Từ đầu tháng 5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lâm vào một cuộc chiến chính trị khốc liệt, khi gần như trên mọi trận tuyến, các đối thủ trong liên minh đối lập đã sẵn sàng gác lại bất đồng nhằm đánh bật ông khỏi ghế lãnh đạo chính phủ.
Liên minh chống Netanyahu quy tụ mọi thế lực chính trị từ cánh tả đến cánh hữu, thậm chí có cả một đảng Hồi giáo đại diện cho người Arab ở Israel. Chất keo kết dính đội quân "ô hợp" này là mục tiêu lật đổ Netanyahu, người đã nắm quyền 12 năm liên tiếp và đang bị xét xử với nhiều cáo buộc tham nhũng.
Liên minh này dự định đề cử Naftali Bennett, lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina, vào ghế thủ tướng sau khi lật đổ Netanyahu.
Tuy nhiên, mối đe dọa đáng gờm đối với sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Israel bất ngờ bị vô hiệu hóa khi căng thẳng bùng lên giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại Jerusalem.
Từ đụng độ gần thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, cuộc khủng hoảng leo thang nghiêm trọng với chiến sự tại dải Gaza và châm ngòi làn sóng bạo lực sắc tộc Arab - Do Thái trong những thành phố Israel.
Chiến sự leo thang khiến cảm tình chủ nghĩa dân tộc ở Israel tăng cao, khiến phe đối lập trở nên khó gắn kết với nhau hơn. Bennett ngày 13/5 tuyên bố phương án liên minh lật đổ Thủ tướng đã "bị gác lại" và ông này đang nối lại đàm phán với đảng Likud cầm quyền của Netanyahu.
Các nguồn tin cho hay Bennett nhận định một chính phủ mới khó có thể huy động được lực lượng cần thiết để dập tắt các cuộc đụng độ giữa người Do Thái và người Arab tại Israel, vốn bùng lên kể từ khi chiến sự ở Gaza tăng nhiệt hồi tuần trước.
Giới phân tích chính trị cho rằng Bennett đã thất thế trước sức ép nội bộ và cử tri cánh hữu, những người vốn không chấp nhận hợp tác với cánh tả và các đảng phái Arab trong giai đoạn chiến sự vẫn đang nổ ra với các nhóm vũ trang Palestine.
"Diễn biến tuần qua cho thấy bạn không thể làm ngơ trước vấn đề an ninh và Palestine. Phe Yamina đổ vỡ và phản lại Bennett. Dư luận hiện nay rất phân cực và đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc", Tal Shalev, trưởng ban chính trị tại Walla News, đánh giá.
Yair Lapid, chủ tịch đảng Yesh Atid và lãnh đạo phe đối lập tại quốc hội Israel, chỉ trích người đồng minh vừa trở mặt. Nếu liên minh chống Netanyahu thành công, Lapid và Bennett sẽ thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Nếu chiến sự Gaza không bùng phát, một chính phủ liên minh như vậy có thể được hình thành trong vài ngày tới, sau khi các đảng đối lập tích cực đàm phán với nhau. Nhưng giờ đây, mất sự ủng hộ từ đảng cánh hữu, Lapid gần như không còn cơ hội lật đổ Netanyahu.
Ông chỉ còn 15 ngày để thành lập chính phủ liên minh theo quy định. "Tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ tìm mọi cách để thành lập chính phủ mới", Lapid tuyên bố.
Giới bình luận chính trị khuynh tả còn cáo buộc Thủ tướng Netanyahu "dàn dựng" cuộc khủng hoảng nhằm chia rẽ phe đối lập. Amos Harel, phóng viên kỳ cựu về quân sự tại nhật báo Haaretz, cho rằng một nửa những diễn biến thời gian qua có lẽ đã nằm trong tính toán của Netanyahu.
Phe chỉ trích cho rằng cảnh sát Israel chủ động khiêu khích người biểu tình tại Jerusalem và thánh đường Al-Aqsa vào tháng 4, kéo theo nhiều tuần bất ổn và chạm trán giữa tín đồ Hồi giáo Palestine với lực lượng an ninh. Bộ trưởng chuyên trách lực lượng cảnh sát Israel lại là một đồng minh trung thành của Netanyahu trong đảng Likud, còn những đám đông cực hữu xung đột với dân Arab lại ủng hộ Thủ tướng.
"Netanyahu chỉ cần vài cái đẩy nhẹ và mọi việc sẽ diễn ra theo hướng có lợi cho ông", Harel nói.
Các chính trị gia đối lập không mấy lạc quan về viễn cảnh thành lập chính phủ không có Netanyahu trong thời gian gần. Kịch bản khả thi hơn là tổ chức tổng tuyển cử sau vài tháng nữa. Phe đối lập dự đoán dù tổ chức bầu cử lại, lần thứ 5 chỉ trong gần ba năm qua, họ vẫn khó tìm ra đảng chiến thắng tuyệt đối và thoát cảnh thỏa hiệp thành lập chính phủ liên minh.
Với các diễn biến mới, Netanyahu có cơ hội lôi kéo thêm một vài người từ hàng ngũ đối lập về phe mình, hoặc thuyết phục quốc hội tổ chức bầu cử trực tiếp cho vị trí Thủ tướng.
Tuy nhiên, nếu chiến sự tại dải Gaza và tình trạng đụng độ tại các thành phố Israel tiếp tục kéo dài, đây có thể là con dao hai lưỡi với Netanyahu. Giới phân tích cảnh báo niềm tin của người dân đối với Thủ tướng Israel đang xói mòn theo từng ngày.
"Bennett đào tẩu về với Netanyhu là một diễn biến rất đáng chú ý vì đã chia rẽ phe đối lập, nhưng chúng ta đừng nên lầm tưởng Netanyahu đang nắm giữ ưu thế trên chính trường", Shalev nhận định, lưu ý Thủ tướng Israel đang đối diện rất nhiều chỉ trích và phẫn nộ trong dư luận.
Trong khi đó, Bennett cũng có thể phải trả cái giá rất đắt về chính trị cho hành động của mình. Một tuần trước, ông được coi là lãnh đạo tương lai của Israel thay thế cho kỷ nguyên Netanyahu. Nhưng giờ đây, Netanyahu vẫn là Thủ tướng, trong khi tương lai của Bennett trở nên bất định.
"Ông ấy không còn là một thế lực chính trị đáng gờm nữa", một nguồn tin nói. "Ông ấy giờ đây cùng lắm chỉ là tay sai của Netanyahu, và chúng ta đều biết điều đó sẽ có kết cục thế nào".
Trung Nhân (Theo Foreign Policy)