Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết những ngày qua nhiệt độ miền Bắc giảm sâu, trời mưa rét khiến số bệnh nhi đến khám vì viêm họng cấp, cúm, sổ mũi tăng.
Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, trong khi đó hệ miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, cách chăm con phản khoa học cũng là yếu tố nguy cơ làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
Bác sĩ cho biết, khi trời lạnh, bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, mặc ấm, đeo khăn, găng tay, tất, mũ... Tuy nhiên tránh mặc quần áo quá dày và nhiều lớp khiến trẻ khó thở. Mồ hôi có thể thấm ngược vào cơ thể, gây lạnh, làm giảm thân nhiệt, dễ dẫn đến viêm phổi.
Nhiều phụ huynh dùng than tổ ong để sưởi ấm khi trời lạnh. Tuy nhiên, trong môi trường thiếu không khí như phòng ngủ, sưởi than sẽ tạo loại khí cực độc là CO. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân ngộ độc CO có thể bị tổn thương não, thần kinh, nhịp tim, hôn mê, thậm chí tử vong.
Thói quen tự mua thuốc điều trị khi con sốt, ho, cúm dẫn đến nhập viện muộn, bỏ qua thời gian vàng điều trị, cũng khá nguy hiểm, theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo bác sĩ Thúy, trẻ không được điều trị đúng cách dễ bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Ví dụ, từ ứ đọng đờm dãi, các cháu có thể bị bội nhiễm viêm tai giữa, bội nhiễm viêm phế quản phổi, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết.
"Khi ấy việc điều trị khó khăn hơn, nguy cơ biến chứng nặng nề, thời gian nằm viện kéo dài, tăng chi phí điều trị lại ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất của trẻ sau này", bác sĩ nhấn mạnh.
Một số phụ huynh mua thuốc để dự trữ trong nhà và uống dự phòng. Song, tùy tiện dùng thuốc có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc và lãng phí không cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết trẻ sốt nhưng không quấy khóc, chán ăn, bứt rứt, mệt mỏi, sốt chưa đến 38,5 độ C thì chưa cần dùng thuốc hạ sốt. Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch, khi mắc cúm sẽ nặng nề, cần theo dõi sát.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, bác sĩ khuyến cáo tuân thủ "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch, ăn chín uống sôi, che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine phòng bệnh.
Chú ý vệ sinh hàng ngày và vệ sinh đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi. Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Trẻ ốm nên cho nghỉ học, cách ly tại nhà, tránh lây lan cho người khác. Hạn chế tối đa người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Trẻ mắc cúm mùa có thể chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người trẻ bằng khăn ấm không quá 10 phút một giờ khi trẻ sốt cao, sốt ảnh hưởng đến sinh hoạt của bé. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước từ hoa quả, nước súp, oresol.. Khi được cung cấp đủ nước, thông thường cách 4 tiếng đồng hồ trẻ đi tiểu một lần.
Trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cần đưa đến bệnh viện khám và điều trị.
Thùy An - Chi Lê