Vào dịp lễ Tết xưa, trên mâm cỗ những gia đình thượng lưu Hà Nội thường có bốn bát canh (bát vây, bát bóng, bát long tu, bát yến sào). Còn các gia đình trung lưu thì thay đổi lựa chọn bốn bát trong các món như canh bóng thả, chim hầm cốm hạt sen, mực nấu rối, canh măng móng giò, nấm bao giờ hạt sen tùy chọn...
Canh bóng thả
Theo lối cũ, bóng được làm từ bì thăn luộc đem căng bằng hai chiếc nan hoa xe đạp cũ rồi phơi khô qua vài đợt nắng hanh, sau đó rang với cát sạch cho nổ phồng các bong bóng. Khi nấu canh, cho các miếng bóng bì này nổi lên tựa như bóng thả trên mặt canh nên có tên gọi ''Canh bóng thả''. Canh bóng có 2 phiên bản: Canh bóng thả mộc và Canh bóng tuyết hoa mọc son.
Một bát canh bóng thả đạt chuẩn vị thì miếng bóng bì mềm, nước dùng thanh ngọt tự nhiên, các loại rau củ giòn ngon. Màu sắc bát canh hài hòa với xanh dịu từ hoa lơ, cam rực rỡ từ cà rốt và tôm nõn, trắng hồng từ thịt thăn, nâu vàng từ nấm hương... tựa như bức tranh mùa xuân cuốn hút.
Chú ý khi nấu cần tẩy kỹ bóng bì với rượu gừng khử mùi, nước dùng cũng phải chăm chút kỹ để có vị thanh ngọt tự nhiên. Nước dùng gà cần hớt bỏ váng mỡ, hòa cùng nước ninh tôm nõn khô, nước ninh thịt thăn. Bóng sau khi tẩy ướp chút nước dùng cho đượm vị (không xào bóng làm nhũn). Ngày nay, trong các đám cưới, canh bóng có các biến thể như thêm vào tim gan, bầu dục, trứng cút, xào bóng mềm... dễ phá nét thanh tao nguyên bản nên khó hợp vị với người sành ăn và kỹ tính.
Canh măng
Bát canh măng giản dị nhưng lại mang hồn cốt và nét đặc trưng rất riêng của hương vị Tết Việt. Khi ăn, măng ngấu vị, mềm mướt lại giòn ngon, móng giò hầm chín vừa độ sần sật, nước canh ngọt tự nhiên khá cuốn vị.
Theo lối cũ, người nội trợ Hà thành thường dùng măng lưỡi lợn nấu đậm miếng, giòn sần sật. Hiện nay, măng lưỡi lợn khá hiếm và sơ chế cầu kỳ, một số nhà thay bằng các loại măng khác như: Măng mầm vừa giòn vừa mềm, măng nứa giòn mướt, măng lá giòn dai... Nấu canh măng nên nấu ''2 lần lửa'' sẽ ngon hơn (lửa đầu xào kỹ măng và lửa sau ninh lửa nhỏ với nước dùng và nguyên liệu kèm theo).
Mực nấu thượng thang
Mực nấu rối có tên gọi khác mực nấu thượng thang, mực ngũ sắc là một món ăn cổ truyền vào các dịp giỗ chạp, đình đám, Tết Nguyên Đán của người Hà Nội.
Bát mực nấu rối hội tụ đủ sắc, hương và vị với mực màu hổ phách, trứng gà vàng ươm, su hào xanh giòn, cà rốt cam đỏ, giò lụa trắng thơm. Nước dùng thanh ngọt tự nhiên, dậy mùi thơm của mực.
Mực cần chọn loại ngon, thơm mùi nắng mới và đem tẩy rượu gừng rồi thái chỉ nhỏ. Các nguyên liệu su hào, cà rốt thái sợi nhỏ đem chần chín trong nồi nước dùng để giữ vị ngọt ngon mà lại thanh - nét đặc trưng ẩm thực Hà Nội. Sau đó đem xào chung các nguyên liệu.
Bồ câu hầm cốm, hạt sen
Chim câu béo mềm, nhân bên trong đủ đầy dư vị quyện vào nhau với thịt ngọt mềm, hạt sen bùi bùi, cốm dẻo thơm, nấm hương mộc nhĩ sần sật, nước hầm ngọt mát, bổ dưỡng.
Chim câu làm sạch, tẩy rượu gừng, thui sơ rồi mới chế biến. Tùy theo điều kiện dùng hạt sen tươi hoặc khô đều được. Nên hầm hạt sen riêng chín mềm và giữ nguyên hạt, không cho hạt sen chưa hầm vào ninh cùng chim vì nếu hạt sen dính mắm mỡ thì lâu nhừ. Chim sau khi nhồi nhân thịt trộn mộc nhĩ, nấm vào bụng đem rán hoặc cho vào nồi chiên không dầu giúp thịt chim thơm chắc hơn khi hầm lâu. Khi nhồi nhân vào bụng nên nhồi lượng vừa vặn, nếu nhiều quá khi ninh nhân nở ra làm nước hầm kém trong.
Bùi Thủy