Quân đội Myanmar rạng sáng 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) "nhằm đối phó với cáo buộc gian lận bầu cử" trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Sau khi nhiều nước phương Tây lên tiếng phản đối nỗ lực mà họ gọi là "đảo chính" lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ này, quân đội Myanmar cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Trong quá trình đó, quân đội Myanmar nắm quyền điều hành đất nước thông qua tình trạng khẩn cấp và mọi quyền lực hiện được chuyển cho thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Larry Jagan, chuyên gia về Myanmar, cho rằng việc bắt giam, tước quyền lực của Suu Kyi là điểm mấu chốt trong kế hoạch binh biến "không đổ máu" của quân đội và điều đó có thể kết thúc sự nghiệp chính trị của người phụ nữ từng được ca ngợi là "biểu tượng của nền dân chủ" này.
"Tôi nghĩ đây về cơ bản là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Aung San Suu Kyi. Dù gì thì bà ấy cũng đã cao tuổi, có nhiều nghi vấn về sức khỏe của bà ấy. Tương lai của Suu Kyi khá ảm đạm. Sau tất cả, tôi nghĩ đó là điều quân đội Myanmar mong muốn nhất".
Jagan nhấn mạnh rằng quân đội Myanmar rất ít tin tưởng vào Suu Kyi. "Họ không tin tưởng bà ấy, họ không thích bà ấy và họ không muốn bà ấy trở thành một phần của tương lai đất nước. Vì vậy, loại bỏ bà ấy hoặc đẩy bà ấy ra khỏi tiến trình chính trị thực sự là một phần rất quan trọng trong kế hoạch của họ", ông nói.
Aung San Suu Kyi vốn được coi là ngọn hải đăng cho nhân quyền, đã trải qua 15 năm bị quản thúc từ năm 1989 đến 2010. Cuộc đấu tranh của bà nhằm mang lại nền dân chủ cho Myanmar, vốn được cai trị bởi quân đội, đã khiến Suu Kyi trở thành một biểu tượng quốc tế về nỗ lực phản kháng hòa bình khi đối mặt với áp bức.
Tháng 11/2015, bà lãnh đạo NLD giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar trong vòng 25 năm. Hiến pháp Myanmar ngăn Suu Kyi trở thành tổng thống bởi bà có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài. Nhưng Suu Kyi, 75 tuổi, vẫn được coi là nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar với chức danh chính thức là Cố vấn Nhà nước. Tổng thống Win Myint được coi là một đồng minh thân cận của bà.
Tuy nhiên, từ khi trở thành Cố vấn Nhà nước, uy tín của Suu Kyi trong vai trò lãnh đạo bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cách bà xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya.
Năm 2017, hàng trăm nghìn người dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh vì một cuộc truy quét của quân đội, sau một số vụ tấn công chết người nhằm vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine, vùng duyên hải phía tây đất nước, là nơi sinh sống chủ yếu của người Rohingya.
Myanmar hiện phải đối diện với một vụ kiện với cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế, trong khi Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra nước này về tội ác chống lại loài người. Những người ủng hộ Suu Kyi trước đây trong cộng đồng quốc tế giờ chỉ trích bà vì không làm gì để ngăn hành vi hãm hiếp, giết chóc thậm chí là tội ác diệt chủng có thể xảy ra, khi bà từ chối lên án quân đội hay thừa nhận các hành vi tàn bạo của binh sĩ.
Việc bà bảo vệ quân đội trước hành động với người Rohingya tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan, hồi năm ngoái được coi là "giọt nước tràn ly" khiến danh tiếng quốc tế của Suu Kyi sụp đổ, mặc dù bà vẫn được tín nhiệm cao ở trong nước.
Các nhà ngoại giao và nhà lập pháp cho rằng hình ảnh suy giảm của Aung San Suu Kyi đã làm phai nhạt sự ủng hộ của phương Tây đối với bà trong tư cách là lãnh đạo Myanmar, nhưng các chính phủ vẫn sẽ thúc giục thả bà sau cuộc đảo chính để trở lại chế độ dân chủ.
Laetitia van den Assum, nhà ngoại giao Hà Lan ở Đông Nam Á đã nghỉ hưu, người thường xuyên gặp Suu Kyi trong gần 15 năm, cho biết hình ảnh biểu tượng dân chủ của bà đã bị suy giảm "gần như không thể khắc phục được". "Nhưng không ai muốn có một chính quyền quân sự ở Myanmar", Assum nói.
Trong khi đó, một quan chức ngoại giao cấp cao của EU tại Jakarta nói rằng hình ảnh của bà có thể được cải thiện nhờ cuộc đảo chính, vì nó "khôi phục vị thế của bà như một người chịu đọa đầy vì chính nghĩa", nhưng phương Tây giờ nhận ra rằng mặc dù bà được tín nhiệm cao ở trong nước, bà không có tiếng nói với quân đội.
Song Qingrun, phó giáo sư từ Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, nhận định tương lai của Myanmar sau cuộc đảo chính có thể rất "phức tạp" và khó đoán. "Tình hình phụ thuộc vào việc liệu những người ủng hộ NLD có xuống đường biểu tình hay không, liệu quân đội có thể xử lý các vấn đề trong nước hay không, cũng như kết quả của các cuộc bầu cử mới", Song nói.
Chuyên gia này chỉ ra rằng cuộc bầu cử năm ngoái cho thấy đảng NLD của bà Suu Kyi vẫn được rất nhiều người ủng hộ. Họ giành được 83% số phiếu, áp đảo đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) do quân đội hậu thuẫn.
Ông nói thêm rằng quân đội Myanmar cũng sẽ phải đối mặt với sức ép từ một số nước phương Tây. "Với những thách thức này, tương lai vẫn là điều khó đoán định".
Song chỉ ra quân đội Myanmar cũng gặp phải một số thách thức trong nước. "Đầu tiên là Covid-19, Myanmar đã ghi nhận hơn 140.000 ca nhiễm và mỗi ngày nước này báo cáo khoảng 400-500 trường hợp mới. Vì vậy, làm thế nào để kiểm soát đại dịch là một câu hỏi được đặt ra cho giới lãnh đạo quân đội. Họ cũng cần nỗ lực phục hồi nền kinh tế đất nước. Đây là những vấn đề quyết định liệu người dân Myanmar có thể hài lòng với sự cầm quyền của quân đội trong một năm tới hay không".
Gerard McCarthy, từ Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo việc quân đội Myanmar cầm quyền trong một năm "sẽ khiến các đối tác quốc tế không phải là Trung Quốc rời xa họ, gây tổn hại đến lợi ích thương mại của quân đội và kích động sự phản kháng ngày càng gia tăng từ hàng triệu người đã bầu cho bà Suu Kyi và NLD".
Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại châu Á, chỉ ra động thái này khiến Myanmar có nguy cơ một lần nữa trở thành "quốc gia bị cộng đồng quốc tế bài xích", đồng thời khiến người dân trong nước tức giận.
"Tôi không nghĩ người dân Myanmar sẽ chấp nhận điều này", ông nói thêm. "Họ không muốn quay trở lại một tương lai quân sự. Họ coi bà Suu Kyi như một bức tường thành chống lại sự trở lại của chính quyền quân sự".
Phản ứng trước chiến dịch của quân đội Myanamar với người Rohingya, Mỹ đã trừng phạt nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao, bao gồm Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Áp lực ngày càng tăng đó đã khiến cả quân đội và chính phủ dân sự của bà Suu Kyi vài năm gần đây ngày càng gần gũi Bắc Kinh, từng là đồng minh thân thiết trong những năm chính quyền quân sự cầm quyền ở Myanmar trước đây.
Melissa Crouch, chuyên gia về Myanmar tại Đại học New South Wales, nói rằng các tướng lĩnh có thể coi các liên minh như vậy với Trung Quốc là đối trọng tiềm năng với bất kỳ làn sóng phẫn nộ quốc tế nào.
Tamas Wells, chuyên gia từ Đại học Melbourne, đánh giá giới lãnh đạo quân sự Myanmar "đã học được cách chống chọi khi đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế". "Có thể nói rằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây đối với các chính quyền Myanmar những năm 1990 và 2000 không làm thay đổi nhiều lập trường của giới lãnh đạo quân sự Myanmar vào thời điểm đó", ông bình luận. "Covid-19 rõ ràng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế và đã có các biện pháp trừng phạt được áp đặt. Vì vậy, phương Tây không còn nhiều đòn bẩy để sử dụng".
Wells nhận định thách thức lớn nhất đối với giới quân đội sẽ đến từ trong nước và sẽ phụ thuộc vào khả năng của quân đội trong việc kiểm soát các nhà hoạt động và tầng lớp trung lưu được trao thêm quyền đáng kể từ năm 2015. Họ cũng đối mặt với áp lực từ các doanh nghiệp và những người đã hưởng lợi từ việc tăng cường hợp tác quốc tế sau khi đất nước chuyển đổi sang chính quyền dân chủ và không muốn thấy quốc gia trở lại tình trạng bị cộng đồng quốc tế xa lánh.
"Ở Myanmar, có nhiều người kiếm được rất nhiều tiền, họ sẽ gây sức ép với giới lãnh đạo quân đội để không làm gián đoạn sự tăng trưởng và ổn định đang diễn ra ở thành thị", Wells nói.
"Người dân Myanmar sẽ vẫn ủng hộ Suu Kyi sau cuộc đảo chính", nhà phân tích chính trị Min Zaw Oo tại Yangon, nhận định.
Nhưng ông nói thêm rằng tương lai của bà và tương lai quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Myanmar là "điều không chắc chắn". "Đây là thực tế mà chúng tôi đang sống. Chúng tôi phải vượt qua và chúng tôi phải cố gắng một lần nữa", ông nói.
Phương Vũ (Theo AFP/BBC/CGTN/CNN)