Tên lửa Israel ngày 14/5 lao vào một căn hộ của người Palestine, khiến 8 trẻ em và hai phụ nữ thiệt mạng khi họ đang kỷ niệm ngày lễ lớn của người Hồi giáo. Đây là một trong những đòn tấn công đẫm máu nhất trong cuộc chiến đã kéo dài một tuần giữa Israel và các chiến binh Palestine.
Israel cho biết cuộc tấn công nói trên thực chất nhắm mục tiêu vào chỉ huy cấp cao của Hamas. Các bác sĩ người Palestine bước qua đống đổ nát bao gồm đồ chơi của trẻ em, bộ cờ tỷ phú, đưa các nạn nhân ra khỏi tòa nhà đã bị nghiền thành bột. Người sống sót duy nhất là một em bé sơ sinh.
"Họ không cầm vũ khí, không bắn tên lửa và không gây hại cho bất kỳ ai", cha của cậu bé Mohammed al-Hadidi nói. "Ôi, con ơi", anh nói khi nắm tay con trong bệnh viện.
Dân thường đang chịu tổn thất nặng nề trong xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, đặt ra những câu hỏi về cách áp dụng luật chiến tranh với cuộc xung đột này: hành động quân sự nào là hợp pháp, tội ác chiến tranh nào đang được thực hiện và ai, hay liệu có ai, phải chịu trách nhiệm hay không.
Theo giới chuyên gia, cả hai bên đều phạm luật: Hamas đã bắn hơn 3.000 quả rocket về phía các thành phố, thị trấn của Israel và đây rõ ràng là tội ác chiến tranh. Còn Israel, mặc dù nói rằng họ thực hiện các biện pháp để tránh thương vong cho dân thường, đã khiến Gaza hứng chịu những đợt ném bom dữ dội, giết các gia đình và san phẳng các tòa nhà, có thể cấu thành hành vi sử dụng vũ lực đáp trả không cân xứng và đây cũng là tội ác chiến tranh.
Trong đòn tấn công đẫm máu nhất, Israel không kích vào các tòa nhà ở thành phố Gaza hôm 16/5, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, trong đó có 10 trẻ em, các quan chức Palestine cho biết.
Trong tình hình chiến sự sục sôi hiện tại, chưa thể có sự phân xử pháp lý nào diễn ra. Nhưng có một số sự thật rõ ràng: Các cuộc không kích và pháo kích của Israel vào Gaza, vùng đất nghèo và đông đúc với hai triệu người, tuần qua đã giết ít nhất 197 người Palestine, trong đó có 92 phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, tên lửa Hamas đã dội xuống các thị trấn và thành phố của Israel, gieo rắc nỗi sợ hãi và giết ít nhất 10 người Israel, trong đó có hai trẻ em - con số thiệt hại lớn hơn so với cuộc chiến kéo dài hơn 7 tuần năm 2014. Nạn nhân mới nhất là một người đàn ông 55 tuổi tại ngoại ô Tel Aviv, chết hôm 15/5 sau khi bị mảnh tên lửa găm vào. Một binh sĩ Israel cũng thiệt mạng.
Không bên nào có khả năng giành chiến thắng rõ ràng, cuộc xung đột dường như bị khóa trong một vòng đổ máu vô tận. Vì vậy, thương vong dân sự hiện là vấn đề được tập trung hơn bao giờ hết.
"Những lập luận của hai bên xoay quanh thương vong dân sự có tầm quan trọng lớn hơn bình thường, thậm chí có thể lớn hơn cả những con số thương vong, bởi vì nó liên quan đến vấn đề đạo đức của hai bên", Dapo Akande, giáo sư công pháp quốc tế tại trường Chính phủ Blavatnik thuộc Đại học Oxford, Anh, nhận xét.
Mặc dù Hamas bắn tên lửa vào các thành phố của Israel với tốc độ chóng mặt, đôi khi hơn 100 tên lửa cùng một lúc, nhưng phần lớn đều bị hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel đánh chặn hoặc rơi xuống bên trong Gaza, dẫn đến số người chết tương đối thấp.
