Có một thực tế là không ít người may mắn "phất lên" nhờ "cò" đất. Nhưng cũng có rất nhiều người đang như cá nằm trên thớt, tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tan, con cái nheo nhóc cũng chỉ vì "cò".
Có khá nhiều căn nhà được người đầu cơ mua từ những năm 2010 với giá trị thời đó cũng được coi là "sốt đất". Một trong những hậu họa của "sốt đất" mà tôi được biết là một mảnh có giá 2,2 tỷ đồng. Đến bây giờ, người đó (phải cắm sổ trong ngân hàng) cần bán gấp nhưng không thể bán nổi cho dù đã hạ giá đến mức tối thiểu với họ để đủ trả tiền nợ ngân hàng (2,7 tỷ đồng).
Cứ thử tìm hiểu lãi suất hàng năm của ngân hàng từ năm 2010 cho đến nay và tính xem nếu gửi ngân hàng thì tiền lãi và vốn kể từ đó đến bây giờ là bao nhiêu? Và làm thế nào để có thể bán được mảnh đất mà bạn đã ôm lấy từ rất lâu trong khi bạn ngập ngụa trong nợ nần vì chính mảnh đất đó? Lúc ấy bạn sẽ vỡ lẽ ra rất nhiều điều.
Đây là một trong những sự thật của buôn bất động sản tại một trong những quận trung tâm thành phố mà tôi được biết, nơi mà người ta cứ tưởng buôn đất là ngon, bổ, rẻ (theo lời "cò"). Nếu miếng đất, căn nhà thực sự "ngon", nó sẽ chẳng bao giờ đến lượt "cò" bởi vì thông tin họ nắm được cũng đã qua vài cầu rồi. Nên "cò" cũng chỉ là một trong những người thấy của thì tham, mà đã tham thì thâm thôi.
>> Nhà, đất quê tôi đua nhau 'ngáo giá'
Lời khuyên của tôi là ai muốn mua đất, mua nhà thì nên tìm hiểu thị trường ít nhất một năm. Cứ từ từ, bạn sẽ thấy muôn mặt đời thường của "cò" đất. Đừng "đi đâu mà vội mà vàng, mà va phải cọc mà quàng phải dây". Tài "bơm, thổi bong bóng" của "cò" đất luôn rất ghê gớm.
Một cái nhà ít nhất phải có hai "cò" đi kèm nhau để còn "đá gà, đá vịt". Họ thậm chí còn có cả đội sắm đủ vai luôn. Bản thân tôi cũng suýt rơi vào "bẫy cò". May mà tôi vẫn kịp sáng mắt để nhìn rõ chân tướng sự việc, không để bị dụ dỗ. Đến giờ tôi cực kỳ cảnh giác với "cò" đất.
Tóm lại, sân chơi bất động sản với giá cao ngất ngưởng như hiện tại chỉ dành riêng cho dân đầu cơ và giới siêu giàu, đại gia thôi. Lãi suất ngân hàng có giảm thì cũng chẳng ai mua vì đều ôm hàng. Họ còn đang nhìn nhau lườm nguýt.
Chính dân đầu cơ bất động sản đã làm cho phân hóa giàu nghèo với một khoảng cách quá xa trong thời gian quá nhanh. Nên cho dù có giảm lãi suất ngân hàng đi chăng nữa thì người thực sự có nhu cầu mua cũng không thể với tới được.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.