Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã ngã ngũ với 306 phiếu đại cử tri cho Joe Biden, vượt xa đối thủ Donald Trump, người giành được 232 phiếu. Kết quả này được giới chức bầu cử, các học giả pháp lý, truyền thông và lãnh đạo thế giới công nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump kiên quyết không nhận thua, thậm chí còn cùng các đồng minh và những người ủng hộ ông cáo buộc phe Dân chủ đã "đánh cắp cuộc bầu cử" bằng hành vi gian lận trên diện rộng.
Dù Trump không đưa ra bằng chứng thuyết phục nào cho các cáo buộc này, đồng thời khó có khả năng đảo ngược chiến thắng của Biden, những cáo buộc, tranh cãi mà ông thổi bùng lên trong lòng nước Mỹ được cho là sẽ phủ bóng lên chính quyền sắp tới của Biden, trong bối cảnh họ phải đoàn kết đất nước nhằm chống lại đại dịch Covid-19 đang được ví như trận "bão lửa" càn quét nước này.
"Nếu Trump tiếp tục nói rằng cuộc bầu cử là gian lận và bị đánh cắp, có khả năng một bộ phận đáng kể cử tri ủng hộ ông ấy sẽ cảm thấy người kế nhiệm thực sự là kẻ cướp ngôi và chính quyền mới là bất hợp pháp", David Smith, giáo sư xã hội học tại Đại học Kansas, nhận định. "Đó không phải tín hiệu tốt cho mục tiêu hàn gắn bất đồng".
4 năm trước, Trump được coi là "ngựa ô" trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhờ quan điểm chống nhập cư bất hợp pháp và các chính sách dân túy. Chiến thắng của ông trùm bất động sản không có kinh nghiệm chính trị nào được coi là một bất ngờ với giới phân tích, nhưng điều ấn tượng là sự ủng hộ dành cho ông có xu hướng ngày càng vững chắc, Smith cho hay.
Mặc dù Biden giành được số phiếu phổ thông cao nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, tính tới ngày 12/11 là hơn 77 triệu phiếu, Trump cũng giành được hơn 72 triệu phiếu, cao hơn 10 triệu so với thành tích hồi năm 2016 của ông.
Bất chấp dự đoán rằng sự ủng hộ dành cho Trump trong nhóm cử tri phụ nữ da trắng và người cao tuổi năm nay sụt giảm mạnh, giáo sư Smith cho rằng "không có nhiều bằng chứng cho thấy nó đã suy yếu". Theo nghiên cứu của chuyên gia này, đông đảo cử tri đứng về phía Trump không hẳn vì các vấn đề truyền thống như kinh tế, mà dựa trên những quan điểm của Tổng thống Mỹ.
Nhận xét này tương đồng với một hiện tượng từng được đề cập bởi Myiah Hutchens, học giả về truyền thông chính trị tại Đại học Florida, trong đó "chính trị đang ngày càng gắn liền với bản sắc xã hội".
"Quan niệm cho rằng chính trị là cuộc đối đầu giữa 'chúng ta và họ' đang ngày càng tăng lên", Hutchens nói.
Theo nghiên cứu của AP, dựa trên khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia thuộc Đại học Chicago, những người ủng hộ Trump hồi năm 2016 chủ yếu là đàn ông da trắng, cử tri da trắng không có bằng đại học, cư dân tại những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn.
Biden nhận được sự ủng hộ từ phụ nữ, người có bằng đại học, thanh niên, người da màu, người gốc Mỹ Latinh và châu Á. Tuy nhiên, Trump được cho là đã chiếm được cảm tình của một bộ phận trong cộng đồng người da màu và gốc Latinh, theo so sánh giữa hai cuộc thăm dò năm 2016 và 2020 của Edison Research.
"Dữ liệu dường như chứng minh Trump đã làm tốt hơn trong việc thu hút cử tri da màu so với những đánh giá suốt quá trình tranh cử", Maresa Strano, nhà phân tích chính sách của nhóm cố vấn New America tại Washington, nhận định. Theo chuyên gia này, nhìn chung việc Tổng thống Mỹ tập hợp được đông đảo cử tri chỉ ra một điều rằng "chủ nghĩa Trump sẽ tiếp tục tồn tại" ngay cả khi ông rời Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, việc Trump kiên quyết từ chối nhận thua, tiến hành kiện tụng khắp nơi và kêu gọi kiểm phiếu lại ở nhiều bang chiến trường được cho là cũng cản trở nỗ lực đoàn kết đất nước của chính quyền Biden trong tương lai.