Israel đôi khi cảnh báo cư dân Gaza sơ tán trước khi không kích và Israel nói rằng họ đã hủy các cuộc không kích để tránh thương vong cho dân thường. Nhưng việc sử dụng pháo binh và không kích để tấn công một khu vực dân cư đông đúc và được bảo vệ kém, đã dẫn đến số người chết cao gấp 20 lần thiệt hại về người do Hamas gây ra và 1.235 người bị thương.
Máy bay chiến đấu của Israel cũng phá hủy 4 tòa nhà cao tầng ở Gaza mà họ nói rằng đã được Hamas sử dụng. Nhưng những tòa nhà đó còn bao gồm nhà và văn phòng của các tổ chức truyền thông báo chí địa phương và quốc tế, gây ra thiệt hại kinh tế to lớn.
Luật chiến tranh - tập hợp các hiệp ước quốc tế và luật bất thành văn, còn được gọi là luật nhân đạo quốc tế - điều chỉnh hành vi của những bên tham chiến. Bản thân việc giết dân thường không phải là bất hợp pháp, nhưng các chiến binh phải tuân thủ các nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi, giáo sư Akande nói.
Điều quan trọng nhất là phải phân biệt giữa các mục tiêu dân sự và quân sự. Sau đó, họ phải cân nhắc giữa lợi thế quân sự thu được từ bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào so với thiệt hại dân thường mà nó sẽ gây ra. Khi tấn công, các chiến binh phải thực hiện tất cả biện pháp phòng ngừa hợp lý để hạn chế bất kỳ thiệt hại nào về dân sự, ông nói thêm.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi áp dụng những nguyên tắc đó ở một nơi như Gaza là chuyện rất dễ gây tranh cãi.
Các quan chức Israel cho biết họ buộc phải tấn công các ngôi nhà và văn phòng vì đó là nơi các chiến binh Hamas sinh sống và chiến đấu, sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Họ lập luận rằng Hamas phải chịu trách nhiệm về thương vong dân sự trong các cuộc không kích, vì Hamas đã bắn rocket vào Israel từ các địa điểm gần trường học, văn phòng và nhà ở.
Trong một tuyên bố về vụ tấn công hôm 14/5 khiến 10 thành viên trong một gia đình thiệt mạng, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã "tấn công một số quan chức cấp cao của tổ chức khủng bố Hamas, trong một căn hộ được sử dụng làm cơ sở hạ tầng khủng bố tại khu vực trại tị nạn Al-Shati".
Tuy nhiên, hàng xóm của gia đình cho biết không quan chức Hamas nào có mặt tại thời điểm vụ tấn công xảy ra. Các nhóm nhân quyền thì nói rằng Israel thường xuyên vi phạm luật chiến tranh. Omar Shakir, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Israel nói: "Họ coi thường mạng sống dân thường, dường như do đã tránh bị quy trách nhiệm trong nhiều thập kỷ".
Shakir cho biết mối quan hệ liên minh của Israel với Mỹ, bên hỗ trợ quân sự cho nước này 3,8 tỷ USD mỗi năm và cũng hỗ trợ về mặt ngoại giao, đã giúp họ tránh bị quốc tế chỉ trích nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ. Hôm 15/5, Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định "sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền tự vệ của Israel".
Công tố viên hàng đầu của Tòa án Hình sự Quốc tế Fatou Bensouda hồi tháng hai đã thông báo điều tra về các hành vi có thể coi là tội ác chiến tranh của cả Hamas và binh sĩ Israel. Hôm 14/5, ông cảnh báo rằng hai bên có thể là đối tượng truy tố trong tương lai. "Đây là những sự kiện mà chúng tôi đang xem xét rất nghiêm túc", công tố viên nói.
Nhưng cả Mỹ và Israel và Israel đều không công nhận tòa án hình sự này. Tòa còn phải đối mặt với một loạt các trở ngại về chính trị, hậu cần và có thể mất nhiều năm để đưa bất kỳ người Israel hoặc người Palestine nào ra xét xử.
