Hai tuần sau vụ bạo loạn gây ngỡ ngàng tại Đồi Capitol, do đám đông ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump tiến hành, Joe Biden hôm 20/1 tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ, với bài phát biểu kêu gọi đoàn kết và chấm dứt xung đột. Ông cho biết sự chuyển giao quyền lực là bằng chứng cho thấy "ý chí của người dân đã được tiếp nhận".
"Một lần nữa chúng ta học được rằng nền dân chủ vô cùng quý giá và cũng thật mong manh. Ngay giờ phút này, các bạn của tôi, nền dân chủ đã thắng thế", tân Tổng thống Mỹ tuyên bố.
Giới quan sát đánh giá cảm giác yên tâm về Biden, sau nhiệm kỳ đầy thăng trầm của Trump, thể hiện rõ qua lời chúc trên mạng xã hội từ các lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với minh chứng điển hình là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
"Chúc mừng lễ nhậm chức của Joe Biden. Nước Mỹ đã trở lại. Sự khởi đầu mới của nước Mỹ sẽ giúp nền dân chủ thậm chí vĩ đại hơn nữa. Cùng với người dân Hàn Quốc, tôi sẽ sát cánh bên hành trình hướng tới đoàn kết nước Mỹ của ngài", Tổng thống Moon viết trên Twitter hôm 21/1.
Trong bài đăng trên Facebook, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông cầu chúc Biden "luôn thành công trong mọi nỗ lực" nhằm hàn gắn những chia rẽ tại Mỹ, sau cuộc bầu cử "đầy tranh cãi và cay đắng" tháng 11 năm ngoái.
"Sau 4 năm nước Mỹ rơi vào hỗn loạn, châu Á giờ đây có thể trông đợi vào một thời kỳ ổn định, lý trí và đầy tiềm năng", Tommy Koh, cựu nhà ngoại giao Singapore và là chuyên gia uy tín về quan hệ Mỹ - châu Á, nhận xét trên Facebook.
David Adelman, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore, cũng đồng quan điểm khi cho rằng các lãnh đạo thế giới dường như "thở phào nhẹ nhõm với việc chủ nhân mới của Nhà Trắng là một người đáng tin cậy và kiên định, cam kết khôi phục danh tiếng của Mỹ như một bên mang đến hòa bình và thịnh vượng".
Frank Lavin, cựu đặc phái viên Mỹ tại Singapore, cho rằng mặc dù bài phát biểu nhậm chức của Biden tập trung vào vấn đề trong nước, nó vẫn có khả năng gây tiếng vang lớn trên thế giới nhờ nội dung hàm chứa trong đó.
"Tôi nghĩ điều làm nên thành công của bài phát biểu là ông ấy nói với giọng điệu bao quát và điềm đạm, đưa ra một tầm nhìn hấp dẫn về nước Mỹ, một quốc gia vì người dân, thành công và giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19", Lavin nêu ý kiến.
Meera Shankar, cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, cho rằng dấu hiệu ban đầu mà Biden gửi đến thế giới là Mỹ sẽ không còn khó đoán như chính quyền tiền nhiệm. "Dường như Biden sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại truyền thống, ít thất thường hơn so với Trump", Meera nói.
Hầu hết giới quan sát đánh giá quyết định ký sắc lệnh đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là chi tiết quan trọng nhất trong ngày đầu tiên của Biden tại Phòng Bầu dục.
Rohan Mukherjee, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Đại học Yale-NUS của Singapore, cho biết những năm dưới thời Trump không chỉ là khoảng thời gian lãng phí đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn là bước lùi đáng kể của một trong những nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới.
"Việc tái gia nhập hiệp định là tín hiệu quan trọng với thế giới rằng Mỹ đã sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt toàn cầu một lần nữa, thay vì tìm cách phá hủy một số cấu trúc trong trật tự quốc tế và âm thầm chứng kiến những phần còn lại sụp đổ", Mukherjee nhận định.
Joseph Liow, nhà phân tích các vấn đề quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết Biden cũng nên chứng minh rằng ông nhận thức được những khó khăn và thách thức mà các nước châu Á phải đối mặt trong bối cảnh riêng của họ. Chúng có thể rất khác so với những vấn đề đang tồn tại ở Bắc Mỹ và Tây Âu.
Trọng tâm đáng chú ý hàng đầu được cho là những hành động và chính sách liên quan đến Trung Quốc của chính quyền Biden. Antony Blinken, ứng viên ngoại trưởng của tân Tổng thống Mỹ, hôm 19/1 phát biểu trước quốc hội rằng ông đồng tình với "nguyên tắc cơ bản" trong cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của Trump, nhưng nói thêm rằng ông có những quan điểm khác trên một số lĩnh vực.
Ấn Độ nằm trong số những quốc gia đang hy vọng Mỹ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc tương tự thời Trump. "Chừng nào cuộc đối đầu Mỹ - Trung còn chi phối nền chính trị châu Á, Ấn Độ vẫn sẽ là đối tác không thể thiếu của Mỹ. Câu hỏi quan trọng là New Delhi có thể tận dụng cơ hội vàng này như thế nào", MK Bhadrakumar, cựu nhà ngoại giao Ấn Độ, cho hay.
Dewi Fortuna Anwar, bình luận viên chính sách đối ngoại nổi tiếng của Indonesia, cho biết chính phủ nước này thì hy vọng chính quyền Biden sẽ tạo ra "môi trường thuận lợi hơn, nhằm đảm bảo hợp tác trong việc phục hồi sau Covid-19, tái xây dựng kinh tế và hợp tác khu vực sâu rộng hơn", đồng thời duy trì sự tập trung vào khu vực thông qua ASEAN.
Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý những rào cản đáng kể đối với Biden vẫn tồn tại, do những kỳ vọng khác nhau đối với chính quyền mới của Mỹ từ các quốc gia khắp thế giới.
Theo Nydia Ngiow, giám đốc cấp cao tại nhóm cố vấn chính trị BowerGroupAsia của Singapore, châu Á đang nhìn về phía Biden với niềm lạc quan và hy vọng "một cách thận trọng".
Ánh Ngọc (Theo SCMP)