Tương tự chiến dịch tranh cử khác thường do ảnh hưởng của Covid-19, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ không giống bất kỳ buổi lễ tuyên thệ nào của lãnh đạo nước Mỹ trong lịch sử hiện đại. Một số đề xuất đã được nêu trong các cuộc thảo luận bao gồm yêu cầu những người tham dự đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, hay xét nghiệm nCoV cho những người dự kiến tiếp xúc gần với Biden.
Bữa tiệc trưa truyền thống sau lễ tuyên thệ nhậm chức, thường được tổ chức tại Hội trường Statuary thuộc Tòa nhà Quốc hội, cùng hoạt động khiêu vũ có thể bị hủy. Đám đông dự lễ nhậm chức và những sự kiện liên quan có khả năng bị hạn chế đáng kể.
Suốt quá trình tranh cử, Biden đã tuân thủ các hướng dẫn y tế nhằm kiểm soát đại dịch. Đây dường như cũng là điều ông muốn thể hiện với người dân vào "buổi bình minh" nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, điều này lại khiến một mục tiêu cấp thiết khác trở nên phức tạp, là phải mang lại cảm giác trang trọng như những lễ nhậm chức tổng thống trước đây.
Nhiệm vụ này thậm chí quan trọng hơn trong bối cảnh Biden phải thiết lập được tính chính danh trước nỗ lực bài xích của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ý nghĩa biểu tượng của chuyển giao quyền lực trong hòa bình, các trợ lý của Biden còn coi lễ nhậm chức là dịp để "giải tỏa cảm xúc" cho những người phản đối Trump, vừa là cơ hội cố gắng đoàn kết đất nước.
"Mọi thứ sẽ không giống những lễ nhậm chức trước đây, và tôi nghĩ Biden sẽ không che giấu điều đó. Theo tôi, ông ấy sẽ không cố gắng tô hồng tình hình đất nước khi nhậm chức, bởi như vậy là cố gắng xoa dịu dư luận một cách sai lầm", Joan Hoff, giáo sư lịch sử tại Đại học bang Montana, dự đoán.
Một trong những khía cạnh bất thường nhất có thể là sự vắng mặt của Tổng thống Trump. Các cố vấn của Biden cho rằng ông chủ Nhà Trắng sẽ không dự lễ tuyên thệ của người kế nhiệm. Họ gần như không thể hình dung ra bữa tiệc trà truyền thống tại Nhà Trắng, hay việc Trump chụp ảnh chung với Biden vào thời điểm chuyển giao. Suy nghĩ này trùng với dự đoán của giáo sư Hoff.
"Tương tự nhiều chuyện khác, không đời nào Trump chịu tuân thủ hoặc tôn trọng các truyền thống và chuẩn mực, những điều không được quy định thành luật, dù các tổng thống trước đây đều làm theo. Tôi nghĩ Trump không thể dự một buổi lễ mà rõ ràng có ý nghĩa rằng ông ấy đã thất cử", Hoff nêu ý kiến. Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.
Đội ngũ cố vấn của Biden được cho là sẽ dựa vào hội nghị của đảng Dân chủ làm khuôn mẫu cho lễ nhậm chức, trong đó một sự kiện đông người gần như được chuyển hoàn toàn thành hình thức trực tuyến, dù lễ nhậm chức đại diện cho một nỗ lực rộng lớn hơn nhiều, không chỉ hướng đến những người ủng hộ Biden, mà còn dành cho đám đông đứng về phía Trump.
Ngay cả khi lễ tuyên thệ được tiến hành trực tiếp, một số sự kiện bên lề có khả năng chủ yếu là qua trực tuyến. Paddy Moloney, một trong những người sáng lập ban nhạc Chieftains của Ireland, gần đây tiết lộ Biden đã mời họ đến chơi nhạc trong các sự kiện, nhưng chưa rõ họ sẽ biểu diễn trực tiếp trước khán giả hay trực tuyến.
"Chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Rõ ràng đây sẽ không phải kiểu lễ nhậm chức như chúng ta từng thấy trước đây", Ron Klain, người được Biden bổ nhiệm làm chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, cho biết hôm 22/11, nói thêm rằng họ đã bắt đầu thảo luận với các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện về cách thức tổ chức sự kiện.
Theo mô tả của Klain, lễ nhậm chức dự kiến kết hợp giữa một số kỹ thuật phát trực tuyến, mà nhóm của Biden từng dùng trong hội nghị đảng Dân chủ, cùng "phiên bản thu hẹp của những truyền thống hiện có". "Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng tổ chức một lễ nhậm chức tôn vinh tầm quan trọng và tính biểu tượng của sự kiện, nhưng đảm bảo không khiến virus lây lan", ông nói.
Bất chấp những thay đổi, đội ngũ của Biden được cho là vẫn muốn tận dụng nguồn năng lượng mà đông đảo người dân đã thể hiện sau khi truyền thông tuyên bố Biden đắc cử tổng thống Mỹ, với những bữa tiệc bùng nổ trên đường phố hay màn trình diễn ánh sáng ở Wilmington, bang Delaware.
Đám đông được dự đoán sẽ đổ về thủ đô Washington dù đội ngũ của Biden lên kế hoạch thế nào. Thay vì để họ dồn về Quảng trường Quốc gia đối diện Tòa nhà Quốc hội, phương án được đưa ra là đề nghị người dân di chuyển xa hơn, tập trung dọc theo tuyến đường diễu hành trên Đại lộ Pennsylvania từ Tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng.
"Có nhiều cách tổ chức. Điều quan trọng nhất là vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo ra tiếng nói chung cho quốc gia, tránh làm bất cứ điều gì thiếu trách nhiệm", Steve Kerrigan, người từng điều hành hai lễ nhậm chức của cựu tổng thống Barack Obama, cho biết.
"Tôi là bạn và ủng hộ Biden kể từ giữa những năm 1990. Tôi không mong gì hơn một lễ nhậm chức tuyệt vời và đông đúc mà ông ấy xứng đáng nhận được. Tuy nhiên, viễn cảnh đó sẽ không xảy ra, bởi lễ nhậm chức của Biden nhằm thể hiện sự lãnh đạo và làm gương cho công chúng Mỹ", Kerrigan nói thêm.
Biden chưa chỉ định một Ủy ban Nhậm chức Tổng thống, nhóm giúp lên kế hoạch tổ chức các sự kiện bên lề lễ tuyên thệ. Trong khi đó, các nghị sĩ quốc hội đã họp nhiều tháng để chuẩn bị cho sự kiện. Chưa rõ các cựu tổng thống sẽ tham dự hay chỉ chứng kiến lễ nhậm chức từ xa, bởi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người phát ngôn của George W. Bush, Jimmy Carter và Obama đều chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Theo truyền thống, Chánh án Tòa Tối cao Mỹ sẽ chủ trì nghi thức tuyên thệ tại lễ nhậm chức, nhưng năm nay điều này cũng chưa được làm rõ. Chánh án John Roberts tỏ ra thận trọng với đại dịch, khi các cuộc họp của Tòa án Tối cao đã sớm chuyển sang hình thức trực tuyến. Ông cũng không dự sự kiện tuyên thệ tại Nhà Trắng của thẩm phán mới Amy Coney Barrett, mà chỉ tham gia một buổi lễ riêng.
Bất chấp khó khăn do đại dịch, các cố vấn và đồng minh của Biden vẫn hy vọng vào sự thành công của lễ nhậm chức, dù quy mô có lẽ nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Karine Jean-Pierre, một trong những cố vấn hàng đầu của chiến dịch, cho biết một bữa tiệc thực sự có lẽ sẽ không được tổ chức tại lễ nhậm chức.
"Tôi nghĩ chúng ta có thể phải giãn cách xã hội. Nhưng dù giãn cách hay ở cùng nhau, đó vẫn sẽ là một bữa tiệc tuyệt vời. Hãy đeo khẩu trang và rửa tay", Jean-Pierre nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)