Mỹ ghi nhận trung bình 150.000 ca nhiễm mới và 1.500 ca tử vong mỗi ngày trong đợt bùng phát mới nhất, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tới nay lên hơn 677.000. Với hơn 100.000 người đang phải nhập viện, ca tử vong ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên và vượt xa tổng số người chết trong đại dịch cúm năm 1918 hay trong các cuộc xung đột của Mỹ, trừ cuộc nội chiến 1861-1865 khiến khoảng 750.000 người thiệt mạng.
"Chúng tôi đã kiên nhẫn, nhưng sự kiên nhẫn chỉ có giới hạn. Sự khước từ của các bạn đang khiến tất cả chúng ta phải trả giá", Tổng thống Joe Biden tỏ ra bất bình với những người từ chối tiêm chủng trong bài phát biểu tối 9/9, trước khi công bố chiến lược 6 bước mới nhằm đối phó với Covid-19.
Bước đầu tiên trong chiến lược mới của Biden là tiêm chủng bắt buộc đối với người lao động cả trong khu vực nhà nước và tư nhân. Biden đã chỉ đạo Bộ Lao động yêu cầu tất cả chủ doanh nghiệp có trên 100 nhân viên phải tiêm chủng bắt buộc hoặc xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Nhà Trắng cũng tăng cường yêu cầu tiêm chủng đối với hầu hết nhân viên liên bang, nhưng loại bỏ tùy chọn xét nghiệm thay thế tiêm vaccine. Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh với yêu cầu tương tự dành cho các nhà thầu liên bang.
Đây là một bước quan trọng mà chính quyền Biden hy vọng giúp thúc đẩy các động thái tương tự trong lĩnh vực tư nhân. Tháng trước, Biden cũng ký sắc lệnh yêu cầu tất cả viện dưỡng lão nhận tài trợ từ Medicare và Medicaid phải tiêm chủng cho nhân viên.
19% người lao động Mỹ cho biết chủ doanh nghiệp của họ sẽ yêu cầu tiêm chủng trước khi trở lại làm việc, theo khảo sát của Gallup hồi tháng 8. Tỷ lệ gần gấp đôi con số 9% trong tháng 7. Khảo sát cũng chỉ ra 55% chủ doanh nghiệp hiện khuyến khích người lao động tiêm chủng.
Ngay cả những công ty không yêu cầu bắt buộc, chỉ có một bộ phận nhỏ nhân viên chưa tiêm chủng, chiếm chưa tới 1/3, theo khảo sát của ABC News/Washington Post. Nhưng phần lớn trong đó nói rằng họ chọn nghỉ việc chứ không tiêm chủng.
Tiêm liều tăng cường để gia tăng bảo vệ cho người đã tiêm chủng là bước thứ hai trong chiến lược mới của Biden. Chính phủ Mỹ thông báo sẽ tiêm liều tăng cường cho những người có nguy cơ cao nhất từ ngày 20/9.
Tuy nhiên, nhiều khả năng kế hoạch này chỉ bắt đầu với vaccine Pfizer, dù hiện tại Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) chưa phê duyệt vaccine này làm liều tăng cường.
Một ban cố vấn dự kiến họp vào ngày 17/9 về vấn đề này, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ phải thiết lập các hướng dẫn mới cho tiêm chủng tăng cường.
Tiếp tục mở cửa trường học cũng là một trong những bước trọng tâm của kế hoạch mới. Trường học đang là nơi chứng kiến nhiều tranh cãi gay gắt xoay quanh quy định đeo khẩu trang. Biden cam kết sẽ bù lương cho tất cả giáo viên hoặc nhân viên bị giữ lương tại các bang mà giới chức phản đối quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học.
Ông cũng cho biết sẽ yêu cầu 300.000 nhà sư phạm trong chương trình Head Start liên bang phải tiêm vaccine, đồng thời kêu gọi các thống đốc yêu cầu tiêm chủng cho giáo viên và nhân viên trường học.
Khi năm học mới bắt đầu, các trường học ở Mỹ phải đối phó với vấn đề cách ly giáo viên và học sinh vì Covid-19, có thể gây gián đoạn việc mở cửa trở lại. Học khu Los Angeles trở thành học khu lớn đầu tiên ở Mỹ yêu cầu tiêm chủng cho tất cả trẻ em từ 12 tuổi. Các trường học cũng tăng cường xét nghiệm tại những nơi có nguy cơ virus lây lan mạnh. Sinh viên cũng sẽ được yêu cầu tiêm chủng.
Số ca nhiễm nCoV và nhập viện tăng ở trẻ em gần đây khiến nhiều chuyên gia lo lắng, nhưng đây vẫn là nhóm có nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19 thấp.
Đạo luật Sản xuất Quốc phòng sẽ được sử dụng để thúc đẩy sản xuất kit xét nghiệm nhanh và chính quyền dự kiến gửi 25 triệu kit miễn phí tới các phòng khám ở Mỹ, trong nỗ lực tăng cường tỷ lệ xét nghiệm. Một số hãng bán lẻ như Amazon, Kroger và Walmart sẽ bán kit xét nghiệm tại nhà không lợi nhuận trong ba tháng tới, theo Biden.
Xét nghiệm thường xuyên với chi phí hợp lý giúp sớm phát hiện người nhiễm, để cách ly kịp thời và tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác, góp phần ngăn chặn đại dịch. Các nhà khoa học đã nỗ lực thúc đẩy cách thức xét nghiệm này ngay từ khi đại dịch bùng phát.
Phục hồi kinh tế là một phần chính trong kế hoạch ứng phó Covid-19 mới của Biden. Ông chủ Nhà Trắng ngày 9/9 tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng chương trình cho vay hỗ trợ thiệt hại kinh tế do thảm họa, cho phép doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể vay tới 2 triệu USD, thay vì mức 500.000 USD hiện tại, với lãi suất thấp và dài hạn.
Tháng 7, số lượng việc làm ở Mỹ tăng lên 10,9 triệu, mức cao kỷ lục mới, theo Cục Thống kê Lao động ngày 8/9.
Cải thiện chăm sóc y tế cho những người mắc Covid-19 là bước cuối cùng trong chiến lược của Tổng thống Mỹ. Biden cho biết Mỹ sẽ tăng số lượng các loại thuốc mới "được bác sĩ khuyến nghị sử dụng" cho bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng tăng gấp đôi số lượng đội quân y hỗ trợ các bệnh viện quá tải trên khắp nước Mỹ.
Leana S. Wen, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y tế Công cộng Đại học George Washington và từng là ủy viên y tế Baltimore, cho rằng chiến lược 6 mũi nhọn của Biden "đi đúng hướng nhưng chưa đủ" để chống lại Covid-19 ở Mỹ. Vấn đề lớn nhất trong kế hoạch của Biden là "chưa đi đủ xa" để hướng tới mục tiêu tiêm chủng bắt buộc.
9 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, Mỹ mới tiêm chủng đầy đủ cho 54% dân số. CDC cho biết tỷ lệ tiêm chủng mũi đầu tiên ở Mỹ đang giảm, ngay cả khi biến chủng Delta hoành hành và khiến nhiều bệnh viện quá tải.
"Biden phải thừa nhận rằng chúng tôi đã đi đến đường cùng trong nỗ lực kêu gọi tiêm chủng. Chúng tôi đã cố gắng nâng cao nhận thức, khuyến khích, kêu gọi mọi người thực hiện nghĩa vụ yêu nước, nhưng không hiệu quả. Bây giờ là lúc phải ra quy định bắt buộc, trong đó chính phủ liên bang phải sử dụng toàn bộ thẩm quyền của mình", S. Wen viết trong bài đăng trên Washington Post hôm 9/9.
S. Wen đánh giá cao việc chính quyền Biden yêu cầu tất cả nhân viên liên bang tiêm chủng, nhưng cho rằng chính phủ có thể và cần làm nhiều hơn nữa.
"Tại sao Biden không thông báo rằng sẽ bắt buộc tiêm chủng đối với những người đi máy bay hoặc tàu hỏa? Chính phủ liên bang có thẩm quyền đối với việc đi lại giữa các bang và từng sử dụng nó để yêu cầu đeo khẩu trang", S. Wen thắc mắc.
Nữ giáo sư cho rằng chính quyền cũng cần làm rõ rằng những người chưa tiêm chủng sẽ phải chịu những hạn chế gì. "Nếu bạn muốn có đặc quyền đi lại, bạn cần phải hoàn thành trách nhiệm của mình và tiêm chủng", bà cho hay.
Ngoài ra, Leana S. Wen đề xuất Nhà Trắng nên thúc giục các doanh nghiệp thực hiện quy tắc "không tiêm chủng, không được phục vụ". San Francisco và New York đã tiên phong với yêu cầu khách hàng xuất trình chứng nhận tiêm chủng trước khi vào nhà hàng, quán bar, phòng gym và nhiều địa điểm khác.
"Tôi cũng hy vọng quan chức chính quyền sẽ thay đổi suy nghĩ về thẻ xanh vaccine và ủng hộ một hệ thống chứng nhận tiêm chủng quốc gia", S. Wen cho biết.
Thanh Tâm (Theo CNN, Washington Post)