"Mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những gì mình đề nghị trong vài ngày tới. Và thậm chí có thể là nhiều hơn một chút", hãng thông tấn quốc gia Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói hôm nay.
Thông tin này đồng nghĩa Nga có thể bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sớm hơn thông báo trước đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/6 cho biết thời điểm Moskva thực hiện động thái là đầu tháng 7, sau khi quá trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng kết thúc ngày 7-8/7.
Theo Tổng thống Lukashenko, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là mong muốn của ông, không phải do Moskva áp đặt.
"Vì sao? Vì không ai trên thế giới muốn gây chiến với một cường quốc hạt nhân. Và tôi cũng không muốn bên nào gây chiến với chúng tôi. Có nguy cơ nào như vậy không? Có. Tôi phải vô hiệu nó", Tổng thống Lukashenko nói, thêm rằng ông "sẽ không do dự" khi ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nếu có sự gây hấn nhằm vào Belarus.
Giới chức Nga chưa bình luận về thông tin.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Moskva và Minsk ngày 25/5 ký thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Tổng thống Lukashenko sau đó nói rằng Nga đã bắt đầu thực hiện kế hoạch và ông nhất trí với người đồng cấp Putin về loại vũ khí hạt nhân, nơi bố trí và số lượng, nhưng không nêu cụ thể.
Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 4 công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai ở Belarus, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án thỏa thuận, nói động thái khiến căng thẳng khu vực leo thang nguy hiểm. Washington mô tả kế hoạch của Moskva là "khiêu khích, vô trách nhiệm" nhưng cho biết Mỹ chưa có lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình.
Moskva khẳng định động thái này "không có gì bất thường" và Washington đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ, đề cập việc Mỹ bố trí nhiều vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh tại châu Âu. Nga cũng nhấn mạnh nước này vẫn giữ quyền kiểm soát vũ khí, không giao lại cho Belarus.
Như Tâm (Theo Reuters)