Sau khi quốc hội Mỹ chính thức chứng nhận chiến thắng của Joe Biden, lễ nhậm chức ngày 20/1 là thủ tục cuối cùng để ông tiếp quản Nhà Trắng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Biden sẽ làm gì để thay đổi nước Mỹ vốn đang đối mặt không ít thách thức, từ cuộc khủng hoảng Covid-19 đến tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước.
Tại phiên hỏi đáp với cử tri trên kênh ABC ngày 15/10, Biden cho biết việc đầu tiên ông sẽ thực hiện trên cương vị tổng thống là gặp gỡ các nghị sĩ Cộng hòa, nhằm nỗ lực hòa giải lưỡng đảng như ông vẫn làm trong 36 năm tại Thượng viện. "Sau khi Trump bị loại, tôi hứa với mọi người rằng sẽ có 4-8 thượng nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng thay đổi quan điểm", ông nói.
Biden bước vào chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu "Tái xây dựng tốt hơn", hướng đến hy vọng hồi sinh nước Mỹ sau thảm họa kinh tế, như thời cố tổng thống Dân chủ Franklin Roosevelt, đồng thời đưa đất nước chuyển mình về cơ bản trong những thập kỷ tới. Theo Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, dựa trên những lời hứa tranh cử của Biden, ông sẽ trở thành "tổng thống cấp tiến nhất kể từ sau Roosevelt".
Chương trình nghị sự "Tái xây dựng tốt hơn" dự kiến bao gồm hơn 6 nghìn tỷ USD chi tiêu trong một thập kỷ, mà Biden khẳng định ông có thể thương lượng với phe Cộng hòa tại quốc hội. "Chúng tôi sẽ không chỉ làm qua loa", ông tuyên bố.
Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden là đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng mà ông chỉ trích chính quyền Trump điều phối thất bại. Ông đã công bố kế hoạch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, tăng cường hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời cam kết sẽ tiêm chủng cho 100 triệu người trong 100 ngày đầu nhậm chức.
Ông muốn xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân và tuyển dụng 100.000 người tham gia vào chương trình truy vết tiếp xúc cấp quốc gia. Biden tuyên bố ông muốn lập ít nhất 10 trung tâm xét nghiệm ở mỗi bang và kêu gọi tất cả các bang ra lệnh bắt buộc sử dụng khẩu trang.
Về kinh tế, vấn đề Biden bị đánh giá yếu thế hơn so với Trump, Tổng thống đắc cử đề xuất mức đầu tư công vào các doanh nghiệp Mỹ cao chưa từng thấy kể từ sau thế chiến II. Ông muốn chính phủ liên bang cấp 400 tỷ USD ngân sách trong 4 năm để mua hàng hóa và dịch vụ nguồn gốc từ Mỹ, cùng 300 tỷ USD nghiên cứu và phát triển những sáng kiến năng lượng sạch.
Biden còn kêu gọi mức lương tối thiểu liên bang đạt 15 USD và tích cực ủng hộ công đoàn. Ông muốn Bộ Tài chính Mỹ cấp các khoản vay không lãi suất cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ "trong suốt giai đoạn" khủng hoảng vì đại dịch.
Theo phân tích của tập đoàn Moody, các đề xuất của Biden ước tính tạo ra 18,6 triệu việc làm mới trong nhiệm kỳ của ông, cùng mức tăng thu nhập sau thuế trung bình là 4.800 USD. Trong khi đó, các chính sách của Trump ước tính tạo ra 11,2 triệu việc làm mới và tăng thu nhập danh nghĩa cho các hộ gia đình trung bình.
"Ý tưởng là xây dựng một cấu trúc giúp nền kinh tế có tính bao trùm hơn và tăng khả năng chống chọi với các cú sốc", Jared Bernstein, cố vấn của Biden, giải thích. Điều này tương tự với quan điểm của Roosevelt, rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế quá lớn không chỉ đòi hỏi hành động của liên bang, mà còn tạo thời cơ đưa ra những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Về chính sách y tế, Biden đã bác bỏ ý tưởng "bảo hiểm cho tất cả" trong vòng bầu cử sơ bộ. Thay vào đó, ông cam kết củng cố và mở rộng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá cả phải chăng, hay còn gọi là Obamacare, chính sách hiện được 62% người Mỹ ủng hộ.
Những đề xuất của Biden được dự đoán giúp cung cấp thêm bảo hiểm cho hàng triệu người thu nhập thấp tại hàng chục bang từ chối mở rộng chương trình Medicaid (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp). Ông cũng muốn hạ độ tuổi đủ điều kiện tham gia chương trình Medicare (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và khuyết tật) từ 65 xuống 60, đồng thời đầu tư 125 tỷ USD trong 10 năm cho công tác cai nghiện.
