Quân đội Myanmar đã cố gắng ngăn biển người biểu tình với hàng rào chắn và đội xe chuyên dụng tập trung ở các địa điểm trọng yếu. Hannah Beech, biên tập viên NYTimes, mô tả xe bọc thép tuần tra trên các con phố, trong khi các nhóm xạ thủ được bố trí trên mái nhà.
"Những người biểu tình đang kích động mọi người, đặc biệt là nhóm thanh thiếu niên, hướng tới con đường đối đầu mà có thể khiến họ mất mạng", một cảnh báo được đưa trên truyền hình quốc gia.
Nhưng uy lực từ quân đội không thể dập tắt được làn sóng biểu tình ôn hòa tại hàng trăm thị trấn và thành phố hôm 22/2, như Yangon, Dawei, Monywa và Hpa-An.
"Tôi sẽ hy sinh cả mạng sống vì các thế hệ tương lai của chúng tôi", Ko Bhone Nay Thit, sinh viên 19 tuổi ở Mandalay, nói. "Chúng tôi phải chiến thắng".
Cuộc biểu tình cuối tuần trước ở Mandalay đã có hai người thiệt mạng, trong đó có một thiếu niên 16 tuổi. Tối thứ 7, một thành viên của lực lượng dân phòng ở Yangon bị bắn chết. Một ngày trước, một phụ nữ 20 tuổi chết sau khi bị bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ở Naypyidaw hôm 9/2.
Cuộc "tổng đình công" hôm 22/2 có sự tham gia của đông đảo tầng lớp ở Myanmar như công chức, nhân viên ngân hàng, bác sĩ, thu ngân siêu thị, nhân viên viễn thông và khai thác dầu khí, người giao pizza, nhân viên KFC. Biểu tình phản đối đảo chính đã phát triển thành phong trào bất tuân dân sự, làm tê liệt hệ thống ngân hàng và gây khó khăn cho quân đội, lực lượng nắm quyền kể từ ngày 1/2.
Myanmar từng chứng kiến những cuộc biểu tình đổ máu trong quá khứ, nhưng điều đó không thể ngăn cản cuộc tổng đình công hôm 22/2.
Tại Mandalay, Daw Htay Shwe, chủ nhà hàng, nói rằng cô đã viết di chúc trước khi tham gia biểu tình ở ga tàu. "Tôi sẽ dùng tính mạng để bảo vệ nền dân chủ của đất nước này", cô nói.
Daw Myint Myint, một người nội trợ ở Yangon, người đã tham gia biểu tình vì cho rằng "không thể sống nổi" khi quân đội nắm quyền. "Các lãnh đạo mà chúng tôi đã bầu, những người đáng tin và được tôn trọng, đều bị bắt. Tôi ở đây để nói rằng tôi muốn họ được thả tự do", cô nói.
Cuộc đảo chính hôm 1/2 đã lật đổ chính quyền dân sự do Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lãnh đạo, đảng đã chia sẻ quyền lực với quân đội trong 5 năm qua. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng NLD đã bị bắt. Trước khi Myanmar trải qua 5 năm dưới chính quyền quân sự - dân sự, quốc gia Đông Nam Á đã do quân đội trực tiếp quản lý trong gần nửa thế kỷ.
Cho tới sáng 22/2, hơn 560 người đã bị bắt vì phản đối đảo chính. Tới chiều cùng ngày, ít nhất 150 người biểu tình bị bắt tại thị trấn Pyinmana, gần thủ đô Naypyidaw. Hội đồng Quản lý Nhà nước, cơ quan thay thế chính phủ dân bầu của Myanmar, đã thu hồi nhiều quyền tự do dân sự, cho phép giam giữ vô thời hạn và cảnh sát có quyền khám xét mà không cần lệnh. Chính quyền quân sự cũng tiếp tục áp lệnh ngắt internet và thông tin liên lạc, nhằm ngăn chặn những người tổ chức biểu tình liên hệ với nhau.
Làn sóng biểu tình ngày càng sục sôi ở Myanmar khiến nhiều nhà hoạt động trong và ngoài nước lo ngại quân sội sẽ mất kiên nhẫn và quyết liệt trấn áp phong trào này.
Cộng đồng quốc tế cũng lên án cuộc đảo chính Myanamar. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp lệnh trừng phạt tài chính với những người tiến hành đảo chính và cộng sự của họ. Đồng thời, Washington cũng tuyên bố rõ ràng sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Myanmar.
"Mỹ sẽ tiếp tục có hành động cứng rắn chống lại những người có hành vi bạo lực đối với người Myanmar vì họ yêu cầu khôi phục chính quyền dân bầu. Chúng tôi luôn sát cánh với người dân Myanmar", Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 21/2 đăng Twitter.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phản đối "lực lượng tàn bạo" ở Myanmar và kêu gọi quân đội lập tức ngừng đàn áp, thả tù nhân.
"Hôm nay, tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngừng đàn áp ngay lập tức. Hãy thả các tù nhân. Hãy chấm dứt bạo lực. Tôn trọng nhân quyền và ý nguyện của người dân được thể hiện trong các cuộc bầu cử gần đây", ông Guterres nói và nhấn mạnh "các cuộc đảo chính không có chỗ đứng trong thế giới hiện đại của chúng ta".
Trên Twitter, cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd kêu gọi "sự can thiệp khẩn cấp và dứt khoát của LHQ" để ngăn chặn "đổ máu lớn". Ông thêm rằng tất cả các quốc gia nên ủng hộ điều này.
Trong khi đó, cựu bộ trưởng Campuchia Pou Sothirak, hiện là cố vấn chính phủ, cho rằng cộng đồng quốc tế nên "tránh cách tiếp cận đối đầu và kiềm chế sử dụng can thiệp quân sự". Ông kêu gọi ASEAN hành động thông qua con đường ngoại giao để ngăn gia tăng bất ổn xã hội và sử dụng bạo lực quá mức ở Myanmar.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt hay lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế không mang lại nhiều hiệu quả đối với tình hình ở Myanmar. Cựu đại sứ Singapore Bilahari Kausikan cho rằng quốc tế và khu vực không thể làm gì nhiều ngoài bày tỏ lo ngại và những hành động ngoại giao thiếu đồng thuận giữa các nước.
"Không có quốc gia, tổ chức khu vực hoặc quốc tế có nhiều đòn bẩy, kể cả Trung Quốc và ASEAN", Kausikan nói. "Với tôi, ưu tiên cấp bách là ngăn có thêm đổ máu. Điều đó đòi hỏi sự kiềm chế của cả hai bên".
Kausikan nhận định "hy vọng mờ nhạt duy nhất" nằm ở sự thỏa hiệp giữa quân đội Myanmar và bà Suu Kyi, người ông cho rằng không phải không có trách nhiệm đối với tình hình hiện tại.
"Nhưng điều đó có vẻ không khả thi lắm. Cả Aung San Suu Kyi và các tướng lĩnh đều xem chính trị như trò chơi có tổng bằng không và cả hai đều khó có khả năng thỏa hiệp", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes, SCMP, Vox)