Thời gian gần đây, xuất hiện trào lưu các bạn trẻ bỏ phố về quê. Lý do là nhiều người có công việc bấp bênh, thu nhập không đủ chi trả cho việc thuê nhà, sinh hoạt phí và nuôi con ăn học... Một số bạn dù thu nhập đang tốt và có nhiều cơ hội phát triển nhưng vẫn chọn về lại quê nhà để được gần gũi gia đình và cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình. Năm 1999, tôi mới khăn gói xuống Hà Nội học Đại học. Sau khi ra trường, tôi tự đi xin việc và thuê nhà ở Hà Nội để sinh sống. Tôi cũng mất khoảng tám năm đi làm cật lực, cả công việc chính lẫn làm thêm việc vào buổi tối để có thể tích lũy tiền mua một mảnh đất nhỏ, xây nhà và nuôi hai con gái ăn học. Nếu chờ có đủ tiền để mua nhà Hà Nội thì rất lâu, vì thế, tôi phải đi vay tiền để mua đất ngay khi giá nhà còn rẻ, rồi vừa làm vừa trả nợ dần trong nhiều năm.
Sau tám năm tôi cũng có được ngôi nhà nhỏ của riêng mình. Tôi nghĩ rằng, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, năng lực khác nhau, mục đích sống cũng khác nhau, nên việc quyết tâm trụ lại ở thành phố hay bỏ về quê sống là quyền lựa chọn của mỗi người, không có đúng hay sai.
Tôi chỉ có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ rằng, lựa chọn nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, mỗi người cần suy nghĩ kỹ càng và đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, mục đích sống, ước mơ của mình và khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với lựa chọn ấy. Tuyệt đối không nên chạy theo đám đông. Bởi, lựa chọn của số đông chưa chắc đã hợp với mình.
Những ưu điểm khi sống ở quê có thể kể đến như: nhà cửa rộng rãi, không gian thoáng đãng hơn, môi trường trong lành, gần gũi thiên nhiên, chi phí sinh hoạt rẻ hơn, hàng xóm láng giềng gắn bó, thực phẩm sạch, có môi trường để nuôi trồng theo sở thích... Nhiều người mơ ước và quyết định rời bỏ các thành phố ô nhiễm và tắc nghẽn để chuyển đến vùng nông thôn đầy đồng cỏ xanh và rừng cây. Ở đó, họ gặp rất nhiều lợi thế về một cuộc sống mới.
Nhưng đồng thời, họ cũng phải đối mặt với những bất lợi riêng, như: cuộc sống buồn tẻ, không có cơ sở vật chất giáo dục tốt, cơ hội việc làm ít hơn, thiếu cơ sở y tế chất lượng, thường cảm thấy bị cô lập do việc đi lại không thuận tiện, phải mất rất nhiều thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi khác và phải mất nhiều thời gian hơn để làm giấy tờ liên quan thủ tục hành chính. Chưa kể khi có bão, lũ lụt thì những thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều...
>> 'Bỏ việc lương 120 triệu để về quê với tài sản 18 tỷ đồng'
Trong khi đó, sống ở thành phố, bạn sẽ được lợi nhiều điểm như: đồ ăn phong phú, có nhiều mối quan hệ, môi trường học tập tốt hơn, cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn, dịch vụ y tế hiện đại hơn, phương tiện đi lại tiện lợi, dịch vụ đô thị, văn hóa và lối sống văn minh hơn, có động lực phát triển bản thân, học hỏi từ những người xung quanh và tự phát triển kỹ năng giao tiếp...
Ngược lại, bạn cũng sẽ gặp nhiều bất lợi khi sống ở thành phố: môi trường sống đông đúc, chật chội, ngột ngạt, thiếu không gian riêng tư, mức độ tiếng ồn ở các thành phố lớn cao hơn ở các vùng nông thôn, ô nhiễm, chi phí sinh hoạt quá cao, thực phẩm bẩn, cạnh tranh khốc liệt, tắc đường...
Tóm lại, nếu bạn muốn phát triển bản thân, trải nghiệm môi trường cạnh tranh và có cuộc sống đầy đủ tiện ích, hãy lựa chọn sống ở thành phố lớn. Còn nếu bạn không có khả năng chịu được áp lực cao khi phải bon chen, vất vả kiếm tiền để có thể mua nhà ở thành phố, không đặt nặng vấn đề phải phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân, hay phải cho con học ở môi trường giáo dục tốt, chỉ cần sống bình an, thoải mái thì hãy lựa chọn sống ở quê.
