Hai đợt cách nhau khoảng 6 tháng. Ngày 25/7,"bệnh nhân 416", nam, 57 tuổi, là ca nhiễm đầu tiên tại Đà Nẵng, bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ hai, chấm dứt chuỗi 99 ngày cả nước không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Ngày 28/11/2020, TP HCM xuất hiện chuỗi lây nhiễm nhưng nhanh chóng xác định được F0, kiểm soát tốt, khả năng lây lan thấp. Khi đó, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Và bốn tháng sau, ngày 28/1, hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh được phát hiện sau khi Bộ Y tế ghi nhận "bệnh nhân 1552" là công nhân Công ty Poyun, Hải Dương, và "bệnh nhân 1553", là nhân viên Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Dịch bùng lên rất nhanh và nhanh chóng lan rộng. Sáu ngày sau Bộ Y tế ghi nhận tổng cộng 271 ca nhiễm ở 10 tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là Hải Dương (206), tiếp theo là Quảng Ninh (30), Hà Nội (19), Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
Theo các chuyên gia, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đợt dịch là tốc độ lây nhiễm. Riêng ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh chưa rõ thời gian lây trong cộng đồng là bao lâu, nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng khiến dịch lây lan khó kiểm soát.
Xác định F0 không quá cần thiết
Đà Nẵng từ tháng 7 từng được coi là ổ dịch lớn nhất Việt Nam, lây lan nhiều tỉnh thành. Thành phố đã tăng cường truy tìm F0 để khoanh vùng. Đợt dịch mới ở Hải Dương, Quảng Ninh ghi nhận người mắc Covid-19 chủ yếu là trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát. Việc phát hiện muộn, lại không tìm được F0, thậm chí F1, khiến dịch ngày càng lan rộng.
Đợt dịch này đúng vào dịp Tết nhu cầu đi lại cao, là yếu tố nguy cơ thuận lợi để bệnh lây lan mạnh. Đỉnh điểm là ngày 28/1, cả nước ghi nhận 82 ca nhiễm trong cộng đồng, cao nhất từ đầu dịch.
Do đó, "việc truy tìm F0 không còn cần thiết mà phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng", phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nói. Mục tiêu của ngành Y tế là quét diện rộng tìm ra người mắc Covid-19, người liên quan để họ tự bảo vệ. Khi dịch lan rộng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nguồn lây nếu không kiểm soát và chống dịch theo quy định.
Chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm"
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết theo các nghiên cứu chủng mới nCoV của Anh tăng độc lực khoảng 30%, khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Khi chưa xác định được F0, thời gian từ ủ bệnh đến lúc phát hiện bệnh kéo dài, nguồn lây rộng hơn.
Đợt dịch này giống với Đà Nẵng ở chỗ mất F0, chưa tìm được F0, chưa xác định được nguồn lây nhiễm từ đâu. Đây là khó khăn đầu tiên.
Tuy nhiên dịch hiện nay khó khăn hơn do biến thể nCoV Anh, nên thời gian lây lan nhanh hơn rất nhiều. Ví dụ trường hợp hai vợ chồng bệnh nhân Gia Lai, từ ngày bệnh nhân tham gia đám cưới ở Hải Dương là 17/1, đến ngày 29/1 mới truy vết tới nơi và đưa vào cách ly, xét nghiệm là 12 ngày, nên khi phát hiện ra đã lây lan cho người khác. Thậm chí, khi người bệnh chưa biểu hiện triệu chứng đã có khả năng lây lan rồi, nên vấn đề khoanh vùng dập dịch phải tăng tốc nhiều hơn nữa, số lượng theo dõi nhiều hơn nữa. "Công cuộc kiểm soát vẫn là thách thức lớn", bác sĩ Hùng nhận định.
Ngoài ra, ở mỗi vùng miền có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Các tỉnh phía Bắc đang là mùa lạnh, sẽ dẫn tới khả năng sống của virus ngoài môi trường kéo dài hơn so với khi thời tiết nắng nóng ở miền Trung. Việc cách ly, theo dõi phải tăng lên 21 ngày chứ không phải 14 ngày như trước.
Trong cuộc họp chiều 1/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chu kỳ lây nhiễm thông thường khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này là chỉ 1-2 ngày. Đặc biệt, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Trước đây, dịch trước 5-7 ngày là thời gian ủ bệnh, đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh lần này rất cao.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM công bố kết quả giải trình tự gene "bệnh nhân 1660", 28 tuổi, nhiễm biến thể nCoV từ Anh. Đây là trường hợp đầu tiên tại TP HCM và thứ hai Việt Nam nhiễm biến thể này. Giới khoa học thế giới cuối năm 2020 dự báo là biến thể mới sẽ khiến đại dịch tồi tệ hơn. Nhiều khả năng cụm dịch ở Hải Dương bùng phát nhanh là do chủng virus này.
Tính chất và mức độ nặng - nhẹ khác nhau
Đối với Đà Nẵng, nCoV tấn công vào bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính nặng gây thiệt hại nặng nề về người. Theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch Đà Nẵng ghi nhận 35 người tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền mạn tính nặng. Mất hai tháng (từ ngày 25/7 đến 25/9), thành phố mới trở về trạng thái hoạt động bình thường.
Còn liên quan Hải Dương, Quảng Ninh, số lượng ca nhiễm nhiều hơn nhưng về tính chất thì nhẹ do dịch chưa tấn công vào bệnh viện, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) nói. Các ca Covid-19 chủ yếu là người trẻ, sức đề kháng tốt. Nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hiện, tình hình kiểm soát dịch được giới chức đánh giá là "đã có những bước rất tích cực". Lực lượng chức năng đã khoanh vùng được ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, tạo thành các ổ dịch mới. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không lơ là, cần theo dõi địa điểm bệnh nhân dương tính đi/đến để dự phòng nguy cơ. Các cơ sở y tế phải nâng mức báo động, tất cả thầy thuốc phải luôn cảnh giác cao hơn một mức, tránh dịch bệnh lây lan.
Mục tiêu là "6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, giữ đúng cam kết dập dịch trong 10 ngày", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tối 31/1.
Thùy An - Lê Phương