Bước chân vào Nhà Trắng với rất nhiều thách thức chính sách đối ngoại đặt ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nêu rõ những ưu tiên của mình, nhấn mạnh hiện tại ông muốn tập trung cao độ vào vấn đề Trung Quốc, cũng như khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh hiệp ước hạt nhân Iran và nỗ lực đối phó với Nga trên trường quốc tế.
Theo các quan chức Nhà Trắng, xử lý xung đột Israel - Palestine, vốn từng làm đau đầu nhiều thế hệ tổng thống Mỹ, là vấn đề ít cấp bách hơn nhiều. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng từ bỏ "giải pháp hai nhà nước", gạt Palestine khỏi các cuộc đàm phán ngoại giao, đồng thời ngừng hỗ trợ người Palestine thông qua các quỹ cứu trợ Liên Hợp Quốc.
Chiến lược của Trump bắt nguồn từ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chính sách cứng rắn mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu theo đuổi, phớt lờ người Palestine để thiết lập những mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và một số quốc gia Arab. Điều này đã mang lại thành công bước đầu, dẫn đến sự công nhận của nhiều quốc gia Arab đối với nhà nước Israel.
Nhưng chiến lược đó đang đứng trên bờ vực sụp đổ trước chỉ trích từ các lãnh đạo Arab về những động thái gần đây của Israel ở Jerusalem nhằm trục xuất người Palestine ra khỏi nơi họ đã sinh sống suốt nhiều thế hệ, hay việc cảnh sát Israel bắn đạn cao su vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong buổi lễ cầu nguyện kết thúc tháng ăn chay Ramadan 10 ngày trước.
Không rõ ai là người đã khiến các cuộc biểu tình quanh nhà thờ Al-Aqsa trở nên bạo lực, mở màn cho những màn nã rocket, pháo kích đáp trả lẫn nhau giữa Israel và Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo lớn nhất ở Palestine. Giờ đây, xung đột đã leo thang đến bờ vực chiến tranh toàn diện.
Cuộc xung đột lần này có gì khác với lần đụng độ cách đây 7 năm giữa hai phe? Bạo lực đã mở rộng thành xung đột giữa người Arab ở Israel và người Do Thái trong các cộng đồng trải khắp đất nước, vượt ra khỏi lãnh thổ Palestine. Dù Israel chưa mở chiến dịch trên bộ xâm chiếm Dải Gaza, mức độ các cuộc không kích đang ngày càng trở nên khốc liệt.
Và sự ủng hộ chính trị từ Mỹ dành cho các chính sách của Israel dưới thời Trump cũng đã thay đổi. Phe tiến bộ trong đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang gây áp lực yêu cầu chính quyền Mỹ phải có một cách tiếp cận công bằng hơn, công nhận các quyền của người Palestine, bất chấp những ủng hộ trong quá khứ mà Mỹ dành cho Israel, đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông và nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất từ Washington.
Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez, một người ủng hộ mạnh mẽ Israel, hồi cuối tuần qua cũng phải ra tuyên bố chỉ trích cuộc không kích của Israel nhằm vào tòa nhà đặt trụ sở hàng loạt tờ báo, hãng thông tấn quốc tế ở Gaza như AP, BBC, Al Jazeera.
Thủ tướng Netanyahu cho biết tòa nhà trên cũng là nơi đặt đầu não tình báo quân sự của Hamas, song không cung cấp bằng chứng cụ thể.
Cuộc không kích này cùng con số thương vong dân thường đang tăng lên mỗi ngày ở Gaza khiến 28 thượng nghị sĩ Mỹ khác phải đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại. Một số cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine đã nổ ra trên khắp nước Mỹ hồi cuối tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hiện ở Đan Mạch, đang đứng trước áp lực phải hành động nhiều hơn nữa và có thể phải đích thân đến Trung Đông nếu điều kiện cho phép.
Nhưng nỗ lực của Mỹ nhằm làm trung gian hòa giải giúp dẫn tới một lệnh ngừng bắn cho xung đột Israel - Palestine đang đối mặt nhiều rào cản.
Chính quyền Biden không có nhà ngoại giao cấp cao ở Israel, không đại sứ, không tổng lãnh sự mà chỉ duy trì một phái viên cấp thấp, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hadi Amr.
Mặt khác, vị thế của hai lãnh đạo Israel và Palestine hiện tại cũng tương đối yếu. Thủ tướng Netanyahu đang bị cáo buộc tham nhũng, mất quyền thành lập chính phủ mới sau khi đảng của ông không thể giành đủ 61 ghế tại quốc hội để chiếm thế đa số trong cuộc bầu cử hồi tháng ba.
Vị thế của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thậm chí yếu đến mức ông không dám tổ chức các cuộc bầu cử theo kế hoạch vào mùa xuân vì sợ thất bại trước các đối thủ cấp tiến hơn.
Trong khi đó, Mỹ không công khai đàm phán với Hamas vì liệt nhóm này vào danh sách khủng bố. Thay vào đó, họ chỉ giữ liên lạc qua các đầu mối ở Ai Cập và Qatar.
Ngoài ra, một thách thức khác nằm ở việc các bên liên quan chính trong cuộc đối đầu lần này có rất ít lý do để xuống thang căng thẳng. Cả Thủ tướng Netanyahu và Hamas đều muốn củng cố sức mạnh chính trị của mình thông qua hành động quân sự lâu dài.
Thông qua giao tranh với Hamas, Thủ tướng Netanyahu muốn khơi dậy tinh thần dân tộc, nhằm giành được ủng hộ ở trong nước và lấy lại ảnh hưởng. Trong khi đó, việc đối đầu với Israel giúp Hamas có thể cạnh tranh quyền lực với chính quyền Palestine và giành quyền kiểm soát khu vực Bờ Tây.
Nếu có bất kỳ cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn nào trong giai đoạn hiện nay thì đó có thể là bởi cả Thủ tướng Netanyahu và các lãnh đạo Hamas đều tin rằng họ đã đạt được các mục tiêu chính trị của mình, bình luận viên Andrea Mitchell từ NBC News đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo NBC News)