Nếu các bạn trẻ có ý định bỏ phố về quê thì phải suy nghĩ kỹ, cân nhắc các ưu điểm và nhược điểm của mỗi lựa chọn. Tránh trường hợp có những người bỏ phố về quê được vài năm lại phải tìm cách quay lại thành phố, bắt đầu lại từ đầu.
Còn tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội được 25 năm. Tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm sống ở thành phố và thấy quen với việc chịu áp lực từ công việc, cuộc sống nơi đây. Dù còn nhiều vất vả khi phải nuôi hai con ăn học cho bằng bạn bằng bè, dù đôi lúc phải gồng mình lên làm mấy công việc cùng lúc để có thêm thu nhập nuôi con, dù cả tuần hầu như có rất ít thời gian cho bản thân đi chơi, đi chữa lành như các bạn trẻ, nhưng tôi vẫn thấy hài lòng về cuộc sống mình đã chọn.
Tôi luôn nghĩ rằng lựa chọn nào cũng có hai mặt của nó, không có lựa chọn nào hoàn hảo, chỉ là lựa chọn ấy phù hợp với bản thân mình và mình thấy hài lòng là đủ. Năm nay 42 tuổi, tôi còn công tác hơn 10 năm nữa mới tới tuổi nghỉ hưu. Tôi cũng không bao giờ có suy nghĩ sẽ về quê sống sau khi nghỉ hưu. Bởi đối với tôi, ở đâu có bố mẹ, các con, và người thân của mình thì ở đó chính là quê hương.
Hơn nữa, với chuyên môn chính của mình là sư phạm, nếu về quê, tôi sẽ không xin được việc hoặc rất khó xin việc có thu nhập cao. Tôi lại không biết làm công việc nhà nông như làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, vậy biết làm gì để sống?
Tôi đã quen với công việc trí óc, hàng ngày cần có laptop, có kết nối Internet để làm việc, nếu phải sống ở nông thôn không có wifi hoặc tốc độ mạng kém thì tôi không thể làm được việc mà mình yêu thích, vậy cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa?
Dù có cả trang trại rộng 10 hecta ở quê thì tôi cũng không thiết tha trở về. Tôi vẫn sẽ chọn sống ở ngôi nhà nhỏ 36 m2 ở Hà Nội. Bởi chỉ ở thành phố, tôi mới được làm hết những việc mình thích, phát huy hết được khả năng của bản thân và các con tôi mới có điều kiện được học tập ở môi trường giáo dục tốt nhất. Tôi lựa chọn như thế là vì cuộc sống ở thành phố phù hợp với hoàn cảnh, sở thích, năng lực, mục đích sống và ước mơ của mình, chứ không phải tôi cổ vũ mọi người phải sống ở thành phố.
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng chiến lược hài hòa, cân bằng hơn giữa nông thôn và thành thị để rút ngắn khoảng cách, để người lao động trở về và có đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất hòa nhập với cuộc sống ở nông thôn. Tránh trường hợp nhiều người đau đáu về quê nhưng không thể về vì không biết làm gì để sống?
Để làm được việc đó, cách phù hợp nhất là phát triển các đô thị vệ tinh. Ngoài việc xây dựng các thành phố vệ tinh, cũng có thể xây dựng mô hình "đô thị tuyến tính". Việc áp dụng mô hình đô thị tuyến tính vào một vùng nông thôn, ngoài mục đích mở rộng, hoặc giải tỏa một đô thị, còn có một mục đích rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, bằng cách đưa đô thị về nông thôn, mở rộng không gian đô thị, để cho hai môi trường đô thị và nông thôn dễ thâm nhập vào với nhau. Với một mục đích chung là: hiện đại hóa nông thôn, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế và của đời sống người dân.
Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Cùng với đó, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Khi đó, người dân không cần ở lại thành phố bằng mọi giá, có thể sống ở quê mà không gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay.
- Tôi tính về quê vì chán cảnh ở thuê cả đời trên thành phố
- Tôi bỏ phố về quê nhờ thu nhập 40 triệu đồng từ Sài Gòn
- 'Người thu nhập thấp về quê mua nhà là suy nghĩ bất công'
- 40 tuổi chưa có nhà Sài Gòn, có nên về quê sống?
- Tôi bỏ ghế giám đốc về quê làm nông dân
- 'Tài sản tăng 13 lần sau khi bỏ phố về quê'