"Nhiều người sở hữu bất động sản bây giờ đều có chung một tâm lý ảo tưởng về giá trị tài sản của mình, dẫn đến giá nhà đất luôn bị đẩy lên mức cao vượt quá so với giá trị thực của nó.
Tôi có một người bạn sở hữu một căn nhà trong ngõ nhỏ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đó là căn nhà ba tầng cũ, diện tích 60 m2, mặt tiền nhà rộng 4 m, ngõ ôtô đi được. Vậy nhưng bạn tôi rao bán tới hơn 7 tỷ đồng, thậm chí còn nói với tôi rằng "có khi giá đó còn rẻ quá" và tính tăng thêm. Nhà của bạn ở khu vực được xem là "cái rốn" của tắc đường, sáng đi làm tắc, chiều đi làm về cũng tắc toàn tập, thậm chí cuối tuần, ngày lễ có khi đến nửa đêm cũng vẫn tắc.
Tôi cũng đang có nhà ở cùng trong ngõ đó nên thấm thía cái cảnh tắc đường ở đây cực kỳ bất tiện. Khi nghe bạn nói về mức giá rao bán nhà, tôi cũng chỉ biết cười trừ. Ở đây, tôi muốn nói rằng, nhiều người có nhà, đất ở ta thường nghĩ quá, đến mức ảo tưởng về giá trị bất động sản của mình. Chúng ta dù không thích ở nhà này nữa nên mới bán đi, nhưng luôn rao với mức giá rất cao, nghĩ rằng đất nội đô phải có giá trị.
Điều đó dẫn đến người mua nhà gặp khó cho việc trả giá, cuối cùng người ta sẽ không mua nữa vì quá tầm với. Nhìn mặt bằng chung giá nhà trong nội đô ở Hà Nội, tôi thấy giá luôn trên 100 triệu đồng/m2 rồi. Rõ ràng, nó không hề tương xứng với giá trị thực. Còn có những việc này thì thành phố khó mà phát triển được. Giá đất phải rẻ thì mới gọi là nơi 'đất lành chim đậu', các nhà đầu tư sẽ tới, để đầu tư vào sản xuất mới tạo ra giá trị bền vững".
Đó là chia sẻ của độc giả Trieuhung khi đánh giá về đà tăng giá bất động sản ở Hà Nội hiện nay. Tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, căn hộ chung cư và shophouse đều ghi nhận tăng giá. Các phân khúc còn lại như nhà phố, biệt thự, đất nền giá đều đi ngang.
Đồng quan điểm, độc giả Hứa Văn Cường cũng chỉ ra hiện tượng "ảo giá" bất động sản: "Lô đất ở thị trấn 100 m2 đã giảm 30% mà giá vẫn còn tận 5 tỷ đồng thì đủ hiểu giá 'ảo' như thế nào rồi. Tôi ở tỉnh, với giá đó có thể mua được nhà mặt tiền để kinh doanh hoặc cho thuê bán lại cũng ngon hơn. Nói thế để hiểu không phải ở đô thị lớn là đầu tư bất động sản ngon ăn mà còn tùy vị trí và giá bán quyết định lợi nhuận tương lai".
>> 'Ngồi không buôn đất bằng cả năm đi làm'
Mong mỏi và những chính sách chống đầu cơ đất để ổn định giá bất động sản, độc giả Nole nhấn mạnh: "Nếu chỉ mua đi bán lại bất động sản mà toàn dùng tiền ngân hàng thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với các nước lân cận khoảng 10 năm. Việt Nam cần có luật chống đầu cơ để tập trung làm kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, thay vì chỉ trông chờ vào bán đất kiếm lời.
Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta nên cấm giao dịch nhà đất ủy quyền quá sáu tháng, cho vay bất động sản không quá 30% giá trị, lô đất mới sang tên cũng không được giao dịch trong ba năm... Nếu không một lô đất để không đã gánh hơn 10% lãi ngân hàng mỗi năm. Kể cả không có chuyện thổi giá thì lô đất cũng sẽ tăng giá trị gấp đôi sau 10 năm, dẫn đến mất kiểm soát".
Cũng ủng hộ chính sách để ngăn đà tăng giá bất động sản, bạn đọc Chanhbkkv kết lại: "Tuy là người có đất, nhưng tôi cũng hy vọng giá bất động sản sẽ giảm thật sâu để có thể giúp một phần cho các củ đầu tư xây dựng lớn tạo ra các dự án bất động sản phân khúc giá rẻ cho người lao động. Rõ ràng, với mặt bằng giá hiện nay và thu nhập trung bình của người dân thì kể cả người xây nhà cho thuê cũng chẳng thể có lãi.
Tính sơ bộ, mua một căn nhà một tỷ đồng mà cho thuê thì cũng không thể quá 2.5 triệu đồng/tháng, tính ra lãi cho thuê chỉ khoảng 3%, bằng 1/3 lãi vay ngân hàng. Vậy, nếu không trông chờ vào đà tăng giá đất thì chẳng ai đầu tư xây nhà cho thuê cả vì lợi nhuận âm. Dù sao, thị trường vẫn sẽ vận hành như thế, lên hay xuống là do kéo và đẩy của bên mua và bán mà thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.