Đọc bài viết "Tôi tìm việc, không phải xin việc" của tác giả Đỗ Quang, trên góc nhìn của một nhà tuyển dụng có kinh nghiệm trên dưới 10 năm, tôi có quan điểm tương đối khác:
Có hai khía cạnh quan trọng nhất của một ứng viên mà nhà tuyển dụng sẽ luôn chú ý tới, đó là: trình độ (kỹ năng) và thái độ. Với tôi, thái độ luôn quan trọng hơn trình độ. Bởi với những bạn sinh viên mới ra trường, được đào tạo bải bản chung một chương trình giáo dục, khoảng cách về trình độ gần như không quá khác biệt. Ngay cả với những bạn năng lực đuối hơn một chút, quá trình làm việc thực tế, nếu biết tích lũy kinh nghiệm, tôi tin họ cũng sẽ sớm bắt kịp, thậm chí vượt lên so với những người có nền tảng xuất phát tốt hơn.
Trong khi đó, thái độ là thứ gắn với bản tính của mỗi con người, nó được hình thành trong suốt quá trình lớn lên và phát triển của người đó từ khi được sinh ra. Do vậy, đây là yếu tố rất khó để thay đổi. Nói cách khác, năng lực yếu bạn có thể bổ sung, nhưng thái độ kém thì không dễ sửa chút nào.
Trong suốt quá trình phỏng vấn hàng trăm ứng viên, tôi nhận thấy càng ngày càng có rất nhiều bạn trẻ tự tin về khả năng của bản thân mình. Họ đến phỏng vấn với phong thái không chút lo sợ gì, thoải mái phô diễn hết kỹ năng của bản thân và thẳng thắn bày tỏ yêu cầu, nguyện vọng muốn được nhà tuyển dụng đáp ứng. Xét về một phương diện nào đó, đây là điều tốt. Tôi luôn tôn trọng các bạn trẻ hiểu rõ về bản thân và dám bày tỏ chính kiến, mục đích của bản thân mình.
Bạn hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tích mình đạt được, những kỹ năng mà mình có, nhưng nên thể hiện một cách khiêm tốn thay vì cố phủ đầu nhà tuyển dụng như một cái cớ để đòi hỏi quyền lợi sau này. Có nhiều bạn trẻ đến phỏng vấn từng vỗ ngực nói với tôi rằng: "Với trình độ đang có, em tự tin có thừa khả năng ngồi vào ghế Giám đốc kinh doanh của công ty". Có bạn khác lại tuyên bố với giọng đầy hào sảng: "Tôi nghỉ việc ở công ty cũ vì trưởng phòng ở đó chuyên môn quá kém, không đủ khả năng lãnh đạo tôi"... Và đương nhiên, tôi gạch tên các ứng viên này ngay lập tức dù bảng thành tích của họ có thể dài cả trang A4.
Thay vào đó, bạn có thể nói rằng: "Tôi không dám nói mình là người giỏi nhất, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức và đến nay khả năng đã được công nhận bằng các thành tích..."; hay "Tôi nghĩ rằng tổ chức cũ đã không có sự công nhận xứng đáng với những đóng góp của tôi, nên muốn tìm một môi trường mới để bản thân có thể phát huy được hết năng lực và được ghi nhận"... Không gì sáng suốt bằng việc bạn nói đúng sự thật và khiêm tốn. Bạn không phải chứng tỏ mình là siêu nhân mà hãy cho thấy mình là một ứng viên phù hợp nhất để được nhận vào làm việc.
>> Phỏng vấn xin việc - 'nói thứ nhà tuyển dụng cần, đừng nói cái bạn có'
Nói thêm về quan điểm cho rằng "chúng ta đi tìm việc chứ không phải xin xỏ để được nhận vào làm việc", tôi cho rằng có ý đúng mà cũng có ý chưa phù hợp. Nên nhớ, khi bạn đi xin việc nghĩa là bản thân chứ đủ khả năng (kiến thức hoặc tài chính) để tự ra làm chủ. Tức là, bạn đang kiếm việc làm thuê, phải dựa vào một doanh nghiệp, tổ chức. Họ là chủ, là người trả lương cho bạn và giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm, bổ sung những thiếu sót để hoàn thiện mình trong tương lai. Nếu là một người có trước có sau, tôi tin bạn sẽ thấy đó là một sự giúp đỡ không nhỏ và chẳng có lý do gì để bạn đòi công bằng ngang hàng với các ông chủ.
Do đó, khi là một ứng viên tìm việc, hãy biết cả ơn nếu ai đó cho bạn một cơ hội, một công việc để thể hiện mình. Họ có thể lấy đi sức lao động của bạn nhưng sẽ cho lại bạn nhiều thứ hơn là tiền lương. Rất ít người sinh ra đã là ông chủ, phần lớn đều đi lên từ vị trí nhân viên học việc. Hãy quý trọng từng cơ hội thuở ban đầu đó, bới nó có thể sẽ là bàn đạp để bạn tỏa sáng trong tương lai.
Tôi cho rằng người lao động và nhà tuyển dụng vẫn tồn tại mối quan hệ xin - cho, nhưng không phải xin xỏ theo nghĩa tiêu cực. Ở đây, người lao động xin một công việc ưng ý và nhà tuyển dụng cho bạn cơ hội đó. Ngược lại, nhà tuyển dụng cần một tài năng và bạn sẽ cho họ thấy những đóng góp của mình và nhận lại một phần thưởng xứng đáng. Nếu coi đây là mối quan hệ mua - bán, bạn càng cần nhớ rằng, những bạn hàng lâu năm luôn phải tồn tại sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau chứ không có bên nào lấn lướt bên nào.
Điều cuối cùng, tôi muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ đang trên con đường tìm kiếm một công việc mơ ước, đừng vội nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ sẵn lòng chỉ ra cho bạn những điều bạn thiếu sot, cần sửa chữa. Nhiệm vụ của họ là "đãi cát tìm vàng", và nếu bạn không đáp ứng đủ các yêu cầu của họ, tên bạn sẽ bị gạt khỏi danh sách.
Bạn sẽ chẳng thể đòi hỏi gì thêm khi ngay cả đến cơ hội chứng minh năng lực bản thân cũng không có được. Hãy là một ứng viên thông minh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.