Khổ qua mềm ngon vẫn giữ màu xanh, thịt và cá thác lác dẻo dai, dính vào trái, nước canh hài hòa vị ngọt, đắng rất hấp dẫn.
Dùng dao nhỏ rạch một đường dọc, dùng muỗng cà phê tách nhẹ, rồi lấy cán muỗng nhẹ nhàng tách phần ruột và hạt ra. Bạn nhớ cạo hết phần màng trắng bên trong vì đây là lớp có vị đắng nhiều. Đồng thời giúp khi nhồi thịt kết dính tốt hơn. Sau đó, ngâm khổ qua đã sơ chế vào nước muối loãng, rửa sạch, để ráo.
Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái nhỏ. Hành lá, rau mùi rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ.
Cho thịt nạc vai xay, cá thác lác cùng mộc nhĩ, hành lá, rau mùi vào âu trộn, nêm thêm 2 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu, trộn đều cho tới khi quyện quết dẻo lại với nhau. Bọc màng bọc thực phẩm để vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút cho thịt dẻo hơn.
Dùng muỗng múc hỗn hợp thịt và cá thác lác dồn (nhồi) vào quả khổ qua với lượng vừa đủ. Cuối cùng dùng cọng hành lá chần sơ nước buộc lại.
Đun sôi nước dùng. Khi nước sôi già thì cho khổ qua vào hầm, mở vung. Thỉnh thoảng hớt bỏ bọt cho nước trong. Khi khổ qua mềm thì nêm nếm lại gia vị cho phù hợp và thêm hành, ngò, hạt tiêu và tắt bếp, múc ra thưởng thức nóng.
Yêu cầu thành phẩm: Khổ qua mềm ngon vẫn giữ màu xanh, thịt và cá thác lác dẻo dai, dính vào trái, nước canh hài hòa vị ngọt, đắng rất hấp dẫn.
Chú ý:
Một số người không thích vị đắng thì có cách xử lý vị đắng như sau: Chần sơ khổ qua, xát chút đường vào bên trong trái khổ qua sẽ giúp giảm vị đắng và khổ qua trở nên ngọt hơn.
Có các cách làm nước dùng như: nước hầm từ xương (heo, gà), hoặc phi thơm ít thịt băm rồi thêm nước nấu, cũng có thể dùng nước dừa tươi làm nước dùng. Tuy nhiên, ngày Tết nên hầm nước từ xương sẽ ngon ngọt hơn.
Để khổ qua mềm mà vẫn giữ màu xanh thì cần đun sôi già nước dùng mới cho khổ qua vào hầm và nhớ mở vung.