Giao tranh giữa Israel và Hamas bùng phát từ hôm 10/5 với tâm điểm là Gaza, dải đất ven biển rộng hơn 360 km2 giáp biên giới với Ai Cập, từng thuộc quyền kiểm soát của Israel vào năm 1967 sau Cuộc chiến 6 ngày với các nước Arab. Mặc dù một số người Israel đã đến định cư tại Gaza, nhiều chính trị gia nước này không mấy mặn mà với dải đất.
"Tôi muốn Gaza chìm xuống biển, nhưng điều đó sẽ không xảy ra và phải tìm giải pháp", cố thủ tướng Israel Yitzhak Rabin từng phát biểu vào năm 1992 khi đương nhiệm.
Sau hiệp định Oslo năm 1993, hầu hết Dải Gaza nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Palestine mới thành lập. Tuy nhiên, bạo lực lan rộng tại khu vực sau khi phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ hai của người Palestine khởi phát vào năm 2000. Để đối phó, Israel bắt đầu xây dựng các hàng rào an ninh chắn giữa Gaza với lãnh thổ nước này, cũng như tại biên giới với Ai Cập.
Năm 2005, dưới thời thủ tướng Ariel Sharon, Israel đơn phương quyết định "rời bỏ" Gaza, không những rút quân khỏi khu vực, mà còn cả 8.000 người Israel đang sinh sống trong các khu định cư ở đây.
Hamas, nhóm dân quân Hồi giáo nổi lên từ phong trào intifada lần thứ nhất năm 1987 với tư cách là đại diện của Palestine trong phong trào Anh em Hồi giáo bắt nguồn tại Ai Cập, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của người Palestine vào năm 2006. Nhiều người Palestine khi đó ủng hộ Hamas, bởi nhóm này khước từ mọi biện pháp hòa bình và chủ trương sử dụng các chiến thuật bạo lực chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Với chiến thắng này, Hamas bắt đầu tranh giành quyền lực với Fatah, đảng chính trị lâu đời của Palestine do cố lãnh đạo Yasser Arafat thành lập. Đến năm 2007, Hamas giành quyền kiểm soát Gaza, còn Fatah nắm quyền kiểm soát Bờ Tây.
Israel sau đó nhanh chóng áp lệnh phong tỏa Gaza, trong khi Lữ đoàn Qassam của Hamas phóng rocket vào lãnh thổ Israel. Kể từ đó, suốt hơn một thập kỷ, bạo lực thường xuyên bùng phát giữa hai bên.
Những xung đột trước đây giữa Israel với các nước Arab vào năm 1948, 1967 và 1973 đều leo thang thành chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chiến thuật quân sự của Israel thường nhắm tới đẩy lùi hơn là đánh bại hoàn toàn đối phương, và Hamas không phải ngoại lệ.
"Để đối đầu với một kẻ thù phi nhà nước ngoan cố như Hamas, Israel đơn giản chỉ cần thỉnh thoảng 'cắt cỏ', nhằm bào mòn sức mạnh của địch. Một cuộc chiến dài hơi trước Hamas có lẽ là định mệnh của Israel về lâu dài", Efaim Inbar và Eitan Shamir, hai chuyên gia Israel, nhận định trong một bài viết hồi năm 2014 cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat.
Kể từ sau chiến sự ở Gaza năm 2014, Israel và Hamas đã giao tranh trên diện rộng vài lần, bao gồm cuộc chiến trên bộ mà Israel gọi là Chiến dịch Chì Đúc năm 2008-2009, Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ năm 2012 và Chiến dịch Vành đai Bảo vệ năm 2014, sau những đợt không kích lớn.
Giới chức Israel giải thích các cuộc không kích và hoạt động tác chiến trên bộ là cần thiết, nhằm phá hủy kho rocket của Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo, một lực lượng dân quân nhỏ hơn tại Dải Gaza. Năm 2011, Israel cho ra mắt hệ thống phòng thủ tầm ngắn có tên Vòm sắt mà họ tuyên bố đánh chặn được 90% rocket và đạn cối từ Gaza.
Những đợt không kích còn nhắm đến hệ thống đường hầm mà các nhóm dân quân Palestine đào xuyên vào trong lãnh thổ Israel. Năm 2014, họ cho biết các tay súng Hamas đã xuất hiện từ các đường hầm như vậy, mặc quân phục Israel và sát hại binh sĩ nước này.
Điều này khiến Israel dường như càng củng cố thêm quan điểm áp dụng chiến thuật "cắt cỏ". "Đây là hoạt động cần được duy trì, thậm chí có lẽ nên tiến hành thường xuyên hơn", Yoav Galant, một cựu chỉ huy quân sự Israel, trả lời phỏng vấn năm 2014.
Tuy nhiên, chiến thuật này vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ các nhóm nhân quyền quốc tế, thường là do số người chết do Israel gây ra cao hơn nhiều so với từ phía dân quân Palestine. Phe cánh tả ở Israel cũng thúc đẩy nỗ lực mới nhằm tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại.
Trên thực tế, Israel từng phải trả giá đắt cho các hoạt động quân sự của mình. Sau cuộc xung đột kéo dài 6 tuần vào năm 2014, Liên Hợp Quốc cho biết 2.104 người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm 1.462 dân thường, nhưng Israel cũng ghi nhận 66 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng.
Bất chấp điều đó, một số người thuộc cánh hữu ở Israel vẫn cho rằng chỉ có hành động quân sự mới giải quyết được tình hình. "Giống như việc cắt cỏ trước nhà, đây là một nhiệm vụ lâu dài và cực nhọc. Nếu không làm vậy, cỏ dại sẽ mọc tràn lan và rắn bắt đầu bò quanh", David Weinberg, chuyên gia thuộc Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nhận định.
Kịch bản quen thuộc tại Gaza xảy ra vào tuần trước, khi lực lượng Hamas không ngừng phóng rocket về phía lãnh thổ Israel. Đáp lại, quân đội Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích dữ dội nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Hamas được cho là đã tiến hành một số thay đổi đáng kể trong chiến thuật những năm gần đây, bao gồm việc phóng rocket tầm xa hơn, nhắm vào Tel Aviv, và tấn công rocket ồ ạt nhằm khiến hệ thống Vòm sắt quá tải. Tình trạng bạo lực lan rộng đến những thị trấn đông người Arab của Israel cũng đặt ra hoài nghi về chiến thuật quân sự tập trung vào Gaza.
Tuy nhiên, Israel dường như vẫn theo đuổi chiến thuật "cắt cỏ" và tin vào hiệu quả của nó. Hôm 14/5, giới chức Israel cho biết hơn 60 máy bay đã đồng loạt tấn công hơn 150 mục tiêu dưới lòng đất ở phía bắc Dải Gaza. Theo phát ngôn viên quân đội Israel Hidai Zilberman, họ cũng đang nhắm đến các chỉ huy cấp cao của Hamas.
"Các đòn tấn công khiến Hamas trở nên vô cùng xáo trộn. Chúng tôi nhận thấy điều đó trong hành vi của họ. Các hoạt động đã vội vã hơn nhiều", Zilberman nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)