Daniel Wilkinson, một cựu binh 46 tuổi ở thành phố Bellville, bang Texas, được đưa tới phòng cấp cứu và được chẩn đoán viêm tụy sỏi mật. Đây là một căn bệnh có thể điều trị được, nhưng bệnh viện Bellville không có đủ năng lực chữa trị cho ông.
Bác sĩ đã gọi điện tới nhiều bệnh viện ở Texas, Oklahoma, Arkansas nhưng không nơi nào có thể tiếp nhận Wilkinson, khi họ đều đang quá tải với tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 cao nhất cả nước.
Cuối cùng, họ tìm được một giường chăm sóc đặc biệt (ICU) duy nhất còn trống ở bệnh viện cựu chiến binh ở Houston, cách Bellvilla hơn một giờ lái xe. Nhưng Wilkinson đã qua đời khi đang trên trực thăng tới bệnh viện vì suy tạng. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vòng 7 giờ, kể từ khi mẹ Wilkinson đưa ông tới phòng cấp cứu địa phương.
Texas lại đang chứng kiến một đợt sóng Covid-19 tồi tệ không kém mùa đông năm ngoái, với đỉnh điểm hơn 14.200 người nhập viện vì Covid-19. Hơn 90% số giường ICU của bang đã được sử dụng, theo Covid Act Now.
Texas không phải là bang duy nhất phải chật vật với đợt bùng phát mới. Ở Idaho, nơi 88% giường ICU đã kín, bệnh viện đã phải kích hoạt "tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng", cho phép bác sĩ ưu tiên điều trị cho bệnh nhân có tiên lượng tốt.
Những câu chuyện như của Wilkinson cũng không hiếm thấy ở Mỹ hiện nay, sau một thời gian Covid-19 lắng xuống. Washington Post ngày 12/9 đưa tin một người đàn ông 73 tuổi ở bang Alabama đã chết vì bệnh tim sau khi bị 43 bệnh viện từ chối cấp cứu vì quá tải.
Bệnh viện gần nhất đồng ý tiếp nhận bệnh nhân này là ở Mississippi, cách đó hơn 320 km. Alabama hiện chứng kiến tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 bình quân đầu người cao thứ hai ở Mỹ.
Nhiều người Mỹ chưa tiêm chủng trở thành nhóm dễ bị tổn thương trước đợt bùng phát của biến chủng Delta dễ lây lan. 1/4 số người Mỹ trên 18 tuổi vẫn chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine Covid-19 nào, trong khi trẻ dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm chủng.
Xu hướng nhập viện ở Mỹ đang thay đổi so với các đợt bùng phát trước. Những người trên 65 tuổi từng chiếm hơn một nửa số ca nhập viện vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, giờ giảm xuống 1/3. Nhưng Mỹ đang ghi nhận số bệnh nhân nhi và người trẻ tuổi nhập viện vì Covid-19 cao nhất từ trước đến nay.
Số ca nhập viện trung bình hàng ngày ở Mỹ tính tới 14/9 là gần 100.000, trong khi số ca tử vong là 1.888, gần như ở mức cao nhất từ trước đến nay. Tennessee, Kentucky, Alaska, Wyoming và Tây Virgini, những bang có tỷ lệ tiêm chủng dưới mức trung bình quốc gia, đang ghi nhận đợt bùng phát tồi tệ nhất hiện nay ở Mỹ.
Trên khắp miền nam, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các bệnh viện đều báo cáo số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt vượt quá số giường ICU hiện có.
Các bệnh viện ở Mỹ đang nỗ lực cân bằng giữa ứng phó sóng Covid-19 mới với cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, điều đó buộc họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.
Karen Joynt Maddox, một bác sĩ và nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học Washington ở St. Louis, nói rằng trong đại dịch, bệnh viện của cô được chỉ thị không tiếp nhận bệnh nhân từ các cơ sở chăm sóc nhỏ ở vùng nông thôn, trừ trường hợp khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa họ đôi khi phải từ chối yêu cầu chuyển viện của gia đình bệnh nhân.
