Trong số hàng trăm người nộp hồ sơ vào ngành Kinh tế học phát triển theo chương trình học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu năm 2021, Hoàng Phương Hải Châu, 23 tuổi, là một trong khoảng 20 sinh viên được trao học bổng toàn phần 45.000 euro (hơn 1,2 tỷ đồng) cho hai năm học thạc sĩ tại Pháp, Cộng hòa Séc và Italy.
Nếu hai năm trước nhắc đến việc ứng tuyển Erasmus Mundus, học bổng danh giá nhất châu Âu, Châu chắc chắn trả lời "không". "Học bổng chỉ dành cho người xuất sắc, còn mình luôn cảm thấy không có gì quá đặc biệt. Khi nhận thông báo trúng tuyển, mình nghĩ đây thực sự giống một giấc mơ", Châu nói.
Sống ở Hà Nội, là học sinh lớp tiếng Pháp trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Châu cũng "thích du học" như bạn bè. Tuy nhiên, khi các bạn dần hoàn thành chứng chỉ quốc tế như SAT, IELTS để chuẩn bị hồ sơ, nữ sinh vẫn chưa có gì, loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.
Bố mẹ là viên chức, Châu hiểu gia đình không thể chi trả toàn bộ chí phí du học, phải tìm kiếm nguồn học bổng ở các quốc gia có mức sống vừa phải, không quá xa Việt Nam. Khi giành được học bổng của Đại học Tsukuba, Nhật Bản, Châu không suy nghĩ nhiều mà hào hứng với cơ hội học tập này.
Khi đã thực sự du học, nữ sinh vẫn luôn nghĩ mình không bằng các bạn. Tâm lý này xuất hiện khi Châu còn học cấp ba. Học kém các môn tự nhiên, nữ sinh hay bị giáo viên gọi giữa lớp và hỏi "em đã hiểu bài chưa". "Lúc nào mình cũng nghĩ bản thân kém cỏi, cần được quan tâm đặc biệt hơn mọi người. Đó cũng là lý do khiến mình sợ Toán, nghĩ không bao giờ học được môn này", Châu kể.
Rào cản tâm lý khiến nữ sinh hai lần bỏ qua Erasmus Mundus. Năm 2018, Châu đọc được bài chia sẻ của một chị về quá trình giành học bổng này. Sau gần một tiếng nghiền ngẫm, cô thấy "khó quá sao mà đỗ được", rồi mạnh dạn bỏ qua. Một năm sau, Châu lại bắt gặp cuốn sách tập hợp kinh nghiệm của cộng đồng du học sinh Việt Nam đã chinh phục thành công Erasmus Mundus. Dù đã đọc hết quyển sách tới vài lần, quyết định của Châu không khác gì lần trước vì nghĩ "không thể là mình được, mình không đủ giỏi".
Năm 2019, Châu tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như dự án tư vấn khởi nghiệp xã hội, trường hè khoa học và làm thực tập sinh tại Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu. Khi được gặp nhiều người tài giỏi, thậm chí xuất chúng, cô nhìn lại bản thân và thấy mình vẫn còn thiếu sót nhiều. Đến lúc này, Châu mới tự hỏi "Chả lẽ cả đời cứ mãi sợ sệt và thất bại?", rồi quyết định lật giở lại những bài viết về Erasmus Mundus, dành cả năm 2020 để chuẩn bị hồ sơ chinh phục.
Bước đầu tiên Châu làm không phải viết bài luận, tham gia hoạt động xã hội hay làm nghiên cứu mà là khóa Facebook. Vốn là người quảng giao, trước kia Châu thường chia sẻ quan điểm, trải nghiệm cá nhân ở Facebook. Nhưng khi có thời gian nhìn lại, cô nhận ra nội tâm mình chưa đủ vững vàng, hay bị xao động bởi thông tin, quan điểm trên mạng xã hội. Do đó, để tập trung tối đa cho mục tiêu giành học bổng và muốn thực sự hiểu bản thân, Châu quyết định tạm dừng mọi hoạt động trên mạng xã hội, hạn chế giao tiếp với người khác.
Trong thời gian hơn một năm không dùng Facebook, cô dành thời gian đọc sách báo, tập thể dục và tự học 8-9 tiếng mỗi ngày. "Chưa bao giờ mình cảm nhận sâu sắc được niềm hạnh phúc nội tại như thế", Châu bộc bạch. Lúc rảnh, cô thường ra bờ sông, ngồi một mình, nghĩ về những hoạt động mình đã làm, xâu chuỗi lại xem bản thân là người như nào để xây dựng ý tưởng cho bài luận chính.