Các cơ quan khác đã đưa ra những kết luận về các đợt giao tranh trước đó. Trong một báo cáo được công bố vào năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá Israel dường như đã phạm luật chiến tranh khi giết 11 dân thường trong một đợt bùng phát căng thẳng ở Gaza tháng 11/2019. Các tay súng Palestine, bên đã bắn hàng trăm quả rocket vào Israel vào thời điểm đó, cũng vi phạm luật chiến tranh, báo cáo kết luận.
Phát ngôn viên lực lượng vũ trang Israel Jonathan Conricus không đáp ứng yêu cầu bình luận. Nhưng Lior Haiat, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel, nói rằng Israel đã làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường và thủ phạm thực sự là Hamas. "Mỗi tên lửa phóng từ Dải Gaza đến Israel đều là một cuộc tấn công khủng bố", Haiat nói. "Không chỉ vậy, mỗi tên lửa cũng là một tội ác chiến tranh".
Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman từng nói "Lực lượng Phòng vệ Israel là đội quân đạo đức nhất thế giới". Nhưng một số binh sĩ Israel không đồng ý.
Báo cáo của tổ chức cựu binh cánh tả Breaking the Silence, về hoạt động của quân đội Israel trong cuộc chiến lớn cuối cùng chống lại Hamas năm 2014, đã cáo buộc các chỉ huy Israel dung túng cho những hành vi "tàn bạo và phi đạo đức", khuyến khích binh sĩ hành xử hung hăng đối với dân thường Palestine.
Giám đốc điều hành của nhóm Avner Gvaryahu nói rằng quân đội Israel không cố ý giết dân thường nhưng họ thường sử dụng vũ lực không tương xứng. Ông chỉ ra pháo binh Israel gần đây tấn công các mục tiêu bằng những loại đạn có thể giết bất kỳ ai trong bán kính lên đến 150 m hoặc gần 500 m. "Điều đó càng nói lên thực tế là chúng ta không làm hết sức để ngăn chặn thương vong dân thường", Gvaryahu bình luận.
Những người khác phản bác quan điểm của Israel rằng Hamas phải chịu trách nhiệm cho thương vong của dân thường vì họ đã bắn rocket từ các khu dân cư. Ở một nơi đông dân cư như Gaza, "hầu như không có cách nào để chiến đấu mà không khiến dân thường gặp nguy hiểm", Nathan Thrall, tác giả của một cuốn sách về Israel và Palestine, cho biết.
Thrall còn chỉ ra trụ sở của Lực lượng Phòng vệ Israel nằm trong một khu dân cư của Tel Aviv, cạnh một bệnh viện và một bảo tàng nghệ thuật.
Các nhà nghiên cứu nhân quyền cho biết Hamas kiểm soát chặt chẽ thông tin về dân thường thiệt mạng ở Gaza để che giấu những mất mát và thất bại. Mặc dù việc cơ quan y tế Palestine nói rằng 197 người đã chết trong tuần qua nhìn chung là chính xác, giới chuyên gia đánh giá Hamas sẽ không cho biết có bao nhiêu người thiệt mạng là dân quân hay chết kiểu họa vô đơn chí là bị trúng tên lửa Hamas rơi và phát nổ bên trong Gaza.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2019, ít nhất hai tên lửa Palestine đã rơi bên trong Gaza, khiến một dân thường thiệt mạng và 16 người bị thương.
"Có lẽ bi kịch lớn nhất về cái chết của dân thường là họ đã trở thành một cách để những kẻ hiếu chiến thể hiện sức mạnh trước khi đi đến một lệnh ngừng bắn", Adil Haque, giáo sư chuyên về luật quốc tế và xung đột vũ trang tại Trường Luật Rutgers, nói.
"Dân thường bị mắc kẹt giữa hai bên", ông nhận xét. "Hamas muốn chứng tỏ rằng họ có thể trụ vững trước đòn tấn công dữ dội của Israel, còn Israel muốn chứng tỏ họ là bên mạnh hơn".
"Cả hai bên đều có thể dừng lại nếu họ muốn", ông nói thêm. "Nhưng cả hai đều không sẵn sàng dừng lại trước".
Phương Vũ (Theo NYTimes)