Với cuộc đảo chính sáng 1/2, lật đổ một chính phủ dân cử và đưa lãnh đạo Aung San Suu Kyi trở về chế độ quản thúc tại gia, quân đội Myanmar do Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing đứng đầu một lần nữa chứng minh quyền lực tối cao của họ tại quốc gia Đông Nam Á này, bình luận viên Hannah Beech của NY Times nhận xét.
Theo một số nguồn tin thân cận, Thống tướng Min Aung Hlaing, 64 tuổi, thăng tiến đều đặn và từ từ, không phô trương và hầu như không được chú ý. Sau khi vươn đến hàng ngũ cấp cao trong quân đội và để lại dấu ấn sâu sắc hơn, Aung Hlaing đã gây ấn tượng với cộng đồng Phật giáo tại Myanmar bằng cách tài trợ cho bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch lớn nhất đất nước.
Tuy nhiên, sự việc khiến danh tiếng của ông tăng vọt là chiến dịch hồi năm 2017 nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya, vốn không được những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Myanmar chấp nhận. Hơn 730.000 người Rohingya đã tràn sang nước láng giềng Bangladesh sau chiến dịch truy quét của quân đội Myanmar. Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cáo buộc hoạt động của quân đội Myanmar có thể cấu thành "ý định diệt chủng".
Không lâu sau, tướng Aung Hlaing dường như đã nhắm đến vị trí tổng thống, khi ông sẽ phải nghỉ hưu vào mùa hè năm nay, các nguồn tin nội bộ giấu tên tiết lộ. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, khi chính quyền dân sự đầu tiên của Myanmar lên nắm quyền, ghế tổng thống đã thuộc về những người trung thành với bà Suu Kyi, lãnh đạo trên thực tế của đất nước với chức danh chính thức là Cố vấn Nhà nước.
Các cố vấn của Suu Kyi kể lại rằng bà đã từ chối gặp Aung Hlaing để thảo luận về nguyện vọng chính trị của ông, làm tổn thương lòng tự trọng của Tổng tư lệnh, đồng thời khiến ông lo ngại về tương lai sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, bình luận viên Beech chỉ ra rằng nếu bà Suu Kyi tự coi mình là người nắm quyền hợp pháp của Myanmar, thì tướng Aung Hlaing cũng vậy.
Những tướng lĩnh Myanmar được cho là đã nỗ lực suốt nhiều năm để thiết lập một hệ thống giúp đảm bảo lợi ích lâu dài, biến nước này thành một nơi mà tầm ảnh hưởng của quân đội bám rễ vào mọi khía cạnh trong đời sống, với quyền lực của quân đội tập trung vào tay Aung Hlaing.
"Quân đội đã dệt nên cấu trúc xã hội Myanmar", Richard Horsey, nhà phân tích chính trị tại Yangon, đánh giá. "Họ không chỉ có hệ thống trường học, bệnh viện và sản xuất thực phẩm riêng, mà giới tinh hoa của họ còn kết thông gia với các gia đình làm kinh doanh và thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, tạo nên một kết cấu thống nhất gần như không thể gỡ bỏ".
Do đó, quyền lực của quân đội Myanmar vượt xa sức mạnh chiến đấu của nửa triệu binh sĩ. Quân đội điều hành hai tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất đất nước, tham gia vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bệnh viện, phòng gym và truyền thông, đồng thời sở hữu số lượng bất động sản nhiều nhất cả nước.
Tối 1/2, với hầu hết lãnh đạo dân sự đã bị bắt, quân đội nhanh chóng công bố nội các mới cho Myanmar. Tất cả bộ trưởng đều là cựu tướng hoặc người vẫn tại ngũ. Ngoài ra, mặc dù vẫn cho phép tổ chức bầu cử, quân đội Myanmar luôn được kiểm soát 25% số ghế trong quốc hội mà không cần thông qua bỏ phiếu. Bất kỳ thay đổi lập pháp nào cũng cần sự ủng hộ của các nghị sĩ quân sự này.
Tuy nhiên, việc các tướng lĩnh Myanmar hành động nhằm tái khẳng định quyền chỉ huy với đất nước được cho là đã phá vỡ hệ thống chính trị được xây dựng cẩn thận suốt nhiều thập kỷ, cho phép họ âm thầm nắm quyền đằng sau chính quyền dân sự.
"Cuộc đảo chính đã khiến toàn bộ tầm nhìn của quân đội về một nền dân chủ tích hợp giữa quân sự và dân sự có nguy cơ biến mất, đưa đất nước thụt lùi hàng thập kỷ", Gerard McCarthy, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Quá trình phát triển kinh tế của Myanmar, vốn nở rộ sau khi quân đội bắt đầu nới lỏng quyền kiểm soát của họ, cũng có nguy cơ bị suy yếu. Ngoài sự tàn phá của Covid-19, khiến 8/10 người dân phải hạn chế lượng thực phẩm tiêu thụ, Myanmar giờ đây còn đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế từ nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 tuyên bố xác định hành vi của quân đội Myanmar là đảo chính, dẫn đến kích hoạt việc ngăn chặn một số viện trợ của Mỹ cho nước này, đồng thời xem xét lại toàn bộ chương trình hỗ trợ. Tổng thống Joe Biden trước đó cũng cảnh báo tái áp đặt lệnh cấm vận mà Mỹ từng dỡ bỏ với Myanmar 10 năm trước.
Viễn cảnh tương lai mờ mịt dường như khiến công chúng, những người cảm thấy rằng họ có thể biểu lộ khát vọng chính trị sau chiến thắng vang dội dành cho đảng NLD của bà Suu Kyi, càng thêm tức giận.
"Tất cả chúng tôi vẫn chờ chỉ đạo của Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đều sẽ tuân theo bà ấy", nghị sĩ Win Mya Mya cho biết.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)