Joe Biden, người được truyền thông Mỹ công bố là tổng thống đắc cử, đã điện đàm với nhiều lãnh đạo các nước đồng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đêm 11/11, theo giờ phương Đông, nhấn mạnh về cam kết củng cố liên minh song phương với mỗi nước, theo bản ghi các cuộc gọi.
Giới chuyên gia cho biết mối đe dọa của Trung Quốc không được đề cập trực tiếp trong các cuộc điện đàm, nhưng ẩn hiện trong các trao đổi với Nhật Bản.
"Tổng thống đắc cử nhấn mạnh rằng ông sẽ bảo vệ các cam kết giữa Mỹ và Nhật Bản theo Điều 5", nhóm của ông Biden nhắc tới Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, trong đó Washington cam kết đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào Tokyo.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga còn cho biết tổng thống đắc cử Biden đã đưa ra "cam kết" rằng Điều 5 sẽ bao gồm cuộc tấn công vào quần đảo Senkaku, nhóm đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Quan chức Nhật Bản cho rằng việc Biden đề cập tới vấn đề quần đảo Senkaku là tín hiệu tích cực cho quốc gia này. Nó nhắc lại cam kết rõ ràng từng được tổng thống Barack Obama đưa ra năm 2014.
"Với Nhật Bản, điều đó được đón nhận với cảm giác nhẹ nhõm", Tetsuo Kotani, giáo sư Đại học Meikai, lưu ý hai lãnh đạo cũng thống nhất hợp tác về an ninh trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ sớm gặp nhau. "Tôi nghĩ cuộc điện đàm này gần như là kết quả hoàn hảo dành cho Nhật Bản".
Narushige Michishita, giáo sư tại Viện sau đại học về Nghiên cứu chính sách ở Tokyo, hoan nghênh cam kết của ông Biden. Tuy nhiên, ông thêm rằng việc mỗi tân tổng thống Mỹ phải lặp lại cùng một cam kết bảo vệ Nhật Bản và quần đảo Senkaku là dấu hiệu đáng quan ngại về mối quan hệ hai nước.
"Chúng ta không cần tiếp tục làm điều này nếu cam kết bảo vệ Senkaku của Mỹ thực sự đáng tin cậy", ông nói.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông cam kết về mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng yêu cầu cả hai nước phải chi ngân sách quốc phòng nhiều hơn cho quân Mỹ đồn trú tại đây. Tổng thống Trump cũng nổi tiếng vì có lập trường cứng rắn với Trung Quốc hơn Obama, đồng thời việc can thiệp vào vấn đề Triều Tiên cũng giúp Trump lấy được cảm tình của Seoul. Tuy nhiên, tính khí của ông cũng khiến nhiều đồng minh phải kiêng dè.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Biden nói trông đợi hợp tác với Seoul để cùng giải quyết các thách thức chung, "từ Triều Tiên tới biến đổi khí hậu".
Nhà Xanh cho biết Biden hứa hẹn "hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên", nhưng không đề cập tới Trung Quốc trong cuộc điện đàm của hai lãnh đạo.
Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, hoan nghênh cam kết của Biden, nhưng bày tỏ lo ngại rằng tiến trình ngoại giao với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục bị đình trệ trong 4 năm nhiệm kỳ của ông.
So sánh với Trump, nhiều người ở châu Á vẫn kỳ vọng một chính quyền ổn định hơn dưới thời Biden. "Điều tuyệt vời là chúng tôi sẽ không còn một tổng thống khó đoán và bất ổn nữa kể từ tháng 1 năm sau", Michishita nói dù lưu ý rằng bất đồng quan điểm giữa hai nước có thể vẫn xảy ra.
Các cuộc điện đàm của Biden với lãnh đạo đồng minh diễn ra ngay sau khi Trung Quốc ngày 11/11 thông qua nghị quyết cho phép giới chức Hong Kong bãi nhiệm nghị sĩ. Bốn nghị sĩ đối lập Hong Kong đã bị mất ghế ngay lập tức.
Chongyi Feng, phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ ở Sydney, nói rằng động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn củng cố vị thế, giữa lúc nhiều nước trên thế giới vẫn chật vật với cuộc chiến ngăn đại dịch và Mỹ đang "phân tâm" vì bầu cử.
Trong khi đó, tàu tuần duyên của Trung Quốc cũng gây sức ép ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khi xuất hiện ở vùng biển này gần như mỗi ngày trong năm nay.
Phó giáo sư Feng nói rằng chính phủ Trung Quốc nhận ra đây là thời cơ chiến lược, nhưng vẫn rất thận trọng bởi Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, như nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Gần một tuần sau bầu cử Mỹ, Trung Quốc gửi lời chúc mừng chiến thắng tới Biden, động thái được đánh giá khá muộn so với nhiều quốc gia khác. Trong cuộc họp báo hôm 9/11, khi được hỏi tại sao Bắc Kinh chưa chúc mừng chiến thắng của Biden, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết nước này sẽ tuân theo thông lệ quốc tế về bầu cử Mỹ.
Victor Gao, giáo sư tại Đại học Soochow, Trung Quốc và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nhận định bước đi này là "cẩn trọng, khôn ngoan và đúng về mặt pháp lý", dù cho biết nhiều quan chức nước này hy vọng chính quyền Biden sẽ mang tới nhiều cải thiện trong quan hệ Mỹ - Trung.
"Trung Quốc không muốn quá hấp tấp. Đây là một biện pháp phòng ngừa", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)