Biden đã đệ trình một kế hoạch cải cách chính sách nhập cư lên quốc hội và ông cũng tham vọng thúc đẩy nhiều chương trình nghị sự khác từ biến đổi khí hậu đến công bằng sắc tộc.
Giới chuyên gia cho rằng như đa số tổng thống Mỹ khác, Biden đặt ra hàng loạt mục tiêu nhằm thiết lập đòn bẩy chính trị ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ nhằm tạo ra tối đa động lực. Tuy nhiên, nguy cơ đặt ra là nếu Biden không thể hoàn thành những mục tiêu tham vọng đề ra, ông có thể khiến các khu vực bầu cử quan trọng thất vọng.
"Chúng ta sẽ cần rất nhiều thứ để có thể hành động trên nhiều mặt trận khác nhau", Brian Deese, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cho biết trong phòng họp báo Nhà Trắng ngày 22/1.
Deese đưa ra quan điểm trên trong bối cảnh gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Biden đề xuất cùng hàng loạt chương trình nghị sự khác đang được gấp rút xúc tiến.
Một số đảng viên Dân chủ lạc quan rằng Tổng thống Biden hoàn toàn có khả năng đạt được những tiến bộ trên diện rộng, qua đó khiến các đối thủ đảng Cộng hòa không thể ngáng đường ông.
"Nếu Biden làm tốt, mọi người sẽ rất thất vọng nếu các đảng viên Cộng hòa trông có vẻ như muốn gây cản trở, đặc biệt là về kinh tế và y tế. Điều đó sẽ thực sự tệ với họ", chiến lược gia đảng Dân chủ Tad Devine cho hay.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện cải cách nhập cư và hàng loạt cải cách khác ngay lập tức", Devine nói thêm. "Nhưng tôi tin rằng hiện tại Biden có một vị thế rất mạnh. Có rất nhiều phiếu bầu ủng hộ cho những gì đảng Dân chủ muốn".
Nỗ lực hiện thực hóa lời hứa tranh cử luôn là điều khiến các tân tổng thống Mỹ đau đáu, song quá chú trọng vào nó dễ khiến họ mắc sai lầm.
Cựu tổng thống Barack Obama từng kiên định với cam kết cải cách y tế trong bối cảnh đất nước phải đối mặt thảm họa kinh tế, kiên trì với tham vọng lớn lao dù các cố vấn khuyên ông nên giải quyết những mục tiêu khiêm tốn hơn. Ông ký Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng vào tháng 3/2010 và sau đó chứng kiến đảng của ông phải chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa kỳ cuối năm đó.
Cựu tổng thống Clinton thậm chí còn tệ hơn. Nỗ lực cải cách y tế năm 1993 của ông không thành công và những tranh cãi khác khiến tiến trình thực hiện các chương trình nghị sự chậm tiến độ. Clinton ban đầu tìm cách chấm dứt lệnh cấm người đồng tính phục vụ trong quân đội nhưng sau đó ra một chính sách khác mang tính thỏa hiệp hơn, yêu cầu không được hỏi những người nộp đơn nhập ngũ về xu hướng giới tính của họ. Việc làm này không thực sự làm hài lòng bất cứ ai.
Phe Cộng hòa cho rằng Biden có thể dễ mắc phải những sai lầm tương tự. Theo chiến lược gia đảng Cộng hòa John Feehery, Tổng thống Biden đang đặt ra quá nhiều mục tiêu. "Ông ấy có lẽ nên hướng mục tiêu nhiều hơn. Biden sẽ gây thất vọng cho vô số người nếu không thể giữ lời hứa", Feehery nhận xét.
Đến nay, Biden đã sử dụng những sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Ông tuyên bố Mỹ sẽ tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, đảo ngược lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi do người tiền nhiệm Donald Trump ban hành và ngừng xây dựng bức tường biên giới, bên cạnh loạt hành động khác.
Nhưng điểm mấu chốt nhất vẫn nằm ở việc ban hành luật và có rất ít dấu hiệu cho thấy đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ ông trước những quyết sách quan trọng.
"Trong ngày đầu tiên của chính quyền Biden, ông ấy đã có một số bước lớn đi sai hướng", lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tuần trước nói và thêm rằng Tổng thống nên nhớ rằng "ông ấy không nợ phe cực tả cuộc bầu cử".
Lệnh cấm kéo dài 60 ngày của Biden đối với hoạt động khoan dầu mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang Mỹ đã bị hơn 30 hạ nghị sĩ Cộng hòa ra thông cáo báo chí chỉ trích, trong đó có cả lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Steve Scalise. Ông gọi kế hoạch này là "cuộc tấn công vào việc làm ngành năng lượng Mỹ".
Tuy nhiên, các nhà hoạt động tự do khẳng định Biden đang làm điều đúng đắn khi cố gắng theo đuổi một chương trình nghị sự toàn diện.
"Chẳng có gì sai trái khi Biden ưu tiên vừa đối phó Covid-19 vừa vực dậy nền kinh tế. Điều đó sẽ giúp giảm số người chết và tăng số người có thể tự hỗ trợ bản thân và giúp đỡ những người khác", Frank Sharry, giám đốc điều hành kiêm người sáng lập America's Voice, tổ chức ủng hộ cải cách nhập cư, bình luận.
Đề xuất chính sách nhập cư của Biden mở ra lộ trình 8 năm để những người đang lưu trú bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Chỉ riêng điều này đã tạo ra rất nhiều áp lực đối với ông bởi nó yêu cầu mọi đảng viên Dân chủ và ít nhất 10 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ tại Thượng viện.
"Tôi không hy vọng các đảng viên Cộng hòa sẽ làm điều gì khác ngoài việc cản trở và mơ ước trở lại nắm quyền. Họ là những người ủng hộ cựu tổng thống Trump", Sharry nói.
Hiện tại, phe Dân chủ đặt cược rằng khả năng đàm phán của Biden, được rèn giũa qua hơn 30 năm hoạt động chính trị, sẽ giúp ông nhanh chóng thúc đẩy các chương trình nghị sự. Nhưng nếu công chúng không tỏ ra hứng thú với bất kỳ điều gì khác ngoài đối phó với đại dịch và vực dậy nền kinh tế, khó khăn sẽ ngay lập tức bủa vây tân Tổng thống Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo Hill)