Trả lời:
Hầu hết trẻ nhiễm sởi sẽ không tái nhiễm, tuy nhiên tỷ lệ này không phải 100%. Bé vẫn nhiễm sởi trong tương lai, nếu kháng thể suy giảm hoặc trước đó chưa được phát hiện đúng bệnh. Sởi dễ nhầm lẫn với rubella, sốt phát ban... Để có chẩn đoán đúng, bệnh nhân cần được bác sĩ khám và xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Nếu gia đình chưa chắc chắn con đã nhiễm sởi, nên tiêm ngừa để giúp cháu được bảo vệ đầy đủ, đặc biệt trong bối cảnh trẻ tựu trường sau nghỉ hè, TP HCM công bố dịch bệnh, virus sởi có khả năng lây lan mạnh.
Về vaccine, Bộ Y tế quy định trẻ dưới hai tuổi cần chủng ngừa tối thiểu hai mũi. Bé chỉ tiêm một mũi sởi, hiện chưa đủ phác đồ. Ngoài ra, một mũi sởi có thể bảo vệ 80-85%, mũi tiếp theo lên đến 95-98%.
Hiện Việt Nam có các loại đơn, phối hợp sởi - rubella và phối hợp sởi - quai bị - rubella, tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi. Vaccine giúp cơ thể trẻ được huấn luyện cách chống lại mầm bệnh an toàn. Sau này, khi trẻ bị virus sởi tấn công, cơ thể sẽ biết cách tiêu diệt, loại bỏ mầm bệnh hiệu quả hoặc giảm mức độ bệnh và nguy cơ nhập viện, tử vong.
Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện đặc trưng gồm: sốt, viêm long đường hô hấp, phát ban, có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc... Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Trẻ em mắc sởi có thể gặp các biến chứng lâu dài như suy dinh dưỡng, viêm não xơ bán cấp gây rối loạn trong hành vi, vận động, tâm thần, tăng nguy cơ tử vong. Vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.