Những ngày này, hội bạn đồng nghiệp cùng công ty với tôi rôm rả hơn hẳn với câu chuyện về iPhone 14 - chiếc điện thoại mới nhất vừa được Apple ra mắt. Nhóm có bảy người thì sáu người dùng iPhone, riêng tôi đang dùng một chiếc điện thoại cảm ứng giá rẻ của một thương hiệu kém tên tuổi hơn nhiều (tất nhiên giá cũng chỉ bằng một phần ba chiếc iPhone "xịn xò" kia). Và chủ đề chính trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi mấy hôm nay là: Tích được bao nhiêu tiền để mua iPhone 14 rồi? Mua ở đâu có hàng sớm nhất? Mua ốp lưng, kính cường lực nào chất lượng...?
Tôi hiểu mỗi người có một gu, sở thích khác nhau, nhu cầu sử dụng cũng mỗi người mỗi ý. Tôi cũng không dám phán xét những người bỏ vài chục triệu ra mua iPhone là lãng phí bởi tôi đâu biết túi tiền của họ nông hay sâu? Thế nhưng, có một điểm chung mà tôi nhận thấy ở những người bạn đang dùng iPhone của mình, cũng nhưng phần đông người Việt là "fan cứng" của Apple, đó là dường như chúng ta đang làm nô lệ cho chiếc điện thoại nói riêng, và những thiết bị công nghệ cao cấp nói chung, thay vì mua chúng để phục vụ cho cuộc sống của mình.
Tại sao tôi lại nói vậy? Để tôi kể cho các bạn nghe về quy trình sử dụng của những người bạn tôi mỗi khi mua một chiếc iPhone mới (năm nào họ cũng "lên đời" mẫu mới nhất). Ngay sau màn "đập hộp" đầy hãnh diện, họ lập tức nhét ngay chiếc điện thoại có giá bằng hai, ba tháng lương vào một chiếc ốp nhựa rẻ tiền dày cộp, phủ lên màn hình một miếng kính cường lực mua ngoài. Vậy là xong bước đầu tiên - bảo vệ tuyệt đối cho món đồ công nghệ đắt giá. Xét về mặt thẩm mỹ, tôi dám chắc những món phụ kiện ấy sẽ làm mất hẳn đi những đường nét đẹp nhất của chiếc điện thoại. Về hiệu năng chắc chắn cũng sẽ bị giảm đi ít nhiều do việc "om nhiệt" do ốp lưng, cảm ứng kém nhạy do kính cường lực...
>> Lương 6 triệu vẫn cố mua trả góp điện thoại xịn, ôtô sang
Vậy là thay vì tận hưởng những thứ làm nên giá trị cho một chiếc điện thoại đắt tiền, chúng ta lại chăm chăm làm sao bao bọc món đồ sao cho mới nhất, chắc nhất. Tại sao phải khổ vậy nhỉ? Như tôi, dùng một chiếc điện thoại cũng đầy đủ chức năng, nhưng giá chỉ chưa tới 10 triệu đồng. Mua xong, tôi thoải mái sử dụng, chẳng phải nâng lên đặt xuống, chẳng phải dán trước bọc sau vì sợ nó trầy xước. Ít nhất thì giá trị vết xước của chiếc điện thoại tôi đang dùng cũng quá nhỏ so với chiếc iPhone đắt tiền, nên tôi chẳng phải bận tâm đến, cứ thoải mái dùng cho thỏa.
Nhìn sang những người bạn đang cầm trong tay chiếc điện thoại đắt đỏ, cứ phải nhìn trước ngó sau, "nâng trứng hứng hoa", rón rén không dám đặt mạnh tay, tôi thấy thương cho họ nhiều hơn. Không hiểu vì sao người ta bỏ cả một số tiền lớn, mua một chiếc điện thoại, rồi dùng không dám dùng, lúc nào cũng "căng não" tìm cách giữ mới chúng? Vậy là bạn mua điện thoại để phục vụ bản thân hay biến mình thành "nô lệ" cho chúng?
Tôi biết có nhiều ngôi sao, người nổi tiếng trên thế giới vẫn đang dùng những mẫu điện thoại từ cách đây cả chục năm, màn hình vỡ nát, đơn giản vì chưa hỏng thì việc gì phải thay mới? Trong khi đó, nhiều người Việt cứ mải chạy theo trào lưu điện thoại mới, cứ mẫu nào mới ra là phải tậu ngay, sau đó vừa dùng vừa giữ cho mới để năm sau ra mẫu mới lại bán chiếc cũ đi để lên đời (có khi chấp nhận mất nửa giá). Và rồi vòng lặp ấy cứ tiếng diễn qua từng năm. Chưa khi nào tôi thấy họ thực sự làm chủ món đồ đắt tiền mà mình mua.
Tất nhiên, vẫn phải nhắc lại rằng mỗi người có một nhu cầu và cách sử dụng khác nhau, nên tôi không dám phán xét ai hay ai dở. Nếu bạn là người có điều kiện và "đam mê" thực sự, cứ việc sống theo cách mình muốn. Nhưng nếu bạn chỉ làm công ăn lương, có tháng tiền ăn còn không đủ thì nên biết điểm dừng của mình thay vì cố chạy theo những thứ xa xỉ, hào nhoáng. Quan trọng nhất là hãy để những thứ công nghệ hiện đại phục vụ đắc lực cho công việc, cuộc sống của mình, chứ đừng mù quáng biến mình thành nô lệ cho chúng. Hãy là một người tiêu dùng thông minh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.