Mỹ không có nhiều giường bệnh như nhiều quốc gia giàu có khác. Tỷ lệ giường bệnh bình quân của Mỹ là 2,9 trên 1.000 người, trong khi mức trung bình của các nước giàu là 4,6, theo hệ thống theo dõi y tế Peterson - Kaiser.
Trong nhiều thập kỷ, nhiều dịch vụ y tế Mỹ đã chuyển từ điều trị nội trú sang ngoại trú để tiết kiệm chi phí, dẫn tới giảm số giường trong các bệnh viện. Nhiều chuyên gia thêm rằng Mỹ cũng không muốn duy trì một hệ thống y tế dư thừa năng lực, vốn tốn nhiều chi phí hơn.
Ngay cả trong thời gian bình thường, nhiều bệnh viện ở thành phố Mỹ đã hoạt động với gần 100% công suất, trong khi các bệnh viện vùng nông thôn trống khoảng nửa số giường.
"Chúng tôi có giường bệnh nhưng không ở đúng nơi cần và không có hệ thống nào để tận dụng tốt nhất những giường có sẵn", Joynt Maddox nói.
Cuộc khủng hoảng hiện tại đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống y tế Mỹ. Các bệnh viện ở Mỹ không có nguồn ngân sách ổn định như ở những nước phân bổ ngân sách hàng năm cho hệ thống y tế.
Mỹ cũng không có cơ quan đầu mối xử lý tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Thay vào đó, bác sĩ phải tự tìm cách điều phối. Nhiều lãnh đạo bệnh viện địa phương ở Mỹ thậm chí phải tuyệt vọng khẩn cầu những cơ sở y tế cách xa hàng trăm km, theo NPR.
Các quốc gia giàu có khác cũng từng chứng kiến tình trạng hệ thống y tế quá tải trong những đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19. Tuy nhiên, sau một năm rưỡi đối phó với đại dịch, họ dường như đã được trang bị tốt hơn Mỹ để xử lý tình trạng quá tải.
Canada và Anh, với hệ thống y tế do chính phủ quản lý, có số giường bình quân đầu người thấp hơn Mỹ. Hệ thống y tế của hai nước cũng từng gần chạm ngưỡng trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất.
Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã buộc phải chuyển bệnh nhân ICU tới các khu vực ít quá tải hơn trong mùa thu và đông năm ngoái. Tại Canada, hơn 2.500 bệnh nhân ở Ontario cũng được chuyển tới các thành phố khác để được điều trị. Thậm chí ở Pháp, nơi có số giường bệnh bình quân cao hơn Mỹ, hơn 100 bệnh nhân Covid-19 cũng phải sơ tán khỏi Paris vì thiếu giường bệnh.
Tuy nhiên, tình trạng của họ không tệ như Mỹ bởi hệ thống y tế có sự phối hợp chặt chẽ. Ở các nước này, chính phủ hoặc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm điều phối bệnh nhân giữa các bệnh viện. Điều này không tồn tại ở Mỹ, nơi bệnh viện phải tự xoay xở để xử lý tình trạng quá tải.
"Bệnh viện ở Anh cũng gặp áp lực lớn, nhưng luôn có thể tiếp nhận trường hợp cấp cứu", Nick Scriven, một bác sĩ Anh và cựu chủ tịch Hiệp hội Y học cấp tính nước này, cho biết. "Mọi người không bị từ chối nếu họ cần giường bệnh".
"Cách điều phối này giúp các nước xây dựng một hệ thống phân bổ bệnh nhân hợp lý để quản lý nguồn lực y tế", Dylan Scott, bình luận viên của Vox, nhận định. "Chiến lược đó giúp họ ở vị thế tốt hơn khi đối phó với các làn sóng bệnh nhân trong đại dịch. Còn Mỹ, một trong những nước giàu nhất thế giới, đang phải trả giá vì không thể làm được điều như vậy".
Thanh Tâm (Theo Vox)