Về giáo dục, ngoài chương trình mầm non cho tất cả trẻ 3-4 tuổi, Biden ủng hộ Đạo luật Đại học cho Tất cả mà Thượng nghị sĩ Sanders đề xuất, giúp cung cấp khoản trợ cấp liên bang phù hợp dành cho các bang miễn học phí đại học và cao đẳng đối với những sinh viên thuộc hộ gia đình thu nhập dưới 125.000 USD.
Biden đề xuất đầu tư đáng kể vào những trường cao đẳng cộng đồng, nhằm cải thiện cơ sở vật chất và miễn học phí. Ông còn muốn cấm các trường bán công vì mục đích lợi nhuận và tăng gấp ba lần viện trợ liên bang, từ 16 tỷ USD lên khoảng 48 tỷ USD, dành cho những học khu thu nhập thấp.
Về môi trường, Biden đề xuất đầu tư 2 nghìn tỷ USD vào năng lượng sạch. Ông muốn nâng cấp 4 triệu tòa nhà để đáp ứng những tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính với tất cả tòa nhà mới vào năm 2030, lắp đặt 500 triệu tấm pin mặt trời và 60.000 tuốc bin gió do Mỹ sản xuất nhằm loại bỏ phát thải khí carbon từ ngành năng lượng vào năm 2035.
Mục tiêu tham vọng nhất là góp phần giúp Mỹ đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. "Tôi nghĩ xử lý vấn đề biến đổi khí hậu là một công việc phải làm", Biden cho hay. Tối 4/11, giữa lúc đang thắng thế trong cuộc đua với Trump, Biden cam kết trên Twitter rằng "trong đúng 77 ngày nữa, chính quyền Biden sẽ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu".
Về tư pháp, Biden đề xuất tạo ra một chương trình trợ cấp liên bang trị giá 20 tỷ USD, nhằm khuyến khích các bang hạn chế quyết định bỏ tù. Ông còn muốn bãi bỏ án tử hình ở cấp liên bang, cho phép các bang hợp pháp hóa cần sa vì mục đích giải trí mà không cần lo ngại về áp lực từ cấp chính phủ. Biden bác bỏ ý tưởng giải tán cảnh sát, nhưng ủng hộ những lời kêu gọi cải cách.
Nhiều đề xuất của Biden còn hướng tới giải quyết vấn đề bất bình đẳng, như kế hoạch miễn học phí trường đại học công lập cho các gia đình trung lưu. "Ngay cả trong những thời điểm thuận lợi, cộng đồng người da màu vẫn bị tụt lại phía sau. Đến khi khó khăn, họ lại chịu tác động đầu tiên và sâu sắc nhất. Họ cũng mất nhiều thời gian nhất để hồi phục", Biden cho hay.
Về đối ngoại, Biden từng viết rằng với tư cách tổng thống, ông sẽ tập trung trước tiên vào các vấn đề quốc gia, tuy nhiên không vì thế mà ông lơ là các chính sách ngoại giao. Tổng thống đắc cử Mỹ đã hứa sẽ sửa chữa những mối quan hệ với đồng minh bị suy yếu dưới thời người tiền nhiệm Trump, đặc biệt là với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU).
Các nhà phân tích lâu nay dự đoán Biden vẫn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng tin rằng ông sẽ chọn phương án bắt tay với đồng minh nhằm xây dựng một liên minh chặt chẽ, thay vì áp dụng cách tiếp cận gây áp lực tối đa với Trung Quốc như Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì những hành vi thương mại và môi trường kinh doanh thiếu công bằng, nhưng thay vì đơn phương áp đặt hàng rào thuế quan, ông đề xuất thành lập một liên minh dân chủ mà Trung Quốc "không thể phớt lờ".
"Biden nên hợp tác cùng các đồng minh châu Âu nhằm tạo ra chiến lược nhất quán với Trung Quốc, nhưng việc đó cần thời gian để xây dựng, và tốt hơn hết là không ai gây thêm cản trở với tiến trình này", Leslie Vinjamuri, chuyên gia về châu Mỹ tại viện nghiên cứu Chatham House của Anh, đánh giá.
Một số ý kiến cho rằng Biden đơn giản chỉ cần đảo ngược các quyết định của chính quyền Trump. Tuy nhiên, Raffaello Pantucci, chuyên gia cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định Pantucci lưu ý đây có thể bị coi là động thái thỏa hiệp với Bắc Kinh và khiến Biden đánh mất sự ủng hộ trong nước, nơi tâm lý chống Trung Quốc đang vô cùng mạnh mẽ.
Vũ Hoàng (Theo CNN, BBC, Week, LATimes)