Trả lời:
Trong điều kiện thời tiết rét đậm tại miền Bắc, các bệnh lý về nhiễm trùng đường hô hấp tăng cao. Bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ đến khám có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, viêm phổi... Tuy nhiên, nghĩ rằng nước mũi của con màu vàng xanh là bé đã nhiễm vi khuẩn, cho dùng kháng sinh ngay để điều trị là sai lầm.
Thông thường, trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên không biến chứng thì không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh ngay lập tức. Chúng ta hoàn toàn có thể trì hoãn việc sử dụng kháng sinh, tiếp tục chăm sóc, theo dõi tiếp các triệu chứng và diễn tiến của bệnh. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Do đó, phụ huynh cần nắm chắc các dấu hiệu từ màu sắc nước mũi để có biện pháp xử lý tốt hơn.
Khi trẻ ngạt hay tắc mũi, nước mũi thường có màu trắng. Nguyên nhân là có thể bị viêm, sưng nề các niêm mạc mũi, khiến dịch nhầy trong mũi chảy ra chậm. Tình trạng ngạt mũi làm mất nước, dẫn đến nước mũi trở nên đặc, thậm chí có màu đục. Dấu hiệu cho thấy trẻ có thể trong giai đoạn ủ bệnh cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn khác. Các triệu chứng của cảm lạnh thường phát triển từ một đến 3 ngày sau khi tiếp xúc virus.
Khi nước mũi trẻ là chất nhầy màu xanh vàng, có thể là dấu hiệu của vi khuẩn hay virus, nhưng cũng có thể là dấu hiệu tích cực. Khi đó, cơ thể của trẻ đang chiến đấu trở lại với bệnh. Hệ thống miễn dịch đang hoạt động mạnh để chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Ngoài ra, màu xanh vàng của nước mũi xuất phát từ các tế bào khi tham gia diệt vi trùng xâm nhập. Các tế bào này chứa một loại enzyme màu xanh lục. Với số lượng lớn, chúng có thể khiến dịch nhầy chuyển thành màu giống nhau. Khi các tế bào hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ bị loại bỏ trong mũi của trẻ cùng các chất thải khác, từ đó khiến nước mũi chảy ra có màu xanh vàng.
Do đó, tình trạng chảy nước mũi màu xanh vàng không quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Chúng ta chỉ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi nghi ngờ bé bị viêm xoang do vi khuẩn hoặc một số biến chứng khác. Một số dấu hiệu của viêm xoang là nước mũi xanh vàng kèm theo sốt kéo dài từ ba đến bốn ngày liên tiếp; nhức đầu xung quanh hoặc sau ổ mắt, nặng hơn khi cúi đầu, sưng mắt hay quầng thâm quanh mắt, khó chịu, nôn ói liên tục, bệnh kéo dài trên 7 đến 10 ngày.
Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hay uống thuốc không có chỉ định của bác sĩ khiến bệnh nặng thêm, có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này.
Bác sĩ Phí Xuân Thi
Khoa Nhi - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh