Joe Biden từng cam kết đảo ngược nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump và đưa Mỹ trở lại vai trò "anh cả" trên vũ đài quốc tế nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Với việc vượt qua 270 phiếu đại cử tri cần có để đắc cử, một nhiệm kỳ bốn năm trong Nhà Trắng đã trở nên rõ ràng đối với địa diện của đảng Dân chủ.
Bên cạnh những cam kết mà Biden đưa ra những tháng gần đây, như đưa Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Trump, chính sách đối ngoại của Biden dự kiến có nhiều thay đổi trong mối quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính sách với Trung Quốc có lẽ nằm trong những vấn đề quan trọng nhất của chính quyền ông Biden về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia nhận định lập trường của Biden với quốc gia châu Á này sẽ tương đồng với Trump nhiều hơn với cựu tổng thống Barack Obama. Chiến dịch của Biden cũng từng nói rằng khi trở thành tổng thống, ông sẽ dẫn dắt Mỹ "chiến thắng" trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao, đồng thời là người phụ trách về Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết ông mong đợi "chính sách kết hợp giữa hợp tác và gây áp lực" nhưng sẽ có sự phối hợp nhiều hơn với các chính phủ khác dưới thời Biden.
Kennedy thêm rằng ông Biden có thể sử dụng một số chiến thuật của chính quyền Trump, như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng thực hiện theo một cách khác.
"Mọi người nên hiểu rằng chính sách của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ những điều Trung Quốc làm", ông nói. "Nếu Trung Quốc tiếp tục các chính sách hiện nay, với kế hoạch 5 năm mới và kế hoạch 15 năm về khoa học - công nghệ, chiến lược đó sẽ dẫn tới các phản ứng tiêu cực từ Mỹ và nhiều quốc gia khác".
Biden cũng từng nói rằng ông sẽ làm việc với các đồng minh Mỹ để gây áp lực tập thể lên Bắc Kinh.
"Tôi nghĩ chính quyền Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh. Biden sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng đòn thuế quan", Edward Alden, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chuyên về thương mại, nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa các thuế quan có thể được dỡ bỏ ngay".
Hầu hết chuyên gia tin rằng cạnh tranh Mỹ - Trung là điều tất yếu, nhưng cách chính quyền Mỹ xử lý nó là chìa khóa thúc đẩy những thay đổi tích cực trong mối quan hệ này.
Clayton Dube, giám đốc Viện Mỹ - Trung tại Đại học Southern California, nói rằng cách tiếp cận thành công cần được dựa trên "khuôn khổ thực tế" và Mỹ không nên "tốn thời gian vào những điều không thể", như việc yêu cầu chính quyền Trung Quốc thay đổi.
Bằng cách hợp tác với các đồng minh thân cận và cho Bắc Kinh thấy "thay đổi sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và không thay đổi sẽ chỉ có hại", lãnh đạo Mỹ có thể khiến Bắc Kinh đồng ý với các điều khoản của Washington, theo Dube.
Ngoài cuộc đối đầu với Trung Quốc, Biển Đông có lẽ là một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của chính quyền Biden trong chính sách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2016, trong chuyến thăm Australia, Biden từng cam kết rằng Mỹ sẽ "đảm bảo các tuyến đường biển được an toàn và bầu trời rộng mở". "Tôi đảm bảo với bạn rằng Mỹ sẽ không đi đâu cả. Mỹ sẽ luôn có mặt ở Thái Bình Dương", ông nói.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, Biden luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các liên minh với Mỹ nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo của quốc gia này. Và đối với vấn đề Biển Đông, điều này có nghĩa Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn với các quốc gia Đông Nam Á.
Cách tiếp cận của Biden không chỉ tập trung vào "khía cạnh đối đầu trong chính sách với Trung Quốc", mà còn là "tìm cách giải quyết các vấn đề quan tâm của đồng minh và đối tác trong khu vực", đồng thời "cố gắng tạo cơ hội cho cạnh tranh Mỹ - Trung", theo Patrick Cronin, người phụ trách vấn đề An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson ở Washington.
Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama và hiện làm việc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nói rằng Biden sẽ có các động thái nhằm tránh leo thang căng thẳng quân sự do thông tin sai lệch.
"Nhưng điểm khác nhau quan trọng khi Biden đắc cử là chúng tôi sẽ một tổng thống đặt ra chính sách này", Russel nói. Ông thêm rằng các hành động của Mỹ ở Biển Đông vài năm gần đây, như đảm bảo tự do hàng hải, không do Trump đề xuất, mà do các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.
"Chúng tôi sẽ có chiến lược an ninh quốc gia mà không chỉ bao gồm việc gửi chiến hạm", ông nói. Nó sẽ bao gồm ngoại giao, hợp tác và tham gia với ASEAN cùng các diễn đàn khu vực".
Trong bài phân tích trên Diplomat, biên tập viên Sebastian Strangio nhận định cách tiếp cận Đông Nam Á của chính quyền Trump đã "không mạch lạc". Nhiều chức vụ ngoại giao chuyên trách khu vực này cũng bị bỏ trống.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ giải quyết các vấn đề thiếu sót này. Là thành viên lâu năm của Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện, Biden cam kết sẽ cải tổ Bộ Ngoại giao. Trong chính sách về châu Á, Biden sẽ đưa ra một phiên bản cập nhật và cứng rắn hơn chính sách "tái cân bằng" và "xoay trục" dưới thời cựu tổng thống Obama, theo đó coi trọng các lợi ích khu vực hơn.
Anthony Blinken, cố vấn cấp cao của Biden, hứa hẹn "Tổng thống Biden sẽ có mặt và hợp tác với ASEAN trong nhiều vấn đề quan trọng.".
Ngoại giao nhiều hơn không đồng nghĩa nó sẽ hiệu quả hơn, nhưng ít nhất nó sẽ đảm bảo rằng chính sách của Mỹ sẽ được xây dựng chặt chẽ hơn, với thông điệp đáng tin cậy hơn đối với các chính phủ Đông Nam Á.
Thanh Tâm (Theo Diplomat, Nikkei Asia)