"Tôi đã thắng cuộc bầu cử, nhận được 71 triệu phiếu bầu hợp pháp. Những chuyện tồi tệ đã xảy ra, trong khi các giám sát viên của chúng tôi không được phép chứng kiến. Đây là việc chưa từng có tiền lệ. Hàng triệu phiếu bầu qua thư đã được gửi đến những người không hề yêu cầu chúng", Trump viết trên Twitter hôm 7/11. Bài đăng này bị Twitter gắn cảnh báo "vấn đề đang gây tranh cãi", tương tự hàng loạt tweet khác của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, những tuyên bố của Trump lại được lan truyền trên không gian mạng, có vô số trang tin chính trị cực đoan và thuyết âm mưu được nhiều người tin tưởng hơn cả các hãng thông tấn uy tín. Do đó, những tin giả nhằm chứng minh các cáo buộc của Trump lan truyền ngày càng mạnh mẽ.
"Chúng ta đang rơi vào tình huống có rất nhiều 'sự thật' cùng tồn tại, và mỗi 'sự thật' lại có hệ sinh thái tin tức riêng, nơi cung cấp tất cả thông tin cần thiết để chứng minh sự việc mà không bị kiểm chứng", Rachel Moran, chuyên gia truyền thông tại Đại học Washington, cho biết.
Moran nêu ví dụ về một bức ảnh cho thấy phiếu bầu năm 2020 bị bỏ vào thùng rác được nhiều trang tin bảo thủ chia sẻ, các bình luận viên và người có tầm ảnh hưởng lấy về rồi lan truyền rộng hơn nữa. Sau quá trình kiểm chứng thông tin, "những lá phiếu" trong bức ảnh được xác định là phong bì đựng phiếu bầu từ năm 2018 và được vứt bỏ một cách hợp lệ. Tuy nhiên, tin giả về "phiếu bầu bị vứt" vẫn tiếp tục được phát tán.
Nhóm cực hữu QAnon còn lan truyền một thuyết âm mưu rằng Trump đang chống lại một "nhà nước ngầm" gồm những chính trị gia quyền lực chuyên lạm dụng tình dục trẻ em và tôn thờ quỷ Satan. Họ thậm chí còn tuyên bố cuộc bầu cử là chiến dịch bí mật của quân đội nhằm phơi bày sự mục nát của hệ thống chính trị. Moran cho biết những thuyết âm mưu như vậy thường được chú ý hơn trên mạng xã hội so với các kênh tin tức chính thống.
Học giả Hutchens bổ sung thêm rằng tin giả có thể tồn tại ở cả hai phía trong bối cảnh chia rẽ đảng phái, và mọi người thường theo dõi các kênh truyền thông chính trị cực đoan nhiều hơn là trang tin chính thống. Theo khảo sát của Reuters/Ipsos tuần trước, gần như tất cả đảng viên Dân chủ đều nói rằng Biden đã đắc cử, trong khi chỉ 6/10 đảng viên Cộng hòa tin vào điều này.
Nhà phân tích Strano đánh giá "tác động dai dẳng" từ những tuyên bố của Trump và xu hướng tin vào các thuyết âm mưu "chắc chắn" sẽ ảnh hưởng tới công việc của Biden trong Nhà Trắng. "Biden cần đối mặt với những nhóm gồm đông đảo người Mỹ sẽ chối bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 cần thiết", Strano nói.
Nhìn một cách tổng thể hơn, giới chuyên gia nhận định tình huống này liên quan đến việc người dân Mỹ ngày càng mất lòng tin vào chính quyền. Trump đã củng cố quan niệm này khi liên tục cáo buộc truyền thông đưa tin giả, lên tiếng chống lại "nhà nước ngầm" được cho là ẩn mình trong chính phủ, hay đặt bản thân vào thế đối đầu với các nhà khoa học trong quá trình xử lý Covid-19.
Smith lấy ví dụ về việc nhiều người Mỹ không tin lời khuyên từ giới chuyên gia về các biện pháp ngăn chặn nCoV lây lan, như đeo khẩu trang. "Không phải là họ không tin vào sự thật và khoa học, mà là họ đã vô cùng mất lòng tin vào các tổ chức, cũng như những chuyên gia mà họ cho rằng đang cố gắng thao túng họ", giáo sư xã hội học giải thích.
"Điều này vượt ra khỏi ranh giới của việc không tin tưởng phía bên kia, mà còn là sự hoài nghi bất cứ tổ chức nào đồng quan điểm với phe đó. Tình trạng này đang ăn sâu bám rễ", Smith nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)