ khai giảng ra sao (trường chỉ cho mỗi lớp 10 bạn đại diện dự khai giảng)... Nhưng nếu tôi cùng con về quê bây giờ thì không biết xoay sở cuộc sống thế nào? Thế nên, tôi cứ tự động viên mình rằng 'ráng đi làm vài năm nữa, để dư được chút ít tiền bạc rồi cả nhà về quê'".
Đó là chia sẻ của độc giả Thoa Nguyễn về 'dòng chảy di cư' từ quê ra phố của người dân các vùng thôn quê hiện nay. Thực tế, những người muốn về quê, nhưng phải ra phố như trường hợp ở trên không hề hiếm gặp. Họ coi ra phố làm việc là quy luật tự nhiên.
Báo cáo khảo sát thị trường lao động phổ thông của TP HCM năm 2022 ghi nhận 42% khẳng định "sẽ không quay lại thành phố". Tuy nhiên, bước sang năm 2023, gần 22% người dân muốn di cư đến TP HCM, 15% muốn đến Hà Nội. Hai trong ba lý do lớn nhất người dân đưa ra là muốn có môi trường làm việc tốt hơn (22%) và môi trường tự nhiên tốt hơn (17%). Nhiều người nghĩ đến trở về gắn bó với quê hương nhưng vì điều kiện sinh kế đành một lần nữa phải ra đi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Bài toán ra phố hay về quê
- 18 năm vật lộn ra phố hay về quê
- U30 có hai ngoại ngữ nên bỏ phố về quê lập nghiệp?
- Tôi tính về quê vì chán cảnh ở thuê cả đời trên thành phố
- 40 tuổi chưa có nhà Sài Gòn, có nên về quê sống?
- 'Tài sản tăng 13 lần sau khi bỏ phố về quê'