Cứ lâu lâu các tỷ phú lại trở thành tâm điểm bàn tán. Điều đáng nói hơn là nhiều người lại lấy các tỷ phú ra để làm gương, rút ra được một bài học gì đấy và thực tập theo. Kết quả thì không hẳn là như ý, nhưng có một điều chắc chắn, đó là những ai làm theo các tỷ phú đều không trở thành tỷ phú.
Như chuyện bỏ học chẳng hạn. Hai tỷ phú bỏ học nổi tiếng nhất là Bill Gates và Mark Zuckerberg thật ra có điểm chung. Đó là cả hai đều đang học ở Harvard nhưng đã lập công ty riêng với những ý tưởng và công nghệ mới. Họ chỉ bỏ học khi công việc đã trở nên thành công, khiến họ không còn thời gian để tới trường nữa.
Những ai không vào nổi trường tầm cỡ như Harvard, chưa có công ty riêng hay công việc chưa có thành tựu gì đáng kể mà bỏ học như hai ông này thì đa phần sẽ tiêu. Bài học được rút ra từ việc này không phải là "Bỏ học thì vẫn thành công" nhưng có thể là "Chỉ khi nào học rất giỏi và có được những thành tựu siêu đẳng, không cần vào trường học nữa thì bỏ học cũng không sao".
Chuyện ăn mặc cũng vậy. Ông Steve Jobs chuyên mặc áo cổ cao còn Mark Zuckerberg chuyên mặc áo phông xám. Mark còn nói rằng ông mặc như vậy để mỗi buổi sáng đỡ mất công chọn quần áo. Bắt chước các thói quen này cũng chả có ích gì cho công việc của người bình thường hay thậm chí là bất kỳ ai khác. Bill Gates đâu có lúc nào cũng mặc một bộ nhưng vẫn giàu đấy thôi.
>> Bài viết cùng tác giả: 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt
Cũng có một người nổi tiếng bắt chước cách ăn mặc của Steve Jobs. Đó là Elizabeth Holmes, người đang bị truy tố vì tội lừa đảo. Cô ta xây dựng công ty Theranos trên cơ sở lừa đảo, bán công nghệ thử máu không có thật nhưng bản thân cô ta thì rất thuyết phục. Một phần của sự thuyết phục đó là chiếc áo cổ cao màu đen giống như Steve Jobs.
Cái giá của sự bắt chước nhưng thói quen của các tỷ phú cũng tương tự như vậy: Những chuyện nhỏ nhặt bắt chước được còn việc làm giàu thì không. Không có mối liên hệ nhân quả nào giữa những thói quen nhỏ nhặt của người thành công và thành công của họ cả.
Khi ông Jeff Bezos rồi Bill Gates đều lần lượt ly dị vợ thì cũng có nhiều người bàn tán. Buồn cười nhất là nhiều người chăm chú vào chuyện hai ông có rửa chén hay không rồi rút ra kết luận về chuyện kết cục hôn nhân sẽ thế nào nếu rửa chén.
Ông Bezos thì ly dị vợ vì ngoại tình. Hiện giờ thì công chúng cũng chưa rõ là vì sao ông Gates lại ly dị vợ nhưng khả năng là chuyện này không liên quan tới rửa chén. Các tỷ phú này có thừa tiền để thuê người rửa chén hay nấu nướng, họ có muốn rửa chén hay không cũng không liên quan gì tới chuyện họ có giàu hay không và càng ít liên quan tới cuộc hôn nhân của họ. Chỉ có người ngoài là không nên rút ra bài học nào từ cái sự rửa chén của các nhân vật tầm cỡ này cả.
Lại cũng có người tranh cãi về chuyện liệu Bill Gates có trở thành tỷ phú nếu ông không cưới bà Melinda hay không. Cái này thì chắc chỉ có trời mới biết. Chữ 'nếu' vốn không tồn tại trong thực tế và nó cũng không tồn tại trong thì quá khứ. Cái gì đã xảy ra rồi thì không bao giờ có thể thay đổi được nữa, có tranh cãi gì cũng vậy thôi. Tầm quan trọng của một cuộc hôn nhân ở thì tương lai chứ không phải quá khứ. Những người tranh cãi về chuyện lấy ai mới giàu là những người... không biết làm kinh tế, tới nỗi phải băn khoăn chọn vợ chọn chồng để đảm bảo cho cái sự giàu.
>> Nhà ống, 'chuồng cọp' và vườn trên sân thượng
Chuyện các nhân vật cực kỳ giàu có làm những gì vốn có giá trị giải trí cao cho phần còn lại của nhân loại. Tuy vậy những việc đó có rất ít giá trị cho quá trình học hỏi của con người bởi mối quan hệ nhân quả không được chứng minh. Cái mà con người có thể học được là tri thức chứ không phải là vài thói quen lặt vặt của người khác.
Bỏ bớt thời gian soi mói người khác và dành thời gian để học hỏi tri thức và tìm kiếm cơ hội cho bản thân thì thực tế hơn nhiều.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.