Năm tháng trước, Mỹ vượt xa hầu hết quốc gia trên thế giới, trừ Israel, về tốc độ tiêm vaccine Covid-19, với gần 20% dân số tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, Hungary, quốc gia được xem có chiến dịch tiêm chủng thành công ở châu Âu, mới tiêm được 1/10 dân số tới ngày 6/4. Tỷ lệ tiêm chủng ở hầu hết các nước châu Âu khi ấy đều dừng lại ở mức một con số.
Tốc độ triển khai nhanh và nguồn vaccine dồi dào được xem là hai yếu tố giúp Mỹ đạt thành công ban đầu trong chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, Washington đã không duy trì được thành quả này vào mùa hè, khi các quốc gia ở Tây Âu và bán đảo Scandinavia đã dần vượt mặt Mỹ.
Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu bứt tốc ấn tượng trong cuộc đua, với gần 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tây Ban và Bỉ đạt hơn 70%. Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Na Uy hiện đều trên 60%.
Tỷ lê của Mỹ hiện khá khiêm tốn trong nhóm nước giàu, với 53,9% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Mỹ đứng thứ 57 thế giới về tỷ lệ dân số tiêm chủng, theo Bloomberg. Chỉ có một số quốc gia Tây Âu, gồm Thụy Sĩ, hiện đứng sau Mỹ.
Tổng thống Joe Biden tuần trước công bố chiến lược mới với 6 mũi nhọn ứng phó với Covid-19, trong đó có tiêm chủng bắt buộc. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng kế hoạch mới "đúng hướng nhưng chưa đủ" để tăng tốc tiêm chủng ở Mỹ.
"Chúng tôi đã dẫn đầu và sau đó tụt lại phía sau", Céline Gounder, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, nói. "Chúng tôi đã tiêm chủng nhanh chóng cho một nửa dân số mong muốn được tiêm vaccine, nhưng sau đó vấp trở ngại".
Chiến dịch tiêm chủng của Israel hiện cũng bị chững lại sau những thành công ban đầu. Độ phủ vaccine ở quốc gia này chỉ tăng nhẹ trong vài tháng qua, từ 56% vào tháng 4 lên 63% vào đầu tháng 9.
Mỹ đang phải trả giá đắt khi không thể duy trì được đà tiêm chủng mạnh mẽ như ban đầu. Số ca nhiễm tăng mạnh trong hai tháng qua, biến đây trở thành đợt bùng phát nghiêm trọng thứ hai ở Mỹ kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Số ca tử vong trung bình hàng ngày ở Mỹ cũng tăng từ dưới 200 ca vào đầu tháng 7 lên khoảng 1.500 ca. Tỷ lệ tử vong hàng ngày ở Mỹ hiện gấp đôi nhiều nước như Pháp, Đức hay Italy.
Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với lợi thế lớn về nguồn cung vaccine, nhờ các hợp đồng đặt hàng trước với nhà sản xuất trước khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, châu Âu gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, trước khi nguồn cung được cải thiện vào mùa xuân và mùa hè.
Tuy nhiên, sau khi thuận lợi tiêm chủng với nhóm dân số ủng hộ vaccine, Mỹ vấp trở ngại lớn với những nhóm chần chừ tiêm chủng. Khảo sát của Morning Consult chỉ ra 17% người trưởng thành Mỹ không có ý định tiêm và 10% khác không chắc sẽ tiêm, đồng nghĩa hơn 1/4 dân số trưởng thành ngần ngại vaccine. Mỹ hiện là nước có tỷ lệ ngần ngại vaccine cao thứ hai trong nhóm 15 nước có thu nhập cao, theo phân tích của Morning Consult.
Mỹ hiện đứng thứ 7 trong nhóm G7, sau Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy về tỷ lệ dân số tiêm ít nhất một liều và đứng thứ 6 về tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, theo NYTimes.
Tỷ lệ dân số trẻ cao cũng được xem là yếu tố ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng của Mỹ. Khoảng 16% dân số Đức dưới 18 tuổi, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 22%. Trẻ em dưới 12 ở Mỹ hiện chưa đủ điều kiện tiêm vaccine.
Tuy nhiên, khi so sánh với một quốc gia như Bồ Đào Nha, tốc độ tiêm chủng cho nhóm dân số đủ điều kiện ở Mỹ cũng thua kém. Tại Bồ Đào Nha, 99% người trên 65 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ, trong khi Mỹ là gần 80%. 85% người Bồ Đào Nha từ 25-49 tuổi đã tiêm đủ mũi, so với chưa tới 70% ở Mỹ.
Một khác biệt lớn khác là về văn hóa và chính trị. Tiêm chủng ở Mỹ đã bị chính trị hóa sâu sắc và phân hóa theo đảng phái. Tới tháng 7, khoảng 86% người thuộc đảng Dân chủ đã tiêm chủng, trong khi tỷ lệ của phe Cộng hòa chỉ là 54%, theo khảo sát của Quỹ Gia đình Kaiser. 1/5 người Cộng hòa nói "chắc chắn" sẽ không tiêm vaccine.
"Chia rẽ về chính trị đã góp phần khiến Mỹ tụt lại phía sau các nước châu Âu trong cuộc đua tiêm chủng", Josh Michaud, phó giám đốc về chính sách y tế toàn cầu tại Quỹ Gia đình Kaiser, nói.
Nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, cũng có tình trạng chần chừ tiêm chủng, nhưng quy mô không lớn như ở Mỹ. Tại Bồ Đào Nha, tỷ lệ hoài nghi vaccine trong dân số rất thấp.
"Chúng tôi không cần thuyết phục mọi người tiêm chủng. Bởi họ muốn được tiêm", Gonçalo Figueiredo Augusto, người nghiên cứu về y tế cộng đồng tại Đại học NOVA ở Lisbon, nói.
Những trở ngại trong lịch sử có thể chính là nguyên nhân mang đến thành công cho chiến dịch tiêm chủng của Bồ Đào Nha, theo Augusto. Quốc gia này đã sống dưới chế độ độc tài từ năm 1933 tới 1974, khiến nền y tế công cộng bị đình trệ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa ở Bồ Đào Nha cao hơn đáng kể so với các nước giàu khác ở châu Âu như Pháp, Đức và Anh. Chỉ tới cuối những năm cuối của chế độ này, chiến dịch tiêm chủng nghiêm túc mới bắt đầu.
"Mọi người sẵn sàng tiêm chủng bởi các bệnh truyền nhiễm từng là một vấn đề lớn. Chúng tôi từng là nước nghèo và hiểu được tầm quan trọng của vaccine", Augusto nói.
Khi nền dân chủ ở Bồ Đào Nha được tái lập và điều kiện kinh tế được cải thiện, sức khỏe cộng đồng cũng được nâng cao. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm tương đương với các quốc gia khác vào những năm 1990. Ngày nay, hơn 97% trẻ em Bồ Đào Nha được tiêm phòng sởi, nhưng ở Mỹ, tỷ lệ này chưa tới 90% vì một bộ phận dân chúng tiếp tục bài vaccine.
Bồ Đào Nha cũng từng trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất, giống Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sau khi tránh được đợt bùng phát nghiêm trọng vào mùa xuân và hè năm ngoái, các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng. Lãnh đạo Bồ Đào Nha muốn cho phép người dân được tận hưởng một kỳ Giáng sinh 2020 bình thường nhất có thể.
Tới đầu tháng 1, số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Bồ Đào Nha có giai đoạn ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tệ nhất thế giới. "Đó là một chấn thương đối với đất nước này", Augusto nói.
Tại Bồ Đào Nha, tiêm chủng được xem là cách tốt nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Sau những khó khăn ban đầu vì thiếu nguồn cung vaccine, tỷ lệ tiêm chủng ở Bồ Đào Nha đã tăng nhanh.
Bồ Đào Nha cũng nhanh chóng thích nghi với tình hình đại dịch biến đổi. Khi biến thể Delta xuất hiện vào tháng 5, giới chức quyết định rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm. Khoảng cách giữa hai liều vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna đều được rút ngắn ít nhất một tuần. Cách tiếp cận Covid-19 của Bồ Đào Nha rất tập trung, khi chính phủ chịu trách nhiệm mua, phân phối và tiêm chủng. Quân đội cũng được triển khai để hỗ trợ công tác hậu cần.
Nỗ lực đã được đền đáp. Bồ Đào Nha chỉ ghi nhận một đợt tăng nhẹ số ca nhiễm và tử vong do biến thể Delta vào tháng 7 và 8, trong khi Mỹ và nhiều nước phải gánh chịu đợt bùng phát lớn và nghiêm trọng. Bồ Đào Nha dự kiến cho phép mở cửa quán bar và câu lạc bộ đêm sau nhiều tháng đóng cửa khi đạt 85% dân số tiêm chủng.
"Bạn không muốn tuân thủ quy định ư? Hãy tiêm vaccine và giúp đất nước", Augusto mô tả thông điệp từ các lãnh đạo chính phủ gửi tới người dân Bồ Đào Nha.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang phải chật vật tìm cách đưa vaccine tới những người bài xích nó. "Tại Mỹ, chúng tôi đã gần như tiêm chủng cho mọi người sẵn sàng tiêm", Michaud nói. "Vì vậy, bất kỳ tiến bộ nào trong việc tiêm chủng cho người trưởng thành có thể phải phụ thuộc vào các yêu cầu tiêm chủng bắt buộc".
Chính quyền Biden đã phải chuyển sang chiến dịch tiêm chủng bắt buộc để tăng độ phủ vaccine trong dân số, sau khi những biện pháp khuyến khích, kêu gọi và tặng thưởng không còn hiệu quả.
"Nhưng những nỗ lực này sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ những cử tri và chính trị gia Cộng hòa", bình luận viên Dylan Scott của Vox nhận định. "Đó là lý do chiến dịch của Mỹ bị tụt lại và cái giá phải trả cho điều đó ngày càng tăng".
Thanh Tâm (Theo Vox, NYTimes)