Châu nhận ra mình thường hướng đến các hội thảo, hoạt động phi lợi nhuận nhằm tìm ra giải pháp giúp đỡ cộng đồng phát triển bền vững. Ngay từ khi 15 tuổi, nữ sinh đã tham gia Hội thảo mô phỏng Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, sau đó làm chủ tọa Hội đồng Kinh tế và Xã hội tại hội thảo WIMUN New York (Mỹ), và rồi đến Thuỵ Sĩ với vai trò Thư ký cho hội thảo WIMUN Geneva.
Cô gái hiểu đây chính là đề tài luận chính có thể phác họa rõ nét con người và mục tiêu của mình. Câu chuyện của Châu kể về hành trình nhìn nhận và xác định vị trí bản thân qua những hoạt động xã hội. Chỉ mất hai tuần để hoàn thiện nhưng Châu đã dành gần một năm để nghĩ về đề tài này. Sau khi viết, Châu chỉ gửi cho mẹ và cố vấn đọc, gần như không chỉnh sửa gì.
Để bổ sung yếu tố khoa học cho hồ sơ, Châu làm nghiên cứu cho một hội thảo quốc tế ở Việt Nam, xoay quanh chính sách công tư và lĩnh vực phát triển bền vững. Tuy hội đồng tuyển sinh không bắt buộc, Châu vẫn gửi nghiên cứu này cùng báo cáo tại hội thảo Liên Hợp Quốc do chính mình viết với sự tư vấn của hai chuyên gia. Đây là hai tài liệu cô rất tâm đắc, tin rằng chúng thể hiện được khả năng nghiên cứu độc lập dựa trên nền tảng kiến thức xã hội của bản thân.
Châu tự đánh giá mình may mắn khi đáp ứng hầu hết các yêu cầu khác của bộ hồ sơ. Với điểm trung bình học tập, Châu đạt ngưỡng mà các anh chị tư vấn là nên có. Bên cạnh đó, những môn nữ sinh đã học ở trường Tsukuba bổ trợ hoàn hảo cho chương trình của ngành Kinh tế học phát triển của Erasmus Mundus.
Thế nhưng đường đến châu Âu của Châu không dễ dàng. Cô ứng tuyển ba chương trình của học bổng gồm Toán kinh tế, Chính sách kinh tế, Kinh tế học phát triển. Lúc nhận thư từ chối của hai chương trình đầu tiên, Châu lo lắng chờ kết quả cuối cùng vì đây là ngành cô thấy đúng với mục đích sống của mình nhất.
Đến khi biết đỗ vòng hồ sơ, Châu tạm thở phào nhưng không vui mừng vội vì phải vượt qua thêm một vòng phỏng vấn để giành học bổng. Nếu không được hỗ trợ tài chính, Châu khó đi học vì điều kiện kinh tế gia đình hạn chế. Một ngày cuối tháng 5, ngay trước khi đi ngủ, Châu nhận được email thông báo giành học bổng toàn phần, hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong hai năm học thạc sĩ ở châu Âu. "Mình vỡ oà, vui đến mất ngủ còn mẹ thì khóc. Niềm vui này thực sự không thể diễn tả hết bằng lời", Châu nhớ lại.
Là cố vấn của Hải Châu trong quá trình chinh phục Erasmus Mundus, chị Đinh Thị Thanh Hoa (Hannad Dinh) ấn tượng với sự chăm chỉ, quyết tâm của cô. Ngoài thái độ nghiêm túc học tập, Châu rất tích cực đóng góp cho cộng đồng, lẽ phép và chỉn chu trong giao tiếp. "Khi mới biết về học bổng, em còn chưa tự tin hoàn toàn vào những gì đang có, nhưng luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, giữ vững tinh thần lạc quan và không từ bỏ", chị Hoa chia sẻ.
So với những bạn cùng trúng tuyển ngành Kinh tế học phát triển năm nay, Châu vẫn cho rằng mình không phải giỏi nhất, cũng không xuất chúng. Điểm sáng hồ sơ của cô không phải là một yếu tố cụ thể, mà đến từ sự hài hòa, phù hợp của mọi tiêu chí. Nhớ lại khoảng thời gian luôn nghĩ bản thân kém cỏi, Châu nghĩ rằng vết thương của mình đã được chữa lành.
"Mình đã dám chọn môn Toán kinh tế để học, vượt qua nỗi sợ để gửi hồ sơ và giành học bổng toàn phần. Mình nhận ra bản thân không hẳn là không có khả năng mà do cố gắng chưa đủ hoặc chưa dám. Những thứ đã qua, mình không quên nhưng nó không còn khiến mình sợ hãi nữa", Châu khẳng định.
Cô gái Hà Nội đang hoàn thành năm cuối tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản, để chuẩn bị cho một "chương mới" của cuộc đời, bắt đầu vào tháng 9 tới.
Thanh Hằng