Tại chương trình Erasmus Mundus Sharing 2021 do Erasmus Mundus Association - Vietnam tổ chức chiều 24/7, các diễn giả, người vừa giành học bổng khóa 2021-2023, chia sẻ cách chinh phục học bổng danh giá này.
Tìm chương trình phù hợp
Du học là quyết định lớn, cần cân nhắc và chuẩn bị trong thời gian dài, nhất là khi chinh phục học bổng có tính cạnh tranh cao như Erasmus Mundus. Nếu chương trình muốn học ở Erasmus Mundus tương thích với ngành đã học ở bậc cử nhân, ứng viên sẽ gặp nhiều thuận lợi trong quá trình nộp hồ sơ (apply).
Nguyễn Thị Khánh Huyền, cựu sinh viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trúng tuyển chương trình Chất liệu cho tích trữ và bảo tồn năng lượng. Huyền cho rằng nền tảng của hai chương trình khớp với nhau nên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, cô chỉ cần bù đắp kinh nghiệm làm việc bằng cách tham gia các dự án ngắn hạn. "Việc này giúp hồ sơ của mình vững hơn với các tiêu chí của hội đồng tuyển sinh đưa ra", Huyền nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng học cùng chương trình ở cả bậc cử nhân và thạc sĩ. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng Phạm Ngân lại lựa chọn lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở bậc thạc sĩ. Với Ngân, việc apply học bổng, sau đó du học là để phát triển bản thân nên ứng viên không nhất thiết trở thành một chuyên gia ở ngành sắp học.
Ngân cho rằng điều quan trọng khi chọn chương trình là tìm thấy sự liên quan, gắn với con người và mục đích của bản thân. "Bạn cần kể cho hội đồng tuyển sinh câu chuyện của mình, cho thấy tại sao bạn lại muốn theo ngành này, một ngành rất khác so với nền tảng bạn đã có", Ngân chia sẻ.
Để tăng độ thuyết phục cho hồ sơ khi ngành không tương thích, các diễn giả khuyên ứng viên nên tham gia các khóa học online, ngắn hạn hoặc thi lấy chứng chỉ, thực hiện một số hoạt động liên quan.
CV
Trước khi apply Erasmus Mundus, Nguyễn Đào Thanh Thương, học giả chương trình Giáo dục công nghệ vaccine, thừa nhận không có kinh nghiệm trong việc viết CV. Với "vốn liếng" là những CV làm để ứng tuyển một số công việc bán thời gian, cô từng nghĩ "mình cũng ra gì đấy". Thế nhưng trong quá trình tìm kiếm tài liệu viết CV, Thương đọc được hướng dẫn của Cambridge và thấy những CV mình từng viết rất hỗn độn.
Sau khi nghiên cứu tài liệu, cô sắp xếp lại các mục trong CV, đẩy những gì nổi bật, thể hiện rõ tính cách, thế mạnh của bản thân lên trước. Chẳng hạn, nếu điểm học tập (GPA) của ứng viên không cao, trong phần thông tin về bằng cấp, diễn giả khuyên chỉ nên viết điểm tổng hoặc viết xếp loại, không nhất thiết viết điểm từng năm. "Thay vào đó, bạn nên chia sẻ kỹ năng học hỏi được, các công việc thực tập, làm thêm mang đến nhiều giá trị. Đây là cách phân tán sự tập trung của hội đồng tuyển sinh, hướng họ nhìn vào thế mạnh của bạn", Thương nói.
Bài luận chính
Đỗ Phú Tiến, trúng tuyển chương trình Lâm nghiệp châu Âu, cho rằng luận chính được dùng để kể một câu chuyện thuyết phục, trả lời cho các câu hỏi: Tại sao muốn du học? Kiến thức học xong sẽ dùng để làm gì, đóng góp cho cộng đồng ra sao? Dung lượng phù hợp với bài luận chính là 1-1,5 trang giấy.
Với Thanh Thuơng, hình dáng bài luận ra sao phụ thuộc vào chương trình nộp bởi có nơi giới hạn số từ, nơi khác sẽ bắt viết theo chủ đề. Khi apply vào chương trình Giáo dục công nghệ vaccine, Thương được hỏi "Bạn hãy viết về nơi truyền cảm hứng cho bạn nhất và giải thích lý do".
Cô bắt đầu viết luận chính vào tháng 12/2020. Thời điểm đó, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng Covid-19. Nhận thấy công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam mang đến nhiều tín hiệu tích cực, Thương bày tỏ sự tự hào. Cô không quên nhắc nhở rằng mấu chốt của việc đẩy lùi dịch bệnh là sự tham gia của vaccine. "Mình bắt đầu hướng bài luận về vaccine - thứ mình sẽ được học nếu trúng tuyển. Mình chia sẻ công tác sản xuất vaccine ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc nên muốn học hỏi, mang những gì học được về đóng góp cho đất nước", Thương kể.
Các diễn giả đều cho rằng, bài luận chính thể hiện rõ nhất con người và tính cách ứng viên. Do đó, cần cân nhắc lựa chọn đề tài sao cho vừa thể hiện được bản thân, vừa khéo léo liên kết tính cách, hoài bão đó với chương trình sắp học.
Sau khi hoàn thiện, ứng viên cũng nên đưa luận chính cho cố vấn hoặc bạn bè để nhờ đọc và góp ý. Họ sẽ đứng ở một góc nhìn khách quan và mang đến nhiều góp ý mà đôi khi chính người viết không nhận ra.
Thư giới thiệu
Thông thường, một chương trình Erasmus Mundus yêu cầu 2-3 thư giới thiệu. Các diễn giả tại chương trình Erasmus Mundus Sharing cho rằng ứng viên nên nhờ các giảng viên thân thiết ở đại học, phòng nghiên cứu và cấp trên ở nơi làm việc viết thư cho mình.
Một số chương trình cho phép ứng viên gửi thư giới thiệu nhưng hầu hết yêu cầu thầy cô trực tiếp gửi. Do đó, người học cần tìm hiểu kỹ càng từ trước và hẹn giáo viên một buổi để trao đổi, tránh làm mất thời gian và nhầm lẫn thông tin.
Trường hợp cảm thấy hồ sơ của mình chưa hoàn thiện hoặc một số yếu tố chưa được làm rõ trong luận chính và CV, ứng viên nên trao đổi với người viết thư giới thiệu, gợi ý để họ đề cập một số yếu tố như nhấn mạnh thành tích, khả năng nghiên cứu, thứ hạng trong lớp...
Erasmus Mundus (tên đầy đủ Erasmus Mundus Joint Master Degree) là học bổng du học toàn phần bậc thạc sĩ do Liên minh châu Âu tài trợ. Du học sinh sẽ theo học tại 2-4 quốc gia (chủ yếu ở châu Âu) trong hai năm và không bị ràng buộc sau khi tốt nghiệp.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15-25 du học sinh Việt Nam giành học bổng Erasmus Mundus và tăng nhanh trong những năm gần đây, riêng năm 2020 cao nhất 41 người, 2019 có 36 người, 2021 là 35 người.
Thanh Hằng