Kể từ khi xuất hiện, biến thể nCoV B.1.1.7 của Anh đã lây lan ra ít nhất 70 quốc gia trên thế giới, khiến số ca nhiễm tăng đột biến. Nhiều nước phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại chặt chẽ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, B.1.1.7 có khả năng lây truyền cao hơn từ 56% đến 70% so với chủng cũ, khiến số trường hợp dương tính tăng đột biến. Biến thể có 18 đột biến, tốc độ thay đổi để thích nghi với môi trường được cải thiện. Trong đó, đột biến tên gọi N501Y giúp virus dễ dàng bám và xâm nhập vào tế bào người.
Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể B.1.1.7 có lượng nCoV trong cơ thể nhiều hơn. Theo phân tích của Trường Norwich thuộc Đại học East Anglia, trong số 641 người nhiễm biến thể, nồng độ virus trong mũi cao hơn từ 10 đến 100 lần so với các ca "thông thường". Điều này khiến nCoV lây lan nhanh khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Họ có thể thải ra nhiều hạt khí dung chứa virus khi hít thở hoặc nói chuyện.
Đến nay, giới khoa học vẫn còn tranh cãi về luận điểm "nCoV liệu có lây lan trong không khí?". Hầu hết đều đồng tình rằng virus truyền từ người sang người qua khí dung. Đây là các giọt hô hấp có kích thước siêu nhỏ (đường kính dưới 5 μm). Các chuyên gia đưa ra giả thuyết khi người mắc Covid-19 ho, hắt hơi hoặc hít thở mạnh, nCoV bị đẩy ra ngoài qua đường khí dung sinh học. Giọt nhỏ bay lơ lửng trong không khí, giọt lớn và nặng hơn sẽ rơi xuống, bám vào các bề mặt. Chúng hiếm khi bay xa hơn 1,8 m.
Vấn đề đáng lo ngại là những giọt khí dung nhỏ nhất có thể tồn tại trong không khí hàng giờ liền. Cộng với việc người nhiễm biến thể mang nhiều nCoV, tỷ lệ lây truyền sẽ cao hơn. Các không gian trước đây được coi là tương đối an toàn như nhà riêng, văn phòng có thể trở thành ổ dịch tiềm tàng.
Thông thường, nồng độ khí dung cao nhất là ngay cạnh nguồn phát tán (người mắc Covid-19) và giảm dần khi ra xa. Tuy nhiên, trong phòng kín, chúng có thể tích tụ nhanh chóng, tương tự khói thuốc lá. Điều này trở thành vấn đề nan giải tại những nơi có hệ thống thông gió kém như phòng kín, ôtô... Với biến thể mới, lượng khí dung trước đây không gây bệnh có thể nguy hiểm hơn ở thời điểm hiện tại.
Theo nghiên cứu của Đại học Đại học Cambridge, đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society A, nCoV có thể lây lan ngay khi người bệnh chỉ nói chuyện mà không ho, hắt hơi. Các nhà khoa học cho biết trong không gian nhỏ, tổng lượng khí dung chứa virus lơ lửng trong một giờ sau khi người bệnh nói chuyện khoảng 30 giây có thể nhiều hơn một lần ho.
Hồi tháng 4/2020, các nhà khoa học tìm thấy nCoV trong không khí tại bệnh viện Vũ Hán. Nhóm chuyên gia đã thu thập mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán và một bệnh viện dã chiến điều trị người mắc nCoV có triệu chứng nhẹ. Họ cũng lấy mẫu không khí ở các địa điểm công cộng trong thành phố, bao gồm khu dân cư, siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Kết quả cho thấy virus phát tán rất ít trong không khí tại khu cách ly hoặc phòng bệnh - những nơi thông thoáng. Tuy nhiên tại nhà vệ sinh có diện tích khoảng một mét vuông, kín khí, nồng độ virus cao hơn.
"Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc tránh xa các không gian nhỏ hẹp", Linsey Marr, giáo sư về môi trường tại Viện Đại học Bách khoa Virginia, nhận định.
Biến thể nCoV B.1.1.7 được ghi nhận đầu tiên từ vùng đông nam nước Anh. Sau khi truy ngược bằng chứng di truyền, các nhà khoa học cho rằng có thể nó đã lưu hành ở Anh từ tháng 9 ở mức rất thấp, sau đó lây lan rộng rãi hơn trong tháng 11 và tháng 12/2020. Một số chuyên gia cho rằng biến thể phát tán mạnh mẽ do một cụm dịch siêu lây nhiễm.
Khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, người nhiễm biến thể mới bị đau cơ, đau họng, mệt mỏi và ho nhiều hơn so với trước đây. Điều này là do B.1.1.7 nhân lên và lây lan bên trong cơ thể nhanh chóng. Các bệnh nhân biểu hiện cùng lúc nhiều triệu chứng, song trường hợp mất vị giác và khứu giác giảm. Đặc biệt, số người bị ho tăng lên khoảng 27% đến 35%.
Ngày 3/2, các nhà khoa học cho biết B.1.1.7 tiếp tục thay đổi, có thêm đột biến mới là E484K. Đột biến này từng xuất hiện ở biến thể Nam Phi, có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus, giảm độ hiệu quả của vaccine.
Để phòng tránh nhiễm biến thể, người dân cần áp dụng đầy đủ những biện pháp phòng ngừa trước đây. Về cơ bản, đường lây của B.1.1.7 không đổi. Virus dễ lan truyền trong không gian kín, đông người. Các loại khẩu trang hai lớp, khẩu trang N95 hoặc 3M vẫn là công cụ hiệu quả để ngừa nhiễm bệnh. Người dân nên tránh tụ tập thành đám đông, giữ khoảng cách ít nhất 2 m, rửa tay thường xuyên và không chạm vào da mặt.
Đợt dịch đang bùng phát tại Việt Nam 7 ngày qua, liên quan đến vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh rồi lây nhiễm 8 tỉnh thành khác, cũng do nhiễm biến thể Anh.
Thục Linh (Theo Conversation, Guardian, CDC